Có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia hay không? (Nguồn: Đề thi học kỳ)
Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi rất quan trọng đối với các bạn “sĩ tử”, nó quyết định 12 năm đèn sách, giúp các bạn vượt “vũ môn” để vào cánh cửa đại học. Nhưng một kỳ thi tốt đẹp, liêm khiết, trong sạch đã không diễn ra như mong đợi vào năm 2018. Vụ việc sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đang làm xã hội và ngay cả bộ Giáo dục phải đặt câu hỏi : “Có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia hay không?”
Về vụ việc sửa điểm thi THPT Quốc gia, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc trao đổi với 26 chuyên gia, người quan tâm đến giáo dục để thảo luận vấn đề này và làm sao để cải thiện chất lượng giáo dục.
Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Những ý kiến tranh luận diễn ra sôi nổi
Bộ Giáo dục công bố tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc năm 2018 đạt 97,57% (trên tổng số hơn 879.700 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp). Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì một kỳ thi chỉ để loại bỏ hơn 2% học sinh không đủ điều kiện, điều này rất mất thời gian và kinh phí. Các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến chỉ cần tổ chức một kỳ thi để tuyển sinh đại học và có thể để các trường Đại học tự ra đề.
Những ý kiến tranh luận diễn ra sôi nổi tại hội nghị (Nguồn: Quochoi)
Tuy nhiên, ý kiến trên vấp phải sự phản đối vì điểm thi THPT quốc gia thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tốt nghiệp, nhưng nó là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học. Nếu bỏ kỳ thi này, học sinh sẽ không cố gắng học, các trường sẽ chạy theo bệnh thành tích làm đẹp học bạ để tốt nghiệp. Mặt khác, quy định tại Luật Giáo dục (Điều 31), học sinh phải thi THPT mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Khi xây dựng phương án thi, Bộ cũng đã nghĩ đến vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Tuy vậy, việc này không thực hiện được vì trái Luật Giáo dục. Nếu bỏ kỳ thi này học sinh sẽ lười biếng, chất lượng giáo dục sẽ kém”.
Làm thế nào để cải thiện chất lượng kỳ thi THPT quốc gia?
Vụ việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều chuyên gia đề xuất bổ sung công cụ tin học để hạn chế tối đa khả năng can thiệp của con người. Các quy định từ coi thi, thu bài thi, niêm phong và chấm thi đều phải xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, giáo viên. Từ đó, nếu có sai phạm sẽ dễ dàng truy cứu.
Nhiều biện pháp chống tiêu cực được đưa ra (Nguồn: VietnamNet)
Đề thi không được đánh đố, phải tuân theo ngưỡng của quốc tế. Học sinh phải đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT mới được cấp bằng tốt nghiệp THPT, nếu không đạt thì chỉ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT. Học sinh muốn vào Đại học phải có bằng tốt nghiệp THPT. Phương án này vừa đảm bảo tính trong sạch của kỳ thi mà không phụ thuộc yêu cầu “phải tốt nghiệp gần 100%”.
Các đại biểu đồng thuận hướng tới tương lai các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tài chính, tổ chức, quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng. Khi chất lượng học, thi THPT quốc gia đảm bảo, học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chỉ cần đăng ký vào học đại học. Chỉ một số trường có nhu cầu sẽ tổ chức thi, xét tuyển riêng như nhiều nước tiên tiến hiện nay.
Qua những thông tin trên, Bộ Giáo dục vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020 và đã đưa ra những biện pháp chống tiêu cực. Chúng ta hi vọng một kỳ thi trong sạch, liêm khiết vào năm 2019. Đừng quên truy cập vào Edu2Review để nhận các thông tin hữu ích về tuyển sinh cao đẳng – Đại học nhé!
Ngọc Xuân (Tổng hợp)