Đạt được điểm số GMAT đáng mơ ước là cơ hội để bạn mở ra những cánh cửa khác trong tương lai. Không ít những thí sinh Việt Nam đã đạt được các số điểm ấn tượng: 700/ 800, 750/800. Để làm được điều đó, chắc chắn họ đã có công "dùi mài kinh sử" và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Edu2Review đã tổng hợp một vài kinh nghiệm luyện thi GMAT quý báu từ những "tiền bối" ngay trong bài viết sau đây!
* Bạn muốn học GMAT nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm Ngoại ngữ tốt nhất Việt Nam!
Kinh nghiệm làm phần thi Analytical Writing Assessment
Đây là phần thi đánh giá khả năng viết luận của thí sinh và được tính riêng biệt với những phần thi khác. Đề thi sẽ cho một lập luận (liên quan đến kinh tế, kinh doanh) và yêu cầu bạn nhận xét một luận điểm và giải thích tính thuyết phục của bài viết.
Yêu cầu đối với bài viết này là bạn hãy trình bày theo lập luận của tác giả, đặt ra những câu hỏi cho bản thân khi đã có những lập luận. Ví dụ như: Những bằng chứng nào có thể giúp bổ sung hoặc phủ định lập luận? Lập luận này có tính thuyết phục không? Bài viết của mình đã đầy đủ và mạch lạc chưa?
Hãy rèn luyện kỹ năng viết thật nhiều để tránh mất thời gian khi làm bài (Nguồn: Faculty Focus)
Bài viết luận này mang mục đích như bao bài viết luận tiếng Anh khác là kiểm tra trình độ viết tiếng Anh, khả năng lập luận và trình bày. Dù bài viết được tính độc lập với các phần thi khác, bạn cũng nên đạt tối thiếu 4 điểm trong thang điểm từ 0 đến 6. Khi đó, bạn sẽ không bị các giám khảo nghi ngờ trình độ.
Kinh nghiệm làm phần thi Integrated Reasoning
Đây có thể coi là một phần thi thực tế vì những câu hỏi liên quan tới những vấn đề mà bạn sẽ đối diện trong tương lai. Phần thi này cũng không được tính vào thang điểm 800 mà có thang điểm riêng từ 1 đến 8.
Phần thi này có 4 dạng câu hỏi nhỏ:
- Graphics Interpretation: dạng câu hỏi này tập trung vào dữ liệu và hình ảnh qua những dạng như sơ đồ, biểu đồ… Bạn hãy đọc kỹ đáp án và quan sát kỹ sơ đồ đang nói điều gì. Việc đọc sơ đồ, biểu đồ quá nhanh sẽ dẫn đến việc chọn đáp án sai.
- Multi – Source Reasoning: đến với các dạng câu hỏi tổng hợp này, bạn sẽ phải vận dụng khả năng tổng hợp thông tin trong các bài viết. Đề thi GMAT sẽ cho khoảng hai đến ba bài viết, sơ đồ hoặc bảng, việc của bạn là ghi lại những ý chính sau đó quay lại những câu hỏi để trả lời.
Hãy vận dụng bộ não hết công suất để chinh phục phần thi này (Nguồn: Thoughtco)
- Table Analysis: đến với dạng câu hỏi tiếp theo là bảng. Đề thi sẽ cho những bảng khác nhau và dựa theo những dữ liệu trong bảng, bạn sẽ trả lời các câu hỏi Yes/ No, True/ False, Supported/ Unsupported… Như vậy, điều bạn cần làm là đọc tất cả các cột và hiểu được ý nghĩa của từng cột, từng hàng. Sau đó, đọc đoạn văn đi kèm, ghi chú những ý liên quan và cuối cùng đọc thật kỹ câu hỏi.
- Two – Part Analysis: đây là dạng câu hỏi khá thú vị khi bạn sẽ sử dụng dữ liệu cho sẵn để giải quyết hai phần riêng biệt cần được liên kết với nhau. Các câu hỏi liên quan chủ yếu đến ngôn ngữ và toán nên cũng có một vài lưu ý sau: bạn hãy đọc kỹ ý chính của câu hỏi, câu hỏi có thể có các từ như tổng số, suy ra… Chính vì thế, hãy đọc kỹ yêu cầu của đề để tránh làm sai. Sau đó, nắm lấy ý chính của đoạn văn, áp dụng những mẹo toán học, mẹo suy luận để làm tốt các câu hỏi này.
Kinh nghiệm làm phần thi Quantitative
Đã đến với phần trọng tâm của bài thi GMAT. Đây là phần thi về kiến thức toán học. Các kiến thức đều cơ bản và được coi là khá ổn đối với thí sinh Việt Nam. Đề thi sẽ có hai dạng câu hỏi là giải quyết vấn đề (Problem Solving) và Dữ liệu (Data Sufficiency).
Các câu hỏi ở dạng Giải quyết vấn đề là những câu hỏi trắc nghiệm thông thường còn với dạng Dữ liệu thì sẽ có sự khác biệt. Đi kèm với câu hỏi là hai mệnh đề dữ kiện, bạn sẽ chọn một trong hai mệnh đề, cái nào là dữ kiện có thể sử dụng trong việc trả lời câu hỏi.
Bạn hãy tính toán cẩn thận để tránh mất điểm trong phần thi này (Nguồn: pexels)
Dù kiến thức có đơn giản nhưng bạn cũng phải tập làm quen với cách ghi câu hỏi bằng tiếng Anh để tránh mất thời gian đọc, dịch. Quan trọng, bạn hãy tránh mắc những lỗi cơ bản, hiểu được ngầm ý của người ra đề nhằm tránh mắc bẫy.
Kinh nghiệm làm phần thi Verbal
Phần trọng tâm tiếp theo của đề thi là đây, Verbal. Các bạn sẽ được kiểm tra về các kỹ năng: viết luận, đọc hiểu và lập luận phân tích. Verbal sẽ chia ra thành ba phần thi nhỏ: Sentence Correction, Critical Reasoning và Reading Comprehension.
- Sentence Correction: các câu hỏi sẽ kiểm tra trình độ viết lách của bạn thông qua các câu dài và có chứa lỗi ngữ pháp. Mỗi một câu hỏi sẽ chứa hai đến ba lỗi nhưng chỉ có một chỗ bị gạch chân. Lúc đó, bạn sẽ có 5 đáp án để lựa chọn.
Điểm mấu chốt cho dạng câu hỏi này là bạn phải đọc hết cả câu mà có lỗi ngữ pháp vì câu hỏi không chỉ đánh vào ngữ pháp mà còn đánh vào ngữ nghĩa, trật tự của câu nên nếu chỉ đọc từ sai thì bạn chẳng thể xác định được lỗi sai là gì.
Sau đó, bạn hãy đọc kỹ 5 đáp án, so sánh chúng với nhau vì các đáp án chỉ khác nhau từ đầu và từ cuối. Hãy dùng bộ não để phân tích câu trả lời nào là đúng nhất.
Phần này rất quan trọng nên bạn cũng nên tránh sai sót (Nguồn: quickanddirtytips)
- Critical Reasoning: Các câu hỏi sẽ hướng đến việc tư duy, lập luận. Đề thi sẽ gồm có 1 bài luận ngắn và các câu hỏi liên quan đến bài. Các câu hỏi sẽ có dạng Giả định ( Assumption), nhấn mạnh (Strengthen) và làm yếu đi (Weaken). Mỗi một dạng câu hỏi sẽ có cách làm khác nhau.
Câu hỏi giả định: cách làm cho câu hỏi này là bạn hãy xác định câu kết luận của bài. Sau đó, đọc kỹ 5 đáp án đề bài đưa ra. Trong 5 đáp án sẽ có 1 đến 2 đáp án không được nhắc đến trong bài, 1 đáp án mang tính chất tuyệt đối nhưng không phải là đáp án đúng. Còn 2 đáp án thì bạn sẽ vận dụng sự suy luận của bản thân để chọn ra phương án tốt nhất. Lưu ý là đáp án không được chứa thông tin khác vì khi đó, đáp án sẽ trở thành câu nhấn mạnh.
Câu hỏi nhấn mạnh và câu hỏi làm yếu đi: đối với hai dạng câu hỏi này, thông tin có thể đưa bên ngoài vào. Cách làm cũng tương tự như trên, xác định xem đáp án nào không liên quan thì loại bỏ và chọn ra đáp án phù hợp với câu kết luận nhất.
Như vậy, thông qua bài viết này, Edu2Review đã chỉ cho bạn cách vượt qua các phần thi trong đề thi GMAT. GMAT được đa số các thí sinh đánh giá rất cao vì tính suy luận và thực tế của đề. Nếu như không có kinh nghiệm và những mẹo làm bài thì cũng chưa chắc bạn sẽ vượt qua. Chúc bạn “văn ôn võ luyện” thật tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi GMAT sắp tới!
Ngọc Hân (tổng hợp)