Kỹ năng ghi nhớ sẽ giúp bạn lưu giữ nhiều thứ như hình ảnh, thông tin, sự vật, hiện tượng, tình cảm... trong cuộc sống. Những điều này sẽ trở thành kiến thức, kinh nghiệm của mỗi người. Nói cách khác, kỹ năng ghi nhớ là một biện pháp để bạn tích lũy kinh nghiệm sống và sử dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Kỹ năng ghi nhớ có thể được rèn luyện và phát triển quá trình học tập, làm việc. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ kỹ năng ghi nhớ là gì để có thể tìm được phương pháp cải thiện phù hợp và hiệu quả.
Kỹ năng ghi nhớ là gì?
Theo sách Tâm lý học, kỹ năng ghi nhớ có thể được hiểu là quá trình đưa tài liệu nào đó vào ý thức, gắn những điều đó với nội dung kiến thức hiện có làm nền tảng cho quá trình gìn giữ về sau.
Kỹ năng ghi nhớ của mỗi người thường được quyết định bởi hành động. Nói cách khác, động cơ, mục đích và phương tiện thực hiện của bạn sẽ quyết định chất lượng của kỹ năng ghi nhớ. Ghi nhớ thường diễn ra theo 2 hướng gồm ghi nhớ có chủ định và ghi nhớ không chủ định.
-
Ghi nhớ có chủ định
Ghi nhớ có chủ định là ghi nhớ theo mục đích từ trước và đòi hỏi bạn phải có ý chí, nỗ lực cũng như phương pháp nhất định. Ví dụ, hoạt động của tập luyện có thể được coi là ghi nhớ có chủ định. Ghi nhớ sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có thể hiểu rõ nội dung của tài liệu. Đây gọi là biện pháp ghi nhớ có ý nghĩa và logic.
Ghi nhớ một cách logic sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn (Nguồn: weibo)
-
Ghi nhớ không có chủ định
Đây là cách ghi nhớ không có mục đích từ trước. Bạn không cần phải nỗ lực hoặc dùng thủ thuật để nhớ mà tài liệu sẽ được nhớ một cách tự nhiên. Mức độ ghi nhớ của cách này sẽ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của nội dung kiến thức, tài liệu. Thông thường những tài liệu sáng tạo có khả năng tạo ra sự thu hút hay cảm xúc mạnh mẽ thì quá trình ghi nhớ sẽ diễn ra hiệu quả hơn. Ví dụ, bạn thích một bài hát, thường xuyên nghe và hát theo lời ca khúc, một thời gian sau bạn có thể nhớ lời mặc dù không có chủ đích ghi nhớ.
Biện pháp ghi nhớ logic
Ghi nhớ là kỹ năng mềm quan trọng mà bạn có thể phát triển và cải thiện. Có rất nhiều biện pháp để phát triển khả năng ghi nhớ của bạn và sau đó tái hiện lại kiến thức khi bạn cần. Khi đã hiểu kỹ năng ghi nhớ là gì, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
-
Phân chia tài liệu thành các đoạn, đặt cho mỗi đoạn tiêu đề khái quát nội dung
-
Phân tích, tổng hợp, so sánh và phân loại tài liệu
-
Không nên chỉ học vẹt, bạn cần nắm vững nội dung cốt lõi của vấn đề
-
Chỉ học những thông tin cần thiết và những vấn đề ưu tiên
-
Chọn một nguồn thông tin chuẩn nhất, đừng lãng phí thời gian vào những điều không cần thiết
Hãy tìm ra những phương pháp ghi nhớ hiệu quả phù hợp với bản thân mình nhất (Nguồn: wemp)
Bên cạnh đó, muốn ghi nhớ tốt bạn cần phải tập trung chú ý, có hứng thú và ý thức được tầm quan trọng của tài liệu. Chọn phương pháp ghi nhớ phù hợp với tính chất, nội dung của tài liệu sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn. Hãy kết hợp các giác quan để ghi nhớ, liên kết tài liệu với những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để có thể lưu trữ thông tin lâu hơn.
Rèn luyện kỹ năng ghi nhớ
Ngoài việc thực hiện các biện pháp ghi nhớ, bạn có thể rèn luyện để phát triển kỹ năng này. Hãy bắt đầu bằng những thói quen tốt để giúp ích cho não bộ của bạn. Một số cách mà bạn có thể thực hiện như:
-
Đọc sách mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ và tăng thêm kiến thức cho bản thân
-
Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ và không dùng các chất kích thích có hại cho não
-
Luyện tập thể dục thể thao, một nghiên cứu trong 6 tuần của Đại học Texas ở Mỹ đã chỉ ra rằng nhóm người thường xuyên vận động sẽ có tinh thần, trí nhớ tốt hơn so với nhóm ít vận động
-
Luyện tập ghi nhớ hình ảnh bằng cách tập trung liên tưởng, suy nghĩ
-
Thỉnh thoảng hãy để đầu óc thư giãn bằng cách tập thiền, yoga hoặc gặp gỡ bạn bè…
Kỹ năng ghi nhớ có thể rèn luyện và cải thiện mỗi ngày (Nguồn: medcom)
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu kỹ năng ghi nhớ là gì và biết các phương pháp rèn luyện, phát triển kỹ năng này. Hãy thử áp dụng một số gợi ý bên trên để tăng cường sức khỏe cũng như tăng khả năng ghi nhớ cho não bộ bạn nhé.
Thường Lạc (Tổng hợp)