Lựa chọn ngành học là một quyết định quan trọng mà mỗi sĩ tử luôn đau đáu trong mùa tuyển sinh. Mặc dù quyết định ngành học lựa chọn sẽ bị tác động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên các sĩ tử vẫn cần phải có lựa chọn riêng của mình. Và những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Đâu là thế mạnh của bạn?
Những ưu điểm sẽ giúp bạn nổi bật và dễ dàng thành công trong lĩnh vực nào đó. Vì kì tuyển sinh có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là khi bạn đang có ý định ứng tuyển vào một ngôi trường hàng top thì đây là yếu tố cần phải quan tâm. Các môn học mà bản thân đạt thành tích cao sẽ giúp sĩ tử dễ dàng giành điểm cao và vượt trội hơn nhiều người khác.
Đây là quan điểm khá thực tế, thông thường khi được lựa chọn bạn sẽ nghĩ ngay tới những lĩnh vực bạn thích và mong muốn được theo đuổi. Nhưng với lý do nói trên, bạn cần nghiêm túc cân nhắc thêm những yếu tố năng lực và thế mạnh của bạn thân để giành được những ưu thế nhất định trong kỳ thi đại học.
Tuyển sinh đại học là kỳ thi có sức cạnh tranh rất cao (Nguồn: phapluatdansinh)
Hơn thế, việc thay đổi môi trường sinh hoạt và học tập có thể khiến quan điểm của bạn thay đổi. Công việc hay ngành học ban đầu bạn không yêu thích có thể sẽ trở thành đam mê mới. Vì vậy, đừng quá "ngoan cố", kiên quyết lựa chọn ngành học theo sở thích. Việc bạn yêu thích nhưng năng lực có thể làm tới đâu thường không đi đôi cùng nhau.
Đâu là công việc tiềm năng nhất?
Đây là một câu hỏi định hướng nghề nghiệp quan trọng nhưng lại không nhiều người cân nhắc. Thất nghiệp, không việc làm không chỉ nằm ở việc năng lực của bản thân bạn không đủ, đó còn là hệ lụy của việc cung quá nhiều mà cầu chẳng bao nhiêu. Những ngành tiềm năng là những ngành học có nhu cầu nhân sự cao trong tương lai gần, lựa chọn những ngành này sẽ giúp giảm nguy cơ thất nghiệp hay làm trái ngành của bản thân bạn.
Để trả lời câu hỏi này, ta phải căn cứ vào kế hoạch phát triển của địa phương, kế hoạch phát triển ngành nghề, kế hoạch tuyển sinh của các trường đại, cao đẳng hay trường nghề, nghiên cứu và khảo sát về nhu cầu nhân sự của ngành. Một số ngành học có nhu cầu cao hiện nay là IT, marketing, du lịch...
Lựa chọn những ngành nghề có tiềm năng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ "thất nghiệp" (Nguồn: medium)
Đâu là đam mê của bạn?
Vì nghề nghiệp thay đổi không dễ dàng nên đam mê là yếu tố quan trọng để giúp mỗi người gắn bó lâu dài với công việc và ngành học đã chọn. Sẽ thật tuyệt nếu đam mê của bạn thỏa mãn được hai câu hỏi nói trên, nhưng trên thực tế không mấy người có được may mắn đó. Do đó bạn cần cân nhắc ưu tiên những yếu tố sở thích, điểm mạnh hay tiềm năng công việc trong tương lai để có lựa chọn phù hợp nhất.
Với những ngành học liên quan tới sáng tạo, nghệ thuật, bạn nên nghe theo “tiếng gọi của trái tim”. Bởi các công việc và ngành học này phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố cảm xúc và năng khiếu. Kỹ năng có thể rèn luyện nhưng nếu không đam mê bạn sẽ rất khó theo đuổi những ngành học này.
Ba câu hỏi định hướng nghề nghiệp trên cần được cân nhắc đồng thời, thứ tự ưu tiên có thể khác nhau tùy từng cá nhân. Hy vọng với những gợi ý phía trên bạn có thể tìm được ngành học phù hợp với bản thân. Đừng quên ghé thăm Edu2Review mỗi ngày để cập nhật những thông tin tuyển sinh mới và chính xác nhất.
Khuê Lâm (Tổng hợp)