Trong số các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc tích cực có ảnh hưởng lớn đến kết quả cũng như năng suất làm việc của mỗi người. Để ngày làm việc của bạn không phải là chuỗi ngày nhàm chán, việc sở hữu kỹ năng này điều không thể thiếu trong môi trường công sở.
Tuy nhiên, duy trì được trạng thái làm việc tích cực có lẽ là điều không mấy dễ dàng nếu bạn không nắm bắt được những yếu tố cần thiết để thay đổi bản thân. Vì thế, hãy cùng Edu2Review điểm qua những cách rèn luyện kỹ năng làm việc tích cực tốt nhất để bạn có thể tự tin chủ động với công việc và cuộc sống của chính mình.
1. Hãy đặt niềm tin
Niềm tin có thể được xem là "chất xúc tác" cho cách cư xử và giúp định hướng tư tưởng của bạn tốt hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, tạo dựng niềm tin vững chắc còn giúp bạn có thêm dũng khí để vượt qua mọi gian nan, thử thách và sớm đạt được mục tiêu trong công việc một cách hiệu quả nhất.
Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm để có thể tự tạo dựng niềm tin cho chính mình là hãy tự xác định rõ mục tiêu của bản thân là gì. Sau đó, bạn hãy xem xét những mục tiêu ấy có phù hợp với định hướng công ty hay không. Một khi bạn cảm thấy thích hợp và tin tưởng vào hướng phát triển của mình và công ty, thái độ của bạn với công việc sẽ trở nên tích cực và hứng thú hơn.
Ngược lại, bạn khó có thể hoàn thành tốt công việc của mình nếu mục tiêu của công ty không phải là những gì bạn hướng tới. Nếu kéo dài điều này trong một thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy công việc của mình trở nên vô nghĩa và thiếu động lực để phát triển sự nghiệp tương lai.
2. Thái độ tích cực
Thái độ chính là biểu hiện cho lối suy nghĩ và cách xử sự của bạn. Một người có kỹ năng làm việc tích cực hay không sẽ được đánh giá qua thái độ khi tiếp nhận công việc. Vì thế, bạn hãy vui vẻ và cố gắng hợp tác khi được giao các nhiệm vụ mới. Điều này phần nào sẽ giúp bạn giữ được nhiệt huyết trong quá trình làm việc và sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Duy trì được thái độ tích cực còn là yếu tố dẫn bạn đến con đường thành công. Bạn sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua những trở ngại cũng như sẵn sàng tìm ra những cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề khó khăn.
Ngoài ra, bạn có thể cải thiện thái độ làm việc tích cực bằng những cách dưới đây:
- Hãy suy nghĩ rằng bạn có thể làm tốt vai trò được giao
- Hoàn thành toàn bộ các công việc một cách chỉn chu nhất
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và nâng cao tinh thần hợp tác với đồng nghiệp
- Hãy nhớ đến lý do bạn bắt đầu công việc mỗi khi cảm thấy chán nản
- Hãy liên tục học hỏi, phát triển năng lực bản thân
3. Thấu hiểu người khác
Sẽ không ít lần bạn phải trải qua cảm giác chán nản, khi gặp những khách hàng khó chịu hoặc trong những lần làm việc nhóm với những đồng nghiệp không chịu hợp tác. Trong tình huống này, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ cư xử như vậy bằng cách đặt mình vào vị trí của đối phương. Từ đó, bạn sẽ có thể thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của họ hơn để tìm ra các giải pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, sự thấu hiểu sẽ giúp bạn học được cách chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm với những người xung quanh. Từ đó, bạn có thể xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong công ty và hoàn thành công việc hiệu quả hơn.
4. Sự chân thành
Sự chân thành được hiểu là sự xuất phát từ tận đáy lòng đối với những việc làm mà mình tin tưởng. Vì vậy, hãy học cách làm việc một cách có thành ý cùng với tinh thần say mê hăng hái. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách gửi những lời cảm ơn thành tâm đến những người đã giúp đỡ bạn trong công việc.
Thực hiện điều này sẽ giúp bạn trở nên tích cực hơn trong công việc. Bạn sẽ cảm thấy mọi thứ không quá khó khăn như những gì đã nghĩ trước đó. Từ đó, bạn sẽ rèn luyện được lối suy nghĩ tích cực khi làm việc và sẽ mạnh dạn đương đầu với những thử thách gặp phải trong tương lai.
Để hình thành nên kỹ năng làm việc tích cực, điều quan trọng nhất bạn cần chú ý là hãy hiểu rõ bản thân thực sự muốn gì. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng định rõ được hướng đi đúng và cảm thấy những việc mình đang làm là có mục đích. Qua đó, cùng với rèn luyện kỹ năng làm việc tích cực, Edu2Review hy vọng bạn sẽ gặt hái được những thành công mới trong công việc.
Ngọc Hân (Tổng hợp)