Bố mẹ thường dạy cho con trẻ cách để giữ an toàn như không chạy nhảy lung tung nơi đông người, khi sang đường phải chú ý quan sát… Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại tránh dạy các bé cách bảo vệ thân thể khi chưa “đủ lớn”. Hàng loạt vụ việc quấy rối tình dục trẻ em xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 – 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại. Đáng báo động hơn khi các chuyên gia cho rằng con số này chỉ thể hiện những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do khác mà không thống kê được.
Để bảo vệ bé yêu không rơi vào tình huống xấu, các bố mẹ nên trang bị những kỹ năng sống hữu ích trong đó kỹ năng thoát hiểm cho bé để các bé để tự bảo vệ mình cao nhất có thể.
Giúp bé hiểu cơ thể của mình
Đây là điều rất quan trọng để các bé ý thức bảo vệ cơ thể của mình. Đừng ngại ngùng khi nói chuyện với con về giới tính, các khu vực nhạy cảm trên cơ thể. Cha mẹ nên gọi đúng tên các bộ phận cơ thể và cung cấp cho con kiến thức về các bộ phận này từ sớm. Nếu bạn chưa tìm được cách trò chuyện với con về việc này, có thể tham khảo những hình ảnh, video để truyền tải cho bé. Bạn có thể mở cho bé xem những hình ảnh đó như một cách vừa học vừa chơi.
Dạy cho bé hiểu về cơ thể và sự khác biệt về giới tính (Nguồn: pinterest)
Nói với bé rằng có những bộ phận trên cơ thể được gọi là vùng kín, không ai được phép nhìn thấy và đụng chạm. Giải thích với các bé rằng những người khác chỉ được gặp con khi mặc quần áo đầy đủ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể nhìn thấy trẻ không mặc đồ hoặc chạm vào người khi khám chữa bệnh và lúc đó có cả bố mẹ bên cạnh.
Nếu bất cứ ai chạm vào vùng kín thì con có quyền nói người đó dừng lại hoặc hét lên, bỏ chạy sau đó kể lại cho bố mẹ khi họ vẫn tiếp tục. Hãy giúp trẻ biết rằng cơ thể thuộc về chính mình và không ai có quyền làm bất cứ điều gì khiến bé khó chịu.
Dạy trẻ quy tắc bàn tay
Bạn có thể áp dụng quy tắc bàn tay của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lan Hải để dạy bé tránh nguy hiểm. Theo đó tâm vòng tròn lòng bàn tay dành cho người thân ruột thịt như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột, trẻ được vòng tay ôm hôn, bế ẵm, ngồi vào lòng, ngủ chung. Vòng tròn tiếp theo dành cho người thân như họ hàng, thầy cô, bạn bè, họ được quyền nắm tay, xoa đầu, vuốt tóc, vỗ vai.
Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, bé có thể bắt tay, chào hỏi và trò chuyện. Vòng tròn thứ 4 dành cho người lạ, trẻ chỉ được vẫy tay để chào hoặc tạm biệt. Ngoài tất cả những vòng tròn này, bạn hãy dạy bé xua tay, không tiếp xúc, đụng chạm, nói chuyện. Khi người lạ chạm vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể thì bé cần lên tiếng, tỏ thái độ như hét to, bỏ chạy hoặc nhờ người thân giúp đỡ. Đây là một kỹ năng thoát hiểm cho bé rất quan trọng.
Dạy trẻ các giới hạn về cơ thể (Nguồn: twitter)
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi bé cảm thấy sợ hãi
Bố mẹ hãy cho con biết rằng bé có thể yêu cầu người khác tránh xa nếu cảm thấy bất ổn, không thoải mái khi tiếp xúc với người khác. Nếu có ai đó muốn nhìn hoặc động chạm vào vùng nhạy cảm thì con nên từ chối hoặc nói rằng mình muốn đi vệ sinh.
Một kỹ năng thoát hiểm cho bé không thể thiếu là bé có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chú công an, bảo vệ hay người lớn đang ở gần đó… khi cảm thấy bị đe dọa. Hướng dẫn trẻ cách thu hút sự chú ý của người khác để nhờ họ giúp đỡ khi cảm thấy sợ hãi như la hét, khóc to...
Thỏa thuận “mật mã riêng” với trẻ
Mật mã này có tác dụng cảnh báo khi trẻ gặp nguy hiểm và cần sự trợ giúp. Bố mẹ có thể thỏa thuận với trẻ về một từ riêng để chỉ những trường hợp cần giúp đỡ khi ở nhà có nhiều khách, đến thăm nhà họ hàng hoặc đi chơi cùng lớp… Khi đó, bố mẹ có thể giúp đỡ bé ngay khi "tín hiệu" vừa được phát ra.
Bố mẹ nên có những thỏa thuận riêng với trẻ để dùng khi cần sự giúp đỡ (Nguồn: einsteinperspectives)
Tạo tình huống giúp trẻ thực hành
Thay vì dạy suông bằng lời nói, bố mẹ có thể tạo tình huống giúp trẻ tập cách xử lý khi gặp trường hợp tương tự. Tất cả tình huống bạn nên đưa ra dưới giả thuyết "con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu" để giúp trẻ luyện tập với tâm lý thoải mái.
Bạn có thể đặt tình huống khi có người lạ cho quà và dạy bé tuyệt đối không được nhận. Nếu gặp phải tình huống có ai đó nhờ giúp đỡ thì bé phải chạy đi báo người lớn, công an vì bản thân còn quá nhỏ không đủ khả năng để làm việc này. Trong quá trình thực hành, bố mẹ có thể dạy các bé kỹ năng thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện như chạy, khóa tay, ấn vào mắt... Bố mẹ hãy cùng con luyện tập thường xuyên để khi gặp người xấu trẻ sẽ phản ứng nhanh nhạy hơn.
Hãy trang bị kỹ năng thoát hiểm cho bé để bé tự phòng tránh. Nhận thức về cơ thể, giới tính và giữ khoảng cách với những người khác giới là những điều mà các bố mẹ cần giúp bé hiểu.
Thường Lạc (Tổng hợp)