Có lẽ bạn đã từng mắt tròn mắt dẹt, kinh ngạc về khả năng "bắn" tiếng Anh như gió của nhiều thần đồng ngoại ngữ như bé Tiếu Băng từng đoạt nhiều giải thưởng, hay bé Kim Anh trong chương trình "Biệt tài tí hon". Bạn ước gì con em mình cũng có thể giỏi tiếng Anh như “con nhà người ta”? Bạn mong muốn được họ chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ em?
Edu2Review xin gửi đến quý độc giả bài viết tổng hợp những kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho trẻ từ những bậc phụ huynh và cả thầy cô của các trung tâm tiếng Anh trẻ em nổi tiếng.
Học càng sớm càng tốt?
Theo một cách đơn giản, khi một người bắt đầu càng sớm thì thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ càng dài và qua đó sẽ có cơ hội trau dồi thêm nhiều kiến thức, vì thế mà dễ thành công hơn.
Tương tự thế, trẻ càng học tiếng Anh sớm thì khả năng phát âm càng chuẩn hơn do có cơ hội tiếp xúc ngay từ nhỏ. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng nên cho bé tiếp xúc với tiếng Anh ở độ từ 3 đến 5 tuổi. Vì đây là khoảng thời gian bé rất nhạy về ngôn ngữ và dễ dàng tiếp thu những cái mới.
Tạo thói quen suy nghĩ và xử lý thông tin bằng Tiếng Anh
Ngay từ lúc đầu dạy tiếng Anh cho trẻ nên tạo thói quen suy nghĩ và xử lý thông tin nghe được một cách trực tiếp bằng tiếng Anh.
Cụ thể, thay vì hỏi bé “Quả táo tiếng Anh là gì?” bạn hãy chỉ vào quả táo và hỏi “What is this?”, thay vì dạy màu đỏ là red bạn nên dạy bằng cách đặt câu hỏi “What color is it?”. Đồng thời ba mẹ hoặc thầy cô dạy bé cách trả lời bằng tiếng Anh “It is ___”.
Một khi đã hình thành suy nghĩ bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ, sau này bé sẽ nhanh nhạy và nói lưu loát hơn.
Xem clip cũng là một cách giúp bé học từ vựng và phản xạ tiếng Anh tốt hơn (Nguồn: YouTube – DẠY BÉ HỌC)
Cần phải kiên trì
Học ngoại ngữ cần có thời gian, đặc biệt là đối với trẻ em. Không nên tạo áp lực cho con bằng cách liên tục hỏi về bài học hôm nay. Nếu điều này kéo dài sẽ làm bé thêm áp lực, sợ hãi và chán ghét tiếng Anh.
Hãy tự tìm hiểu xem hôm nay bài học tiếng Anh của bé học về từ vựng gì, sau đó đặt câu hỏi với từ vựng đó trong lúc chơi với bé. Bố mẹ nên bắt đầu bằng câu hỏi không yêu cầu bé trả lời mà có thể sử dụng cử chỉ như gật đầu hay lắc đầu, hoặc chỉ trực tiếp vào đồ vật. Sau đó, mới đến câu hỏi phức tạp hơn yêu cầu nói.
Thầy Ben Longworth, giáo viên trung tâm Anh ngữ cho trẻ em I Can Read chia sẻ: “Tôi đã từng dạy một bé gái, trong suốt cả một năm gần như bé không giao tiếp với giáo viên. Tuy vậy kể từ năm thứ 2 trở đi bé trở thành người khác hẳn, vươn lên đứng đầu lớp, từ mới học rất nhanh”.
Trường hợp này có thể hiểu như sau: Thời gian đầu có một số trẻ nhút nhát và thụ động hơn các đứa trẻ khác. Tuy vậy khi đặt vào đúng môi trường thì lượng kiến thức vẫn ngấm vào bé qua việc lắng nghe. Đến khi được khuyến khích đúng phương pháp, bé có được sự tự tin cần thiết và khai thác tất cả những vốn kiến thức mà bé đã tích lũy.
“Accent” có quan trọng không?
Thầy cũng chia sẻ thêm, thầy rất ngạc nhiên khi người Việt Nam quá đề cao vai trò của “accent”. Họ quan niệm giỏi tiếng Anh là phải nói được giọng Anh – Anh hoặc Anh – Mỹ. Thầy nói thêm: “Việc bạn nói tiếng Anh với giọng gì điều đó không quan trọng, điều cần lưu ý là phát âm, vốn từ vựng phong phú, cách diễn đạt ngắn gọn và sự tự tin".
Vì vậy nếu có điều kiện hãy để bé làm quen với nhiều "accent" khác nhau: Anh Anh, Anh Mỹ, Anh Úc... để bé thêm tự tin giao tiếp và tăng khả năng nghe hiểu khi tiếp xúc với người nước ngoài.
Khuyến khích thói quen đọc sách: tại sao không?
Đọc sách là một thói quen rất quan trọng và cần phải rèn luyện từ nhỏ. Thông qua việc đọc sách bé có thể học hỏi nhiều thứ không chỉ kiến thức về tiếng Anh mà còn về thế giới xung quanh.
Ở Anh, trước khi đi ngủ các bậc cha mẹ đều đọc sách cho con nghe. Vì vậy, nếu có thể, ba mẹ mua truyện tiếng Anh với nội dung đơn giản hoặc sách audio để đọc hoặc cho bé nghe cho trẻ trước khi đi ngủ.
Như vậy, để bé có thể học tiếng Anh hiệu quả ba mẹ cần chú ý đến độ tuổi, phương pháp và môi trường xung quanh. Hy vọng với bài viết này, ba mẹ đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong việc dạy tiếng Anh cho bé.
Tham khảo danh sách
trung tâm tiếng Anh trẻ em
Mai Trâm (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: llv.edu