Thống kê từ Trung tâm Truyền thông (Bộ GD-ĐT), tính đến 12h00 ngày 8/8, đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Theo đó, 5 trường có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học/trúng tuyển đạt 100% gồm: Học viện Quân Y (hệ Quân sự và Dân sự), Trường Sĩ quan Pháo binh, Học viện Phòng không Không quân, Trường Đại học Luật TP.HCM, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Danh sách 5 trường có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học/trúng tuyển đạt 100% (nguồn: Vietnamnet)
Hiệu quả từ phương thức tuyển sinh riêng
Để có được tỉ lệ khả quan trên, trong 3 năm gần đây Trường Đại học Luật TP.HCM đã mạnh dạn áp dụng lộ trình tự chủ trong phương thức tuyển sinh – là một trong số ít các trường xét tuyển theo phương thức riêng so với hình thức truyền thống thường do các trường áp dụng.
Trong đợt tuyển sinh năm 2015, trong khi hầu hết các trường đại học đều chỉ dùng điểm thi THPTQG hoặc điểm học bạ để xét tuyển thì nhà trường đã áp dụng xét tuyển dựa vào điểm học bạ và điểm thi THPTQG, sau khi trúng tuyển thí sinh nhập học sẽ tham gia kiểm tra các kiến thức ban đầu để làm cơ sở tham khảo phân khoa đào tạo.
Thạc sĩ Vũ Đình Lê (Đại học Luật TP.HCM) tư vấn cho học sinh
Đến năm 2016, nhà trường mạnh dạn thực hiện hình thức tuyển sinh qua 2 bước “Xét tuyển” kết hợp với “Kiểm tra năng lực (chiếm 20%)”, theo đó ở hình thức xét tuyển, nhà trường tiếp tục dựa vào điểm thi THPTQG (chiếm 60%), điểm học bạ 3 năm học phổ thông (chiếm 20%) để xét tuyển vòng sơ bộ vào tham gia kiểm tra năng lực (đã có 3245 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó 2363 thí sinh đã tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực).
Với phương thức tuyển sinh này, nhà trường mong muốn tuyển được các thí sinh có tố chất, tư duy logic, hiểu biết các kiến thức công dân, quan niệm đúng về công bằng xã hội; có tư duy kinh tế... nhằm đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường. Kết quả năm 2016, Đại học Luật là trường đầu tiên công bố điểm chuẩn và tỉ lệ thí sinh nhập học cũng nằm trong những trường top đầu.
Đông đảo học sinh đến tìm hiểu thông tin về trường Đại học Luật TP.HCM
Qua các đợt tuyển sinh, đại diện nhà trường cho biết phương thức tuyển sinh riêng của trường là phù hợp với xu hướng của các trường đại học trên thế giới. Trong quá trình xây dựng đề án và xác định phương thức tuyển sinh, nhà trường đã có tham khảo “Mô hình LSAT”, mô hình tuyển sinh được áp dụng ở một số nước như Hoa Kỳ, Canada và Úc (điều cần có khi thí sinh muốn thi và học tại các trường luật).
Phương thức tuyển sinh riêng giúp nhà trường có thêm 1 kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh (nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào 1 kỳ thi). Theo đó, thí sinh được đánh giá một cách toàn diện cả quá trình học, thi tốt nghiệp THPT và kiến thức tổng hợp, tư duy logic - đây là điều có lợi cho thí sinh. Và quan trọng hơn hết là giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn tại trường Đại học Luật TP.HCM là phù hợp với khả năng và nguyện vọng của bản thân.
Hiệu quả từ công tác tư vấn tuyển sinh
Đợt tuyển sinh năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh theo 2 bước, nhà trường đã thay đổi tỉ trọng tính các cột điểm (điểm học bạ chiếm 100%, điểm thi THPTQG chiếm 50%, điểm kiểm tra năng lực chiếm 40%), đầu tư chú trọng vào hoạt động tư vấn tuyển sinh, truyền thông đến phụ huynh, thí sinh và xã hội về phương thức tuyển sinh của trường.
Không chỉ tham gia các Ngày hội tư vấn tuyển sinh do các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Báo Giáo dục... tổ chức, nhà trường đã thành lập các đoàn tư vấn tuyển sinh do các Khoa phụ trách đến trực tiếp các trường phổ thông để tư vấn, khuyến khích tạo điều kiện cho các em sinh viên tham gia hoạt động “về trường” để tư vấn tuyển sinh, duy trì tổng đài tư vấn tuyển sinh, tổng đài tư vấn trực tuyến, chú trọng đẩy mạnh việc tiếp cận thí sinh thông qua hệ thống mạng xã hội facebook...
Các tình nguyện viên của Đại học Luật TP.HCM trong kỳ thi THPTQG 2017
Kết quả, qua vòng xét tuyển sơ bộ đã có 3456 thí sinh tham gia kì kiểm tra năng lực. Nhà trường cũng đã sớm công bố kết quả trúng tuyển từ 19/7 (trường công bố kết quả sớm nhất) để các thí sinh có kết quả không đạt có thể thuận tiện điều chỉnh nguyện vọng của mình sang các trường khác cho phù hợp. Đến 25/7, nhà trường đã hoàn thành công tác xác nhận nhập học vào các chuyên ngành của trường với tỉ lệ đạt 100%.
Với phương thức tuyển sinh phù hợp và sự đầu tư, phát huy nội lực theo quan điểm công tác tư vấn tuyển sinh là nhiệm vụ của tất các các đơn vị, của toàn thể nhà trường chứ không chỉ là trách nhiệm của một vài đơn vị chức năng, Trường Đại học Luật TP.HCM đã dần hái quả ngọt từ những bước đi riêng của mình.
An Nguyễn (Ban Truyền thông ULAW)