Trong 2 phần đầu của loạt series học tiếng Nhật có khó không, Edu2Review đã so sánh ngôn ngữ này với tiếng Anh để bạn đọc tự đưa ra những nhận định của bản thân. Còn trong bài viết này, tiếng Nhật sẽ được đặt lên “bàn cân” với tiếng Trung và tiếng Việt để giải đáp câu hỏi có nên học tiếng Nhật không?
Xem ngay bảng xếp hạng
Trung tâm tiếng Nhật tốt nhất
Ngữ hệ & loại hình ngôn ngữ
Khi muốn đánh giá học tiếng Nhật có khó không, phải căn cứ vào tiếng mẹ đẻ của người học. Nếu tiếng mẹ đẻ có ngữ hệ & loại hình gần gũi với tiếng Nhật thì sẽ càng dễ học, ngược lại thì càng khó.
“Tiếng Nhật khó nhất thế giới” là 1 trong những lời đồn được các bạn “rỉ tai” nhau khá nhiều, có thể là vì ngữ hệ & loại hình của ngôn ngữ này khá độc đáo, tách biệt với mọi thứ tiếng khác. Cụ thể, Việt Nam và Nhật Bản đều cùng thuộc hệ văn hóa Á Đông, nhưng thuộc những “tông chi họ hàng” khác nhau, dẫn đến nhiều điểm khác biệt trong cấu tạo ngôn ngữ.
Ngôn ngữ của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt nhau (Nguồn: pexels)
Đơn âm vs đa âm
- Tiếng Việt: Đơn âm, mỗi từ chỉ gồm 1 âm tiết và đều có nghĩa. Ví dụ: ăn, uống, chạy...
- Tiếng Nhật: Đa âm, mỗi từ thường có 2 âm tiết trở lên và các âm tiết phải đi chung với nhau không được tách rời, nếu tách ra thì sẽ vô nghĩa. Ví dụ: taberu (ăn), yomu (uống), hashiru (chạy)…
Phi biến hình vs biến hình
- Tiếng Việt: Phi biến hình, từ ngữ không bao giờ biến đổi, không thêm -s/es, -ed/d cuối từ để thể hiện chức năng ngữ pháp.
- Tiếng Nhật: Biến hình, từ ngữ biến đổi khi thể hiện thì, mệnh lệnh, ý định… như trong tiếng Anh.
Mặc dù đều là ngôn ngữ biến hình nhưng tiếng Nhật thuộc loại chắp dính, còn tiếng Anh thuộc loại chuyển dạng. Cụ thể hơn là trong tiếng Anh, khi chia động từ, chỉ cần gắn thêm đuôi -ed/d, -s/es, -ing… hoặc chuyển dạng thành từ khác. Nếu muốn diễn đạt nhiều ý hơn, người ta bổ sung những từ khác vào. Ví dụ: “Ăn” là “eat”, “bắt người khác ăn” là “have someone eat”, “bị bắt ăn” là “be forced to eat”...
Còn chia động từ tiếng Nhật sẽ giữ lại phần ngọn và biến đổi đa dạng phần đuôi, cứ chắp dính thêm 1 cái đuôi là có ngay nét nghĩa mới. Ví dụ: “Ăn” là “taberu”, “bắt người khác ăn” là “tabe saseru”, “bị bắt ăn” là “tabe sase rareru”.
Tiếng Nhật có ngữ hệ & loại hình cách xa ngôn ngữ Châu Âu, nên người phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Có thể nói tiếng Nhật cũng không nằm gần tiếng Việt về mặt ngữ hệ & loại hình, nhưng sẽ tương đối dễ dàng hơn nhờ văn hóa Á Đông gần gũi bù đắp lại.
Tiếng Nhật có thật sự khó như lời đồn? (Nguồn: mnavi)
Tại sao tiếng Nhật hay bị dán mác là khó hơn tiếng Trung?
Không có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt
Như đã phân tích về ngữ hệ & loại hình, tiếng Trung nằm gần tiếng Việt hơn tiếng Nhật. Cấu trúc câu dạng chủ ngữ + động từ + tân ngữ trùng khớp giữa tiếng Trung và tiếng Việt, nên người học hầu như không phải quan tâm đến ngữ pháp, chỉ cần chú trọng từ vựng để ráp lại thành câu.
Trong khi đó, người học tiếng Nhật phần lớn bị chậm lại ở giai đoạn hiểu ngữ pháp, chia động từ, đếm số... Cấu trúc câu dạng chủ ngữ + tân ngữ + động từ ngược với tiếng Việt, nên việc bật ra 1 câu nói đúng ngữ pháp cũng cần tư duy lâu hơn.
Ngoài ra, tiếng Nhật cũng mượn nhiều từ gốc Hán và phát âm na ná từ Hán Việt, như taido (thái độ), doui (đồng ý), douryuu (đồng liêu)… Tuy nhiên, không phải từ Hán Nhật nào cũng đồng nghĩa với từ Hán Việt tương ứng.
Ví dụ: 教師 trong tiếng Việt là giáo sư, nhưng trong tiếng Nhật chỉ là giáo viên; 大丈夫 trong tiếng Việt là đại trượng phu, trong tiếng Nhật là ổn thỏa…
Cùng là chữ Hán nhưng vẫn có sự khác biệt giữa tiếng Trung và tiếng Nhật (Nguồn: gaijinpot)
Hệ thống chữ Hán phức tạp
Dù tiếng Nhật không sử dụng nhiều chữ Hán bằng tiếng Trung, nhưng phần lớn đều dùng dạng chữ phồn thể, nhiều nét và khó nhớ. Ngoài ra, người học tiếng Nhật cũng ít có động lực rèn chữ Hán.
Tiếng Trung chỉ có 1 loại chữ viết duy nhất là chữ Hán, nên buộc người học phải ghi nhớ ngay từ lớp vỡ lòng. Còn trong tiếng Nhật, bạn phải học bảng chữ mềm và chữ cứng trước một thời gian rồi mới đến chữ Hán. Nếu không nhớ chữ Hán, bạn vẫn có thể dùng chữ mềm để viết từ, dẫn đến “căn bệnh” lười và thiếu động lực học chữ Hán.
Tuy nhiên, không nắm vững chữ Hán cũng đồng nghĩa với việc mù chữ, vì bạn chỉ có thể thấy phiên âm chữ mềm trong các... bộ truyện dành cho trẻ em! Chữ Hán được sử dụng trong đời sống hàng ngày, giúp văn bản Nhật ngắn gọn, dễ hiểu và chính xác hơn.
Học tiếng Nhật có khó không phụ thuộc phần lớn vào mục tiêu của bạn đang là gì. Khi bạn đã thật sự nghiêm túc với dự định của mình, việc khác ngữ hệ & loại hình ngôn ngữ cũng không thể làm khó được bạn.
Nếu vẫn còn băn khoăn không biết có nên học tiếng Nhật không, tại sao bạn không thử trải nghiệm cảm giác học tiếng Nhật “khó nhất thế giới” ngay từ bây giờ và chia sẻ những cảm xúc của mình với Edu2Review?
Yến Nhi (Theo Nhân văn confession)