Bạn đã từng nghe đến ngành học không ngành? (Nguồn: giaoductaynguyen)
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) dự báo trong tương lai gần, ngành học không ngành sẽ vô cùng hot. Đó là lý do trường tiến hành thí điểm ngay trong năm học 2019 sắp tới!
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Ngành học không ngành: 100 chỉ tiêu thí điểm
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường sẽ mở thí điểm ngành học không ngành trong năm tới. Cụ thể, khi trúng tuyển vào trường, sinh viên sẽ học khối kiến thức chung mang tính nền tảng trong hai năm, bước sang năm thứ ba mới chọn ngành học.
Năm đầu tiên, chỉ tiêu cho ngành này là 100. Để đăng ký vào ngành học không ngành, thí sinh phải có điểm thi THPT Quốc gia 2018 từ 24 trở lên, để đảm bảo nguồn đầu vào chất lượng, theo kịp chương trình đào tạo của trường.
TP.HCM thí điểm mở ngành học không ngành (Nguồn: YouTube)
"Thí điểm ngành này, chúng tôi vướng yêu cầu phải đăng ký chỉ tiêu theo ngành khi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhưng rất may trường đã được tự chủ. Phương án bớt mỗi ngành học khác từ 5 – 10 chỉ tiêu, dành 100 chỉ tiêu thí điểm cho ngành mới được hội đồng trường thông qua. Những năm học sau, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình đào tạo này", ông Dũng cho hay.
Tạo điều kiện cho sinh viên chọn ngành phù hợp
PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá ngành học không ngành sẽ hot trong tương lai gần, vì đây là bước tiếp cận cách đào tạo của các trường đại học trên thế giới.
Theo ông Dũng, có hai lý do chính mà trường quyết định cho ra đời ngành học không ngành này. Đầu tiên là cuộc cách mạng số sẽ mang lại nhiều thay đổi trong nghề nghiệp và yêu cầu công việc. Đào tạo theo hướng không ngành có thể giúp sinh viên nắm bắt xu hướng việc làm tốt hơn.
Để đăng ký ngành này tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thí sinh phải từ 24 điểm trở lên (Nguồn: YouTube)
Lý do thứ hai là vì việc định hướng ngành nghề cho các học sinh phổ thông còn nhiều bất cập. "Đến khi phải đăng ký nguyện vọng vào các trường, đa số chọn đại hoặc nghe theo ý kiến của gia đình, theo số đông bạn bè.
Hơn nữa, khi phải vào học, tiếp xúc máy móc, nhà xưởng, gặp gỡ doanh nghiệp, các em mới biết mình có hợp với ngành ấy không. Do đó, ngành học mới sẽ tạo điều kiện cho sinh viên chọn ngành phù hợp với mình nhất.” – ông Dũng chia sẻ.
Người trong cuộc nói gì?
Trước thông tin này, các bạn học sinh vô cùng hồ hởi và tán thành quan điểm của nhà trường. Bạn Hứa Nguyễn chia sẻ: “Hay quá, phải chi trường tuyển sinh ngành học này nhiều năm trước thì đã giúp rất nhiều cho học sinh cùng phụ huynh trong việc lựa chọn nghề.”
Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến trái chiều lo ngại rằng việc dành 2 năm đầu chỉ để tìm hiểu rồi năm thứ 3 mới bắt đầu vào chuyên ngành thì sẽ kéo dài thời gian học tập, dẫn đến ra trường không đúng hạn.
Ngành học không ngành – có làm sinh viên ra trường trễ hạn? (Nguồn: kinhtedothi)
Bạn Nguyễn Linh nói về vấn đề này: “Bình thường thì năm đầu là môn đại cương hết, qua năm 2 được 2 – 3 môn cơ sở ngành thôi. Cho nên bỏ 2 năm đầu để tìm hiểu rồi sau đó chọn ngành thì cũng không khác các ngành khác bao nhiêu đâu.”
Trước thực trạng nhiều em học hết 12 năm phổ thông vẫn không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho tương lai, chưa biết mình phù hợp với cái gì, rõ ràng ngành học không ngành là một sáng kiến mới cho ngành giáo dục.
Tuy nhiên, có thể nói đây chỉ là một biện pháp “chữa cháy” mà thôi. Suy cho cùng, chúng ta không được lơ là việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, cũng như bản thân các em cần tự định hướng cho tương lai.
Yến Nhi tổng hợp
Nguồn: zing