Đã từ lâu, môn Giáo dục công dân (GDCD) thường bị học sinh xem nhẹ và học đối phó bởi nó chỉ là môn phụ và không nằm trong danh sách những môn thi đại học. Nhưng ngay lúc này đây, khi đã ngồi "chung mâm" với 2 môn Sử, Địa trong tổ hợp khoa học xã hội thì liệu GDCD có còn bị nhìn với con mắt hời hợt nữa hay không?
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Giáo dục công dân liệu có thật sự "lên ngôi"?
Kể từ năm 2017 trở đi, học sinh phải ôn cả 6 môn bao gồm Toán, Văn, Anh bắt buộc và 1 trong 2 tổ hợp bài thi bao gồm khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD) dẫn đến sự thay đổi trong kế hoạch ôn luyện của 1 số bạn. GDCD hay Lịch sử được xem là những môn ít tạo được hứng thú với học sinh, vậy nếu cả 2 môn này đều nằm trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì tình hình liệu có đổi khác?
Bình luận về vấn đề này, một học sinh lớp 12 ở Trường THPT Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) băn khoăn: "Nếu các trường đại học, cao đẳng năm nay lại thay đổi tổ hợp môn xét tuyển và lấy điểm toàn bộ môn khoa học xã hội thay vì điểm từng phần thì thật khó khăn. Muốn đạt điểm cao để xét tuyển thì phải học sâu, có hệ thống. Mà môn học này, ngay từ khi lên THPT, các học sinh đã bỏ qua rồi".
Nhìn nhận dưới góc độ học sinh, việc đưa GDCD vào các môn thi tốt nghiệp quả thật đã gây bất ngờ. Nội dung học của môn này ở lớp 12 tập trung chủ yếu vào kiến thức về luật và các bộ luật hiện hành, tuy rất hữu ích, nhưng lại khá khô khan trong việc tiếp thu, nên các giáo viên đứng lớp luôn cố gắng mở rộng kiến thức ra ngoài sách giáo khoa để tránh nhàm chán. Tuy nhiên, khi đã trở thành 1 môn thi chính thức, giáo viên bắt buộc phải bám sách giáo khoa để phổ cập đủ kiến thức cho học sinh đi thi.
Bạn Nông Thị Phương Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cho biết: "Thái độ học tập của học sinh những năm gần đây với môn GDCD khác hẳn so với các năm trước. Nếu xét tuyển vào đại học theo tổ hợp môn khoa học xã hội mà có GDCD thì chắc chắn học sinh phải đi học thêm hoặc tự học chứ thời lượng chỉ 1 tiết/ tuần thì không thể đủ để đi thi".

Nỗi lo của học sinh cũng là băn khoăn của giáo viên trong cách dạy và học sao cho hiệu quả (Nguồn: SGGP)
Và những ý kiến trái chiều
Có khá nhiều ý kiến được bàn luận xung quanh việc biến môn GDCD thành môn thi tốt nghiệp chính thức, số thì ủng hộ, số lại bày tỏ sự không hài lòng. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, thì môn GDCD phù hợp với 1 số ngành đào tạo nhất định, ví dụ như để đào tạo 1 luật sự tốt thì người đó phải là 1 công dân tốt trước đã.
Ngoài ra, việc đưa GDCD vào tổ hợp khoa học xã hội cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về mặt con người cho học sinh, sinh viên hiện nay. Như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu: "Bạo lực học đường là có thật và có xu hướng gia tăng. Mặc dù, hiện trong số 22 triệu học sinh, sinh viên có bộ phận nhỏ xuống dốc đạo đức, lối sống nhưng lại làm vẩn đục cả một thế hệ. Đây là nguy cơ rất khó kiểm soát".
Trái với những ý kiến ủng hộ lợi ích việc đưa GDCD trở thành môn thi chính thức mang lại, 1 số cá nhân trong ngành giáo dục lại bày tỏ sự quan ngại về việc thay đổi này.
Giám đốc tuyển sinh của một trường đại học tại TP. HCM nhận định: "Qua điểm môn GDCD trong 2 năm gần đây , ta có thể thấy đây là môn thi được nhận định đề dễ hơn, điểm cao hơn 2 môn còn lại trong tổ hợp khoa học xã hội và các môn khác. Vì thế, sử dụng môn này trong tổ hợp xét tuyển sẽ giúp điểm chuẩn đầu vào tăng lên, thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp này cũng có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn".
Cũng theo vị giám đốc này, việc đưa GDCD vào tổ hợp khoa học xã hội sẽ làm điểm chuẩn đầu vào của các trường xét tuyển tăng lên, trong khi nếu so sánh về giá trị kiến thức thì GDCD có phần lép vế so với các môn còn lại. Vậy nếu thí sinh đủ điểm ứng tuyển vào trường nhờ điểm GDCD cao thì liệu khi trở thành sinh viên, họ có đủ năng lực để học đến cùng và đảm bảo chuẩn đầu ra hay không?

Mọi sự thay đổi đều sẽ có mặt tốt và xấu, hãy để thời gian trả lời tất cả (Nguồn:HueS)
Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những động thái nhất định trong việc đào tạo không chỉ về mặt tri thức, mà còn là về mặt con người. Hy vọng việc thay đổi trong các môn thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo ra những động thái tích cực cho việc hình thành nên 1 môi trường giáo dục tốt đẹp hơn.
Anh Duy (Tổng hợp)