CV (Curriculum Vitae) không đơn giản chỉ là một bản tóm tắt lý lịch bản thân. CV của bạn có thể còn được ví như một hành trình học vấn, sự nghiệp, kinh nghiệm đã trải qua mà bạn muốn giới thiệu đến cho nhà tuyển dụng. Đôi khi, nhà tuyển dụng còn dựa vào các kỹ năng trong CV để đánh giá tổng quan xem bạn có thích hợp với vị trí mà công ty họ cần hay không.
Kỹ năng bao gồm cả những kiến thức bạn được dạy tại trường lớp hay thông qua việc đúc kết kinh nghiệm, chẳng hạn như tin học hoặc ngoại ngữ. Ngoài ra, các kỹ năng được xem xét còn có thể là những thế mạnh tự nhiên, hay là một phẩm chất đặc biệt của bạn, như giao tiếp, giải quyết vấn đề…
Ngoài những kỹ năng thường xuất hiện trong CV, hãy cùng Edu2Review điểm qua những kỹ năng có thể giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhé!
1. Kỹ năng phân tích dữ liệu
Phân tích dữ liệu (Data Analysis) ngày càng trở nên phổ biến trong mọi ngành nghề, không chỉ riêng các khối ngành IT hay Toán học. Nếu bạn thể hiện được mình có khả năng phân tích dữ liệu tốt, tức là bạn có khả năng tổng hợp vấn đề tốt.
Kỹ năng phân tích được sử dụng không chỉ để hiểu các vấn đề, mà còn để phát triển hướng đi phù hợp. Nói cách khác, nếu bạn phân tích dữ liệu tốt thì bạn thể hiện được mình có nền tảng vững chắc cho kỹ năng giải quyết vấn đề.
Các con số, dữ liệu biểu đồ có vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu (Nguồn: Inovanka)
Chẳng hạn, bạn có thể nói về kinh nghiệm phân tích dữ liệu trong quá trình bạn làm cách nào để tăng lượt theo dõi của mình trên mạng xã hội Facebook.
2. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Kiểm soát cảm xúc (Emotional Intelligence) hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc, được hiểu đơn giản là khả năng kiểm soát được cảm xúc của bản thân để có thể làm việc tốt với người khác, đặc biệt là làm việc nhóm.
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống (Nguồn: SmallBizClub)
Trong trí tuệ cảm xúc còn có một số những cái khác, như self-awareness (tự hiểu về bản thân), motivation (động lực làm việc), sự cảm thông với người xung quanh và những hiểu biết chung về xã hội.
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc rất quan trọng, đặc biệt là trong trường hợp bạn đang ứng tuyển vào những môi trường làm việc “chín người mười ý”, như tư vấn hay chăm sóc khách hàng.
3. Kỹ năng tư duy phản biện
Tư duy phản biện (Critical Thinking) là một trong những phẩm chất quan trọng mà ứng viên cần có cũng như được các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển chọn, bất kể vị trí chuyên nghiệp lẫn không chuyên.
Khả năng tư duy phản biện của ứng viên thường được đánh giá thông qua tính nhất quán trong quyết định mà họ đưa ra. Ít nhiều kỹ năng này có liên quan đến khả năng tiếp nhận, đánh giá thông tin, và không để cảm xúc chi phối đến các đánh giá, kết luận.
Hãy thử đặt nghi vấn đối với những giả thuyết được nhiều người công nhận, đó cũng là một cách để rèn luyện tư duy phản biện (Nguồn: wikiHow)
Ví dụ, các y tá điều trị có thể sử dụng tư duy phản biện để phân tích tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Từ đó, họ dễ dàng đưa ra các quyết định về thứ tự bệnh nhân cần được điều trị theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.
4. Kỹ năng thích nghi
Kỹ năng thích nghi (Adaptability) thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được tốc độ bạn có thể làm quen với môi trường làm việc mới nói chung và thích ứng với các tình huống bất ngờ nói riêng. Đây là kỹ năng thường được yêu cầu ở những vị trí tuyển dụng đòi hỏi môi trường làm việc thay đổi liên tục hay khối lượng công việc lớn cần giải quyết trong thời gian ngắn.
Nắm trong tay kỹ năng thích ứng với môi trường mới sẽ giúp bạn bắt đầu công việc một cách dễ dàng (Nguồn: Góc sinh viên)
Ví dụ: ở vị trí là một nhân viên chăm sóc khách hàng, bạn nên thể hiện sự mềm dẻo và linh động trong công việc. Chẳng hạn như để hiểu được tâm lý của khách, bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các yêu cầu của họ trong khả năng, kể cả các vấn đề ngoài công việc.
5. Kỹ năng sắp xếp và lên kế hoạch
Sắp xếp và lên kế hoạch (Planning and Organizational Skills) sẽ thể hiện được khả năng quản lý thời gian của bạn. Một khi bạn có thể quản lý tốt đồng hồ của riêng mình thì việc bạn hoàn thành các mục tiêu đề ra là hoàn toàn có thể.
Rất nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng này, đặc biệt là các công việc liên quan đến việc hoàn thành các dự án phức tạp, nhiều bước. Nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi bạn phải có mục tiêu rõ ràng, đối tượng và phương án cụ thể làm việc cho từng đội nhóm liên quan.
Một kế hoạch rõ ràng sẽ là nền tảng vững chắc để bạn hoàn thành mục tiêu trong một lịch trình làm việc hiệu quả (Nguồn: DGC)
Để thể hiện rằng bạn có thể sắp xếp và lên kế hoạch tốt, hãy kể cho nhà tuyển dụng nghe về cách bạn cân bằng giữa việc học và làm thêm ngoài giờ trong một ngày, nhưng vẫn còn thời gian cho các hoạt động giải trí. Hoặc là nêu rõ cách bạn vạch ra các mục tiêu nghề nghiệp trong quá khứ, làm thế nào để hoàn thành và các kinh nghiệm mà bạn đã "gặt hái" được.
6. Kỹ năng sáng tạo
Kỹ năng sáng tạo (Creativity) chính là cách để bạn khẳng định khả năng tư duy của mình. Bởi vì chỉ khi bạn tập trung suy nghĩ về một vấn đề thì bạn mới có thể sáng tạo ra hướng đi mới. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, nếu không có tư duy sáng tạo, bạn mãi sẽ không thể tạo ra các bước tiến mới hay sự đột phá.
Sáng tạo khác với sáng chế. Sáng tạo không nhất thiết phải tạo ra cái gì đó lớn lao. Bạn có thể thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách đề xuất cải thiện một hoạt động kinh doanh cụ thể của công ty, để cho nhà tuyển dụng thấy được sự mới mẻ trong ý tưởng của bạn.
Sáng tạo có thể giúp bạn tìm ra nhiều hướng đi mới táo bạo hơn (Nguồn: CMO)
Nếu bạn là người có khiếu về âm nhạc, ngại gì mà không kể về một đoạn nhạc được bạn mashup (kết hợp hai hay nhiều bài hát có sẵn thành một phiên bản mới). Đó cũng chính là một làm nổi bật kỹ năng sáng tạo của chính bạn.
7. Xu hướng kỹ năng trong kỷ nguyên 4.0
Theo dự đoán, trong vòng 3 năm tới, thế giới sẽ trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, nhân loại sẽ sở hữu một lực lượng lao động hoàn toàn mới. Nói theo một cách khác, người máy tiên tiến, vận chuyển tự động hoá, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính sẽ dần thay thế con người.
Đến năm 2020, một vài công việc sẽ biến mất, một số khác sẽ phát triển mạnh mẽ. Chắc chắn một điều là chúng ta – những lao động trong tương lai cũng cần phải thay đổi rất nhiều để không bị đào thải khỏi sự thay đổi vượt bậc toàn cầu. Vì thế, ngoài chất lượng đào tạo chuyên môn, chúng ta còn phải có cho mình những kỹ năng để bắt kịp xu hướng.
So sánh kết quả khảo sát từ các công ty hàng đầu thế giới về xu hướng kỹ năng trong tương lai và năm 2015 (Nguồn: Future of Jobs Report, World Economic Forum)
Sự phát triển toàn cầu đòi hỏi các nhà tuyển dụng ngày càng cần nâng cao yêu cầu tuyển dụng. Đặc biệt là các kỹ năng trong CV, mà qua đó các nhà tuyển dụng cho rằng bạn có thể nâng cao hiệu quả làm việc của cả công ty. Mong rằng Edu2Review đã mang đến cho bạn một vài thông tin hữu ích để bạn có thể hoàn thiện CV của mình một cách hoàn hảo nhất.
Ngọc Trâm (Tổng hợp)