Khi xã hội ngày một phát triển, con người phải đối mặt với vô số những hiện tượng tâm lý - xã hội như ly hôn, tự sát, xung đột gia đình. Ngoài ra, những bệnh về tâm lý như trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi đang ngày càng gia tăng. Khi ấy, những chuyên gia tâm lý trở thành những người định hình cách sống, cách nghĩ để giải quyết các rắc rối cuộc sống một cách khoa học và bài bản. Đó là lý do để tâm lý học trở thành một ngành nghề ngày càng được chú ý ở Việt Nam trong vài năm gần đây.
Edu2Review 1: Nhiều cơ hội để phát triển
Trong suy nghĩ của nhiều người, người học tâm lý sau khi ra trường chỉ có thể trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý. Nhưng thực chất tâm lý là một ngành học có đầu ra rất rộng, những người được đào tạo cơ bản có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực như: làm giảng viên giảng dạy tâm lý học tại các trường cao đẳng, đại học, làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các viện tâm lý học, các trung tâm nghiên cứu, làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu,…
Ngành tâm lý học ra trường không hề ít công việc phù hợp như mọi người thường hay nghĩ
Thực tế cho thấy, tâm lý học ứng dụng đã và đang ngày càng phát triển, giúp cho nhiều người có thể hoàn thiện bản thân mình hơn, thấu hiểu được tâm lý người đối diện và người cùng giao tiếp là chìa khóa vàng để bạn có thể thành công trong tất cả các lĩnh vực.
Edu2Review 2: Đòi hỏi và thách thức của nghề
Bất cứ ngành nghề nào cũng có những đòi hỏi những kỹ năng nhất định. Với nghề tâm lý lại càng cần phải khắt khe và chuyên biệt hơn như: có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, khách quan, không đánh giá những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm, cởi mở. Ngoài ra, người làm ngành tâm lý còn phải chịu được áp lực cao, có tính kiên nhẫn, có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề… Và còn rất nhiều những yêu cầu khác mà một người phải đáp ứng đủ nếu muốn trở thành một chuyên gia tâm lý.
Ngoài kiến thức chuyên môn sâu rộng, ngành tâm lý học còn đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn và linh động trong việc xử lý các tình huống khó
Bạn Nguyễn Huỳnh Luân, sinh viên năm ba ngành tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: “Trước đây mình hoàn toàn không có những kỹ năng trên nhưng bạn biết đấy sau ba năm học tại trường, dưới sự dẫn dắt của thầy cô, hiện tại mình khá tự tin khi nói chuyện cũng như làm vài cuộc tư vấn nho nhỏ cho những người bạn xung quanh mình về vấn đề học tập, tình cảm, lối sống… Sau khi họ vượt qua khó khăn mình nhận được rất nhiều lời cảm ơn, tuy chỉ là tư vấn ở mức độ bạn bè thông thường nhưng mình cảm thấy đó cũng là một niềm vui khi được sống và theo đuổi niềm đam mê trong nghề nghiệp…”
Edu2Review 3: Những nơi đào tạo chính quy ngành tâm lý học
Ở Hà Nội và TPHCM có 4 địa chỉ đào tạo ngành tâm lý khá bài bản và chính quy:
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt ngành tâm lý học
- Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM tuyển sinh chuyên ngành Sư Phạm Tâm lý giáo dục cho 2 khối C và D1
- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tuyển sinh ngành tâm lý học với 70 chỉ tiêu cho ngành này trong năm 2010.
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tuyển sinh ngành Tâm lý học cho các khối C; D1,2,3,4,5,6.
- Đại học Sư phạm Hà Nội: Khối A, khối B. khối D1,2,3
*Mỗi một lựa chọn sai lầm, lấy đi nhiều thứ của bạn. Vào Edu2Review mỗi ngày và cập nhật thông tin về các tổ chức giáo dục để có quyết định đúng.
Theo Cộng đồng Tâm lí học
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam