Không còn nghi ngờ gì nữa, kỹ năng ghi chép hiệu quả sẽ giúp quá trình học của bạn trở nên thuận lợi hơn. Và để duy trì hiệu quả học tập, bạn không thể bỏ qua những lưu ý khi ôn tập kiến thức. Làm thế nào để tận dụng tối đa những lợi thế từ một bản ghi chép hoàn hảo và ôn tập bài vở tốt hơn? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
20 phút “chuyển hóa” thông tin thành kiến thức
Khả năng thất thoát thông tin trong não bộ của chúng ta rất cao. Vì thế lời khuyên cho bạn là hãy ôn tập những nội dung đã ghi chép càng sớm càng tốt, tối đa trong vòng 24 giờ sau đó. Đây là lúc bạn chỉnh sửa lại phần ghi chép của mình: hoàn chỉnh các bảng và biểu đồ, tô đậm các từ khóa, sửa lỗi chính tả, bổ sung thông tin từ các slide bài giảng hoặc hình chụp trong điện thoại… Sau đó, hãy đọc lại một lượt và tóm tắt nội dung bài. Dành 20 phút cho việc soát lại nội dung ghi chép sẽ giúp bạn nắm được tổng quan những kiến thức trên lớp.
Những sinh viên tại Đại học Harvard thường dành ra hàng giờ đồng hồ để ôn tập lại những ghi chú tại lớp. Họ xem đó là một sự đầu tư lâu dài về kiến thức cho bản thân. Đối với họ, những bản ghi chép cá nhân chính là sự tinh gọn kiến thức trong sách và được tổ chức lại theo cách hiểu của mỗi người. Điều đó giúp dễ dàng tiếp thu hơn cho dù khối lượng kiến thức nhiều thế nào.
Ôn luyện sớm để tận dụng tối đa kiến thức từ bản ghi chép (Nguồn: medium)
Bạn có thể dán giấy note màu lên những đoạn viết sai để tiết kiệm thời gian chép lại. Đồng thời, tạo thêm màu sắc trên vở để kích thích khả năng học. Trường hợp nếu phần ghi chép có quá nhiều lỗi sai và đặc biệt là khó theo dõi thì bạn nên viết lại phần ghi chú theo một bố cục hợp lý hơn. Cách này tuy mất nhiều thời gian, nhưng nó phù hợp với những ai có thói quen viết không theo trật tự hoặc chưa có kỹ năng ghi chép nhanh trong giờ học.
Xem tivi để luyện khả năng nghe từ khóa
Khi xem lại bản ghi chép, có thể bạn sẽ phát hiện ra mình còn ghi chép thiếu sót rất nhiều hoặc bị sai thông tin. Kỹ năng ghi chép hiệu quả là khi bạn khắc phục được những lỗi này và ghi chép được đầy đủ những thông tin cần thiết. Như đã đề cập ở bài viết trước, bạn không cần viết đẹp, chỉ cần viết rõ ràng và mạch lạc. Nhiều người khi bắt đầu luyện tập kỹ năng ghi chép sẽ gặp khó khăn khi thầy cô giảng quá nhanh trong khi có quá nhiều thông tin cần ghi chú. Do đó, bạn nên rèn cho mình khả năng nắm bắt thông tin trước.
Hàng ngày, bạn có thể theo dõi các chương trình trên tivi hay YouTube để tập nghe. Hãy nắm bắt các ý chính của bản tin và ghi lại những từ khóa bạn nghĩ là quan trọng. Sau đó, hãy đọc lại những từ khóa đó để xem bản thân có hiểu được hay không. Nếu không, cần tìm hiểu thông tin liên quan tới từ khóa đó để bổ sung thêm kiến thức. Cuối cùng, bạn nên thử tường thuật lại bản tin thông qua những từ khóa đó. Khi nào làm được các bước trên chứng tỏ bạn đã sử dụng hiệu quả các từ khóa.
Luyện nghe cũng giúp hoàn thiện kỹ năng ghi chép (Nguồn: pcmag)
Luyện ghi chép qua tivi giúp bạn làm quen với tốc độ giảng bài nhanh của một số thầy cô, tăng khả năng nghe - hiểu và hình thành phản xạ ghi chép nhanh, hơn nữa lại còn nắm bắt được nhiều tin tức mà ngày thường bạn chẳng bao giờ để ý đến. Lưu ý, bạn nên xem những chương trình cung cấp kiến thức như tin tức thời sự, phim tài liệu hoặc khoa học thay vì những gameshow hay chương trình ca nhạc.
Duy trì thói quen
Từ việc đọc – chép tới nghe – chép chủ động là cả một quá trình dài bạn cần rèn luyện để hình thành kỹ năng ghi chép hiệu quả. Sau khi đã nắm rõ được những kỹ thuật cần thiết, giờ là thời gian để bạn bắt đầu thực hành.
Đừng chỉ áp dụng kỹ thuật này khi học trên giảng đường, ngay trong những tình huống đời thường bạn cũng có thể thử áp dụng. Ví dụ như khi học tiếng Anh, tham gia hội thảo, tự học tại nhà... Càng luyện tập nhiều thì khả năng ghi chép của bạn càng nhanh tiến bộ.
Qua 3 phần của chuỗi bài về kỹ năng ghi chép hiệu quả, bạn đã học được cách chuẩn bị ra sao, tiến hành ghi chép và sau khi ghi chép nên làm những gì để có thể tiếp thu tối đa kiến thức học được. Edu2Review hy vọng bạn có thể vận dụng thành công những bí quyết này vào thực tế, trong thời gian bạn còn học hay cả sau này đi làm.
Khuê Lâm (Tổng hợp)