Bức tâm thư đầy xúc động của một "người cha" vừa tốt nghiệp gửi đến "đứa con" trong tương lai | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      Bức tâm thư đầy xúc động của một "người cha" vừa tốt nghiệp gửi đến "đứa con" trong tương lai

      Bức tâm thư đầy xúc động của một "người cha" vừa tốt nghiệp gửi đến "đứa con" trong tương lai

      Cập nhật lúc 06/02/2020 14:07
      Bao cảm xúc nghẹn ngào, với những nỗi buồn man mác vì đã bỏ lỡ trong những phút giây cuối cùng thời đại học, đều lắng đọng trong bức thư này.

      Trải qua 4 năm đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, chàng trai vừa bước qua ngày lễ tốt nghiệp trọng đại của thời sinh viên, một sự bắt đầu cho một kết thúc và chuẩn bị hành trang bước tiếp vào ngưỡng cửa mang tên "cuộc đời". Vỡ òa trong cảm xúc bồi hồi và đầy hoài niệm, anh viết một bức thư gửi đến "tương lai" cho con mình.

      "Người cha ấy" đã chia sẻ điều gì với đứa con của mình trong ngày lễ trọng đại đó khi cả hai đều là đồng môn; đó có phải đơn giản là những kinh nghiệm học hành, chọn ngành nghề như bao bức tâm thư khác? Cùng Edu2Review theo dõi bức tâm thư đầy xúc động dưới đây nhé!

      Edu2Review.com - Cộng đồng đánh giá các đơn vị giáo dục hàng đầu dành cho giới trẻ. Nơi mọi người chia sẻ về những trường học, trung tâm ngoại ngữ uy tín và chất lượng

      "Chào con,

      Ba đã không viết gì cho con từ 2013 thì phải, khi ấy ba nghĩ về con như 1 đứa trẻ bụ bẫm và hiếu động. Con chỉ biết ôm lấy lưng ba ngủ, há mỏ xin ba thêm kẹo, nhai tóp tép và bảo đấy là con ăn than, ăn than nhiều mới có sức chạy. Mỏ kêu tu tu tu, con thổi phì phì để ra khói, 3 bố con mình hí húi bám lưng nhau.

      Ba là cái đầu tàu, mình lại chơi trò tàu hỏa yêu thương, khi mẹ con vắng nhà.

      Còn bây giờ, là lễ tốt nghiệp của con, ở 1 ngôi trường đại học con yêu thích, như ba đã từng có ở trường Đại học Kinh tế Luật này.

      Ba đã đến nhiều buổi lễ tốt nghiệp, thấy nhiều thứ.

      Xa cách thương nhớ...

      Con sẽ òa khóc vì nhớ thương, nghẹn ngào giơ tay chào người bạn hôm nào ngồi cạnh con trong phòng thi, thức đêm ôn thi trong ánh đèn nhỏ của phòng trọ ở những con hẻm lầy lội nghèo khó. Những lúc tặc lưỡi móc 5000 đi bộ, ăn cơm chay mấy ngày trời, chờ đến khi có tiếp tế từ thầy tu sẽ lại ăn thịt cá. Con sẽ ôm chầm không ngại ngùng những người bạn rong ruổi cùng con suốt 3, 4 năm trời và cứ thế ôm mãi.

      Từ học hành, đi trễ, điểm danh, làm tiểu luận, chen nhau đăng ký môn học, hóng điểm, photo sách và từ những đứa học giỏi khi sắp thi, thi rớt lần đầu trong đời.

      Ăn chơi, karaoke Sinh Viên Gia Đình, cơm gà xối mỡ, kem xôi, bánh tráng, những chai bia đầu tiên, mì gói, rau cải, lẩu cá diêu hồng mì nhiều hơn cá.

      Đến cảm giác lần đầu mặc đồ tây lên trường sau buổi thực tập, đóng kịch, tập múa, đi trại, làm đánh giá rèn luyện, mất thẻ sinh viên, hư laptop vào cuối tháng, cảm nắng một ai đó, thấy tên mình được lên Confession của trường, lần đầu đi tình nguyện.

      Nhìn hình năm 1, nhìn hình năm cuối, rú lên: sao hồi đó nhìn lúa thế.

      Người ta chỉ còn sống với kỉ niệm, vì con người, ai cũng đổi thay ít nhiều.

      Những niềm hy vọng gửi gắm, trăn trở...

      Niềm vui tốt nghiệp dường như không được trọn vẹn bởi những lo lắng về con đường phía trước với biết bao trông đợi từ gia đình.

      Niềm vui tốt nghiệp dường như không được trọn vẹn bởi những lo lắng về con đường phía trước với biết bao trông đợi từ gia đình.

      Đó là những người anh khóa trước của ba, dẫn cả dòng họ của mình lần đầu lên Sài Gòn, lọ mọ đến trường dù mới mờ 5 giờ sáng. Nhiều người chưa bao giờ biết trường Đại học là cái gì, họ rờ rờ bức tường, rờ cái bằng tốt nghiệp, rờ đến từng cái ghế đá và gật gù với ánh mắt hy vọng trong cái nhìn đã đục ngầu: Giỏi ta, thằng Út giỏi dữ, học cái trường bự quá trời. Sau này làm giỏi cho nhà mình nhờ nghen, đỡ lắm con.

      Đó là lúc ba nghe được những cuộc điện thoại trước giờ G: mai mặc gì được con, má không biết mặc gì hết, sợ người ta cười. Mai vô trỏng họ có kiểm tra gì không con, má chưa đi Sài Gòn bao giờ...

      Cũng là lúc ba nhìn thấy bà mẹ ngồi bệt lên vỉa hè dưới cái nắng 2 giờ chiều, tỉ mẩn gỡ bảng điểm từng tờ, xem thật kỹ. Mắt hấp háy, quay qua chú cô dì bác: Nó toàn học cái gì gì, tui coi cũng chả hiểu. Chú bác trấn an ngay: học vậy mới làm sếp được.

      Bà mẹ lam lũ gật gật, cười toét miệng.

      Nghe vừa vui, vừa chua xót.

      Những nụ cười rạng rỡ lấp lánh trên môi...

      Chúng ta thường không hề biết trân trọng hiện tại cho tới khi nó chỉ còn là một mảnh kí ức.

      Chúng ta thường không hề biết trân trọng hiện tại cho tới khi nó chỉ còn là một mảnh kí ức.

      Cử nhân cười toe toét. Con hãy nhìn kỹ đi, những nụ cười gượng và ngại ngùng của người mẹ, người bố ít khi chụp hình, ít khi được thảnh thơi mà không vướng bận. Ôm balo cho con, giữ hoa, lụi cụi ngồi một góc canh đồ, nụ cười hãnh diện nhuốm màu mệt mỏi: "Tìm nó hả con, nó ở ngoài kia kìa, đang chụp quá trời đó thấy không... À, ừ bác chụp rồi, con ra lẹ, nó chờ."

      Lấy bằng, chụp hình, trả đồ, ôm nhau, đi ăn, về quê. Chia sẻ, tạm biệt, nhìn lại ngôi trường lần nữa, chào tất cả, nói với nhau vài lời chân thành nhất. Những sự vội vã, lẽ ra không nên được tồn tại giữa những thời điểm con người ta cần rất nhiều thời gian như thế.

      Những con người vẫn âm thầm lặng lẽ tiếp bước bao thế hệ học trò...

      Người thầy cũ. Vẫn ánh mắt rạng rỡ, vẫn những dặn dò, tươi rói nụ cười, nghề này hẳn sẽ mang lại yên bình và sức sống cho thầy. Ôm thầy, hí húi hỏi thăm thầy đôi ba câu với tư cách người sinh viên đội sổ môn của thầy. Nhờ vậy mà được thầy nhớ.

      Chú bảo vệ đi ngang quắc ba đi vòng vòng, nói: "Mấy ngày này không mệt, mà lộn xộn lắm mày, dạo này mày làm đâu, thôi ổn định là tốt rồi...". Hồi xưa, vay nợ 900 ngàn, đến hạn trả, vay 1 triệu trả cho 900 ngàn kia, nào ngờ mất cái ví ngay ở trường may có chú nhặt được, còn mỗi giấy tờ. Còn nhớ, trong lúc vừa nghèo vừa nợ vừa mất tiền, mình vay 40 ngàn mua 2 cái thẻ Viettel tặng cảm ơn chú. Giật mình thấy tóc chú bạc rồi, bước đi cũng không còn thoăn thoắt như xưa.

      Chị thư ký khoa. Lụi cụi, tất tả xếp chỗ, chuyển bằng, nhận tài liệu. Cái sự tất bật và cặm cụi quen quá, như khi ba còn lơ ngơ xếp hàng lấy bằng tốt nghiệp. Kéo chị vào ăn vội tô bún, mới thấy chị thiếu ngủ và mệt mỏi.

      Những người anh cũ. Vẫn mạnh mẽ, vẫn ôm nhau hú hét khi vô tình thấy cái mặt quen quen. Chớp nhoáng vài kiểu hình, dặn dò nhau có gì khó khăn nhớ gọi nha huynh, nha đệ.

      Những người thầy thoáng qua rồi biến mất. Con sẽ cứ nhớ nhớ, mong chờ, rồi mất hút giữa biển người. Chẳng biết bao giờ mới gặp lại.

      Ba ngồi rị mọ chỉnh hình cho từng đứa, cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp chúng nó lưu lại một vài khoảnh khắc, đặc biệt là bên ba mẹ. Zoom hình ra, thấy từng nếp nhăn, khuôn mặt bơ phờ, từng nụ cười khoái chí của tụi nhỏ, thấy cả gia đình mình trong từng bức ảnh. Nó y như vở kịch của đội đạo diễn Đức Thịnh, người bố cay đắng cõng con lên giữa biển người giữa liveshow để đứa con gào thét sung sướng: Anh Sơn Tùng

      Cái bằng Đại Học, là tất cả, và cũng không là gì...

      Đường còn dài và còn nhiều hơn chông gai...

      Đường còn dài và còn nhiều hơn chông gai...

      Có nhiều sự trông chờ, hy vọng vào thời khắc con tốt nghiệp. Của ba con, của mẹ con, của gia đình, của mọi người. Điều kỳ lạ là thật sự mà nói, việc học xong và nhận bằng tốt nghiệp chẳng có nhiều liên quan đến việc con có thể tự mình bươn chải, đã sẵn sàng để lăn vào những khó khăn trước mắt. Nhưng mà, nếu đã được gửi gắm niềm tin của gia đình, dòng họ, thậm chí cả 1 cái làng nghèo khó chỉ có số người học Đại học trên đầu ngón tay, thì hãy sống cho xứng đáng.

      Từng ngày trôi qua đều nên nghĩ đến và lăn xả. Thương cho mình, thương cho những người đã từng vất vả vì con.

      Ba mẹ nào cũng nói được câu: Con cái hạnh phúc là ba mẹ vui rồi.
      Thế là mình cũng chỉ hạnh phúc cho bản thân mình, và tự nhủ, ba mẹ sẽ vui lây là đủ rồi. Đừng ích kỷ thế chứ, phải có cái gì dành riêng cho những người đã từng dành cả cho con.

      Ba mẹ chẳng còn có thể ăn những gì bổ dưỡng, mới lạ khi răng đã rụng.
      Ba mẹ chẳng còn cảm nhận được những vùng đất mới, đẹp và hùng vĩ khi mà mắt đã mờ, chân đã đau.
      Ba mẹ chỉ còn biết thế giới xung quanh qua những ống thở, màn hình.
      Những sự tốt đẹp đặt không đúng lúc thì cũng chỉ còn là tượng trưng, là muộn màng.

      Phải nhanh chóng trưởng thành: Ba – bây giờ, con – sau này.

      Khoảnh khắc ba từng đứng trên sân khấu, nhìn tất cả mọi người, đón lấy tấm bằng cử nhân, ba thấy được sự trách nhiệm của mình, đã đến lúc phải sẵn sàng. Nó đúng nghĩa sẽ là một bước ngoặt, không do ai ép buộc, mà tự con sẽ cảm thấy đến lúc phải lựa chọn con đường của chính mình. Nhưng nó chỉ là thời điểm người ta buộc dây để đánh dấu một nút thắt, còn muốn có nút thắt đẹp thì đã phải chuẩn bị từ trước đó lâu rồi.

      Chẳng có chuyện chỉ cần hô lên: Chúc mừng, anh là cử nhân rồi và sau đó con sẽ có tất cả. Gia đình nhỏ, công việc, sự nghiệp, danh vọng.

      Chẳng có đâu.

      LỜI KẾT

      Đại học đã không còn là con đường duy nhất và hoàn hảo trong mắt thế hệ của ba. Nhưng nếu con đã chọn, đừng lãng phí. Như chơi cờ vậy, kể cả khi đã thất thủ, con vẫn miệt mài chống đỡ tới cùng. Hãy lấy gì những tốt nhất từ ngôi trường của con và lao ra ngoài đi. Cái gì cũng có ý nghĩa của nó. Mồ hôi bỏ ra, nước mắt đổ xuống, không vô nghĩa.

      Một ngày sớm thôi, ba sẽ lại tiếp tục quay về trường, dự những lễ tốt nghiệp khác của lớp đàn em.

      Chúc con cũng sẽ có một ngày tốt nghiệp đẹp nhất của đời mình.

      Còn giờ thì con cứ lo ăn kẹo đầy miệng, nhớ là phải đánh răng.

      Nha con,
      Ba.
      Lâm Tuấn Minh"

      Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc bức thư này, bạn cũng là một tân cử nhân và đã có những cảm xúc gì trong lễ tốt nghiệp của mình, hay những khó khăn nào đã làm bạn “té đau” nhất. Hãy chia sẻ nỗi lòng của bạn khi là một sinh viên, tân sinh viên để Edu2Review nhân rộng niềm vui, san sẻ nỗi buồn đó cùng các bạn khác nhé.

      Tiểu Kha Tổng hợp

      Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam


      Có thể bạn quan tâm

      Confession

      Con trượt đại học rồi ........... mẹ ơi!

      06/02/2020

      Trượt đại học, cảm giác tồi tệ nhất và không bạn học sinh nào muốn trải qua. Và đây là vài dòng ...

      Confession

      10 bí kíp thời sinh viên không phải ai cũng biết?

      06/02/2020

      Những "tuyệt chiêu" mà chỉ sinh viên mới hiểu. Những "bí kíp võ công" mà không ai khi còn sinh ...

      Confession

      Sinh viên năm cuối lưu luyến điều gì...

      06/02/2020

      Bận rộn với kế hoạch đi thực tập, với khóa luận – “bài tập cuối cùng" của đời sinh viên để khép ...

      Học ở đâu tốt?

      Học tiếng Anh theo lộ trình kế thừa có thực sự chất lượng?

      21/03/2024

      Bạn đã nghe nói đến Lộ trình học tiếng Anh chuẩn quốc tế kế thừa xuyên suốt từ bậc mầm non đến ...