Trong cuộc sống, không phải ai cũng có ước mơ, không phải ai cũng có những dự định tương lai cho riêng mình. Dù biết rằng đó là những điều quan trọng nhưng đến tận lúc bước chân vào cánh cổng đại học hoặc ngay cả khi đã tốt nghiệp, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ "lạc lối" vì không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Vậy nguyên nhân là vì sao và làm thế nào để khắc phục? Mời bạn đọc điểm qua những thông tin mà Edu2Review đã tổng hợp dưới đây để có thể nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Xác định nguyên nhân dẫn đến "lạc lối" trong định hướng nghề nghiệp
- Nguyên nhân 1: Chọn ngành nghề theo phong trào
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà – Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam từng chia sẻ: “Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải".
Người Việt Nam chúng ta thường có xu hướng lựa chọn những ngành nghề “hot” làm mục tiêu. Việc chọn một nhóm ngành đang nổi chưa chắc là ngành phù hợp với bản thân sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng chán chường và thiếu động lực trong quá trình học.
Hơn nữa, một khối ngành với quá nhiều người lựa chọn cũng có thể dẫn đến nguy cơ cung lớn hơn cầu. Do đó, bản thân bạn phải chắc chắn rằng mình có đủ năng lực để cạnh tranh với những ứng viên khác.
- Nguyên nhân 2: Chưa tìm được cái mình thích và điều mình giỏi
Một trong những điều quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp chính là phải hiểu rõ bản thân. Hãy tìm hiểu bạn giỏi hoặc kém ở lĩnh vực nào nhất, năng lực thực sự của mình ra sao... Ví dụ, bạn có thể khá tệ trong việc truyền đạt kiến thức nhưng lại rất nhanh nhạy khi buôn bán. Điều này cho thấy người học nên chọn những ngành liên quan đến Quản trị kinh doanh và không nên đi theo các ngành Sư phạm.
- Nguyên nhân 3: Nghe theo ý muốn của cha mẹ
Một số bạn tuy không muốn nhưng vẫn bị bắt ép nghe theo ước nguyện của cha mẹ, dẫn đến việc chọn những nghề không phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Các bậc phụ huynh thường có xu hướng cho con học những ngành “hot”, có cơ hội việc làm cao hoặc đơn giản là những công việc giúp họ tự hào với mọi người (bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư…).
Thậm chí, một số bạn trẻ đã được cha mẹ định hướng từ khi còn bé. Chính vì vậy, sẽ rất khó để các bạn tìm ra được ước mơ thật sự của mình. Tuy nhiên, nếu may mắn, đó có thể là ngành nghề sinh ra dành cho bạn.
Áp lực vô hình đến từ cha mẹ (Nguồn: Thenewmail)
- Nguyên nhân 4: Khủng hoảng tinh thần và áp lực bản thân
Tuổi 18 là độ tuổi của sự trưởng thành. Có thể nói, đây chính là độ tuổi vô cùng chênh vênh cũng như là sự chuyển tiếp sang giai đoạn trưởng thành và tự lập. Trong giai đoạn này, giới trẻ thường dễ dàng gặp phải những khủng hoảng tinh thần bởi các áp lực vô hình từ xã hội, gia đình hay do chính bản thân tạo ra. Việc thiếu ổn định sẽ khiến các bạn vấp nhiều trở ngại để khám phá được chính mình.
Cách khắc phục
Vẫn còn một số bạn dù đã tốt nghiệp vẫn không thể tìm con đường đúng đắn cho mình. Cũng có người vừa học hết năm 2, năm 3 đã nhận ra bản thân thật sự cần gì. Vì vậy, đừng quá hoảng loạn nếu bạn chưa thể định hướng nghề nghiệp cho tương lai ngay lúc này. Dưới đây là những cách giúp học sinh – sinh viên có thể tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề:
- Làm các bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp:
Hiện nay, có nhiều bài test được thiết kế nhằm giúp các bạn dễ dàng tìm hiểu rõ khả năng của bản thân. Điển hình chính là 16 personalities test hoặc phương pháp kiểm tra Mật mã Holland của John L. Holland. Cả 2 bài trắc nghiệm trên đều giúp bạn định hướng bản thân theo từng nhóm người cụ thể dựa vào tính cách và tâm lý của bạn. Đồng thời, bài test sẽ gợi ý đến người làm những ngành nghề phù hợp.
Bài test 16 Personalities (Nguồn: Aiesec)
- Luôn nhớ học đại học là cho mình, không phải vì người khác:
Học sinh Việt Nam phải chịu nhiều áp lực bởi "bóng ma" mang tên “đại học”. Khi đi bất cứ đâu, các bạn cũng sẽ được hỏi “Con tính học ngành gì?”, “Sao con không học ngành này? Ngành này dở lắm. Ngành kia hot hơn”. Hãy nghe theo những gì con tim mách bảo vì những lời nói ngoài kia không thể quyết định tương lai của bạn.
Khi đã có đam mê cũng như chính kiến thì dù là khó khăn, bạn vẫn sẽ dễ dàng chạm tới thành công hơn. Hãy chọn nghề nghiệp theo năng lực của bản thân, đi trên con đường làm bạn thấy hạnh phúc thực sự.
- Trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn:
Cách tốt nhất để biết được khả năng và niềm đam mê của bản thân chính là trải nghiệm. Không thể phủ nhận rằng, khó có ai chỉ ngồi một chỗ mà khám phá và hiểu rõ tất tần tật về chính mình. Vì vậy, hãy học nhiều thứ, đi đến nhiều nơi và đọc nhiều sách.
Mùa thi tuyển sinh lại gần đến, chắc hẳn còn rất nhiều bạn băn khoăn, trăn trở vì bản thân không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Vì vậy, Edu2Review đã tổng hợp những nguyên nhân và cách khắc phục với mong muốn giúp học sinh – sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm con đường phù hợp với bản thân. Chúc các bạn thành công trên con đường của chính mình nhé!
Bảo Chi (Tổng hợp)