Tự cổ chí kim, nhà quân sự và chính trị tiêu biểu của Pháp Napoleon Bonaparte đã nói rằng: “Không khống chế được mình sẽ khó mà khống chế được người khác”. Đến nay, một trường đại học lâu đời và nổi tiếng như Harvard vẫn dành cho các sinh viên của mình lời khuyên: “Tự kiềm chế không chỉ là một đức tính tốt mà còn là nhân tố quan trọng quyết định thành bại trong sự nghiệp con người”. Từ đó, chứng tỏ rằng kỹ năng kiểm soát cảm xúc rất quan trọng trong cuộc sống.
Tiến sĩ (TS) Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Tài Chính Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến như là một chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, như Tài chính, Lãnh đạo, Nhân sự... Ông là một diễn giả gây nhiều ấn tượng cho giới trẻ bởi những chia sẻ độc đáo, trong đó không thể không nhắc đến những bài học về kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Nếu như IQ là bẩm sinh thì EQ cần rèn luyện để thành công. Vậy tại sao không cùng Edu2Review bắt đầu công cuộc “dùi mài kinh sử” và hoàn thiện kỹ năng kiểm soát cảm xúc bằng 5 bài học đơn giản của TS. Lê Thẩm Dương dưới đây?
1. Học cách kiểm soát cảm xúc bản thân bằng việc điều chỉnh các hành động của cơ thể
Theo TS. Lê Thẩm Dương, quản trị cảm xúc chính là đẩy cảm xúc lên chứ không đơn giản là việc điều chỉnh cơn nóng giận. Mỗi người đều có những cá tính riêng. Đó là lý do tại sao trong nhiều trường hợp, cùng một vấn đề, sự vật và hiện tượng nhưng lại xảy ra mâu thuẫn giữa những người trong cuộc.
Bên cạnh đó, cũng rất khó tránh khỏi các tình huống xung đột xuất phát bên trong chính mỗi người với những yếu tố xung quanh. Tuy nhiên, khi gặp các trường hợp khiến cảm xúc có xu hướng trở nên tiêu cực thì bạn cần phải học cách kiểm soát. Đơn giản nhất, bạn có thể thử các cách như sau:
- Thả lỏng người.
- Hít thở sâu: động tác này sẽ làm tâm trạng dịu đi, đồng thời cung cấp lượng oxy cần thiết cho cơ thể thư giãn.
- Thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng sao cho bản thân thoải mái hơn.
2. Học cách kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ
Ngày nay, ngoài trí tuệ thông minh IQ (Intelligence Quotient) thì người ta còn nhắc đến một thuật ngữ không còn quá xa lạ – trí tuệ cảm xúc EQ (Emotional Quotient). Ngày càng có nhiều người công nhận sự quan trọng của EQ đã vượt qua cả IQ. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng đã bắt đầu xem EQ như một trong những thước đo quan trọng để đánh giá các ứng cử viên.
Trí tuệ cảm xúc là công cụ mạnh mẽ nhất hỗ trợ cho sự thành công không chỉ với các mối quan hệ đơn thuần mà còn trong kinh doanh. TS. Lê Thẩm Dương nhấn mạnh “Con người cần có trí tuệ cảm xúc”, nghĩa là phải có khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình bằng trí tuệ. Việc này thể hiện qua suy nghĩ chín chắn trước một tình huống, từ đó điều chỉnh và quản lý cảm xúc hiệu quả.
Để tránh hình thành những cảm xúc tiêu cực trong tâm hồn, hãy luôn luôn nhìn người khác bằng thái độ tích cực và nhân ái. Bạn cần cố gắng tìm ra những điểm tốt, đáng học tập của người đối diện, đôi khi điều này còn giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.
Để trở thành người kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ, bạn có thể tham khảo một vài thói quen sau:
- Nói ít, làm nhiều.
- Chất vấn chính mình.
- Luôn nghĩ về mục tiêu cuối cùng.
- Tìm ra giải pháp loại bỏ các nhân tố gây hại.
3. Điều khiển cảm xúc bằng cách sử dụng ngôn từ
Làm chủ cảm xúc bằng ngôn từ là một kỹ năng giao tiếp cần thiết đối với bất kỳ ai. Việc học hỏi, trau dồi và áp dụng ngôn ngữ cần phải được thực hiện trong từng tình huống giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Một mối quan hệ giữa người với người được tạo dựng và duy trì qua từng cuộc đối thoại nhỏ.
Sẽ không thể tránh được những phiền muộn trong cuộc sống, tuy nhiên việc mà bạn nên làm là sử dụng các từ ngữ mang tính khích lệ, động viên tinh thần cho chính bản thân và người khác thay vì than vãn về hoàn cảnh mà mình đang mắc phải. Việc nói ra những từ ngữ tiêu cực sẽ vô tình mang lại cảm giác bế tắc cho bản thân và ảnh hưởng đến bầu không khí chung.
Dân gian có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vì thế, hãy sử dụng ngôn từ như một phương tiện giao tiếp tích cực để thông qua đó giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mọi người trong cuộc đối thoại.
4. Kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin
Theo TS. Lê Thẩm Dương, các cảm xúc phổ biến của một người thành công gồm có: động lực mạnh mẽ, đam mê, tự tin, vui vẻ, phấn khởi, tràn đầy sinh lực, tò mò. Vậy tại sao việc học được cách để bản thân tự tin lại có thể giúp bạn thành công trong kỹ năng kiểm soát cảm xúc?
Rõ ràng, đời người nhất định sẽ trải qua hỉ, nộ, ái, ố. Nếu cảm xúc là bản năng thì kiểm soát cảm xúc là sự lựa chọn. Nếu không thể tự tin vào những quyết định của lý trí thì chắc chắn bạn sẽ dễ hoài nghi với sự lựa chọn của mình.
Trong khi đó, không ít người rơi vào trạng thái tiêu cực là do tự ti về bản thân. Bạn thấy rằng mình không bằng người khác, bạn bi quan và vô cớ tức giận hoặc bạn cảm giác sợ hãi khiến mọi chuyện trở nên khó khăn và nằm ngoài tầm kiểm soát… Do đó, tự tin cũng chính là yếu tố rất quan trọng để bạn kiểm soát cảm xúc bản thân.
Thầy Lê Thẩm Dương khẳng định: “Một trong những nhân tố giết chết sự tự tin của mỗi người đó là xã hội”. Xã hội rõ ràng rất giỏi trong việc vùi dập sự tự tin vốn có trong mỗi người. Nhiều người vẫn thường chùn bước trước sự dèm pha, dè bỉu, chê bai của bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí là những người qua đường. Tại sao lại phải quan tâm quá nhiều đến việc người khác nghĩ gì về mình trong khi chính bạn mới là người nắm giữ chìa khóa hạnh phúc của cuộc đời mình?
Để có được sự tự tin trong mọi tình huống giao tiếp, bạn cần đưa bản thân vào khuôn khổ để rèn luyện những kỹ năng sau:
- Tập cách không lảng tránh ánh mắt của người đối diện. Hãy can đảm nhìn trực diện vào mắt họ khi trò chuyện. Đừng ngó lơ cũng đừng lảng tránh.
- Biến nỗi sợ hãi thành hành động.
- Dấn thân. Hãy can đảm thử sức mình ở mọi lĩnh vực, môi trường và tình huống. Hãy tự tin khám phá bản thân thay vì lo sợ những điều mới lạ.
- Thay vì suy nghĩ viển vông, bạn nên chọn những mục tiêu mang tính khả thi. Điều này sẽ giúp bạn không phải đối mặt với sự thất vọng.
5. Kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Sự tiêu cực được xem là kẻ thù số một của việc kiểm soát cảm xúc. Vì vậy, bạn cần học cách rèn luyện bản thân để lựa chọn trạng thái cho cảm xúc của mình thiên về chiều hướng tích cực.
Có một câu nói như sau: “Càng muốn bùng nổ càng phải học cách kiểm soát cảm xúc”. Câu chuyện giữa Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln và Bộ trưởng Lục quân là bài học giá trị từ một nhà lãnh đạo đại tài về kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Năm xưa, Bộ trưởng Lục quân đã từng ca thán với Abraham Lincoln vì bị một Thiếu tướng buông lời vũ nhục. Vị Bộ trưởng hy vọng Lincoln có thể giúp mình "rửa hận". Khi thấy bộ dạng ấy, Tổng thống đã nói ông ta hãy viết một lá thư để “đáp lễ” cho kẻ kia, nhưng trước khi gửi hãy đưa cho Lincoln đọc. Tuy nhiên, sau khi viết xong, ông liền đem đến cho Tổng thống và thay vì đọc nó thì Lincoln thẳng tay ném lá thư vào bếp lửa.
Bộ trưởng thấy ngạc nhiên và bắt đầu chất vấn Lincoln. “Mỗi khi tức giận, tôi đều làm như vậy, viết hết những điều muốn mắng chửi ra, sau đó cho chúng vào lửa thiêu, sự bực tức cũng tự giác tiêu tán. Viết thư cốt để cho mình hả giận, còn nếu gửi cho đối phương, chẳng phải sẽ tự rước thêm bực tức vào người hay sao? Nếu ngài còn cảm thấy khó chịu thì hãy viết tiếp vài lá nữa cho tới khi thoải mái mới thôi” – Tổng thống Lincoln cười và giải thích.
Bấy giờ, Bộ trưởng Lục quân như đã hiểu được vấn đề liền tấm tắc: “Đúng vậy! Nếu thư này chuyển tới tay đối phương, kẻ đó tức giận mà viết thư mắng chửi lại mình, không phải càng thêm tức giận hay sao!”
Để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, theo TS. Lê Thẩm Dương bạn cần phải:
- Loại bỏ văn hoá đổ lỗi.
- Tuyệt đối không bào chữa, hãy tự tin và can đảm nhận sai lầm.
- Không so đo thiệt hơn.
- Hãy gia tăng cảm xúc tích cực bằng cách hạn chế những lời phàn nàn, chỉ trích và gia tăng lời khen. Bạn khen người khác thế nào thì cảm xúc của bạn và đối phương cũng sẽ được cải thiện như thế. Điều đó giúp bạn làm việc tích cực hơn.
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc giúp bạn làm chủ bản thân mình trong nhiều tình huống khác nhau. Mong rằng Edu2Review đã mang đến những bài học bổ ích để có thể cân bằng thế giới xúc cảm muôn màu của bạn.
Ngọc Trâm (Tổng hợp)