Tốt nghiệp 4 năm Đại học rồi thở than: "Biết thế học Cao đẳng để sớm đi làm nhân viên full-time tích lũy kinh nghiệm thực tế" hay nhận được quyết định: "Bị từ chối xin việc vì chỉ có bằng Cao đẳng, không có bằng Đại học" – hẳn là điều bạn chẳng hề mong muốn xảy ra sau khi hoàn thành chương trình học của mình tại Canada. Vậy, tại sao tình trạng này vẫn xảy ra không ít với du học sinh các nước, không chỉ Việt Nam?
Để tìm ra được "gốc rễ" vấn đề này, hãy cùng Edu2Review bắt đầu bằng chữ "W – Why: Tại sao phải lựa chọn Cao Đẳng/Đại học khi du học Canada". Bạn sẽ sớm có cái nhìn rõ ràng hơn về hệ thống và định hướng giáo dục từng cấp tại Canada, từ đó xác định các mục tiêu và so sánh mức độ phù hợp để tự đưa ra quyết định của mình.
Tìm hiểu thêm về du học Canada
Nguyên nhân thứ nhất: Nền giáo dục chất lượng, được công nhận trên toàn thế giới
Mặc dù, giống như Việt Nam, Canada cũng có sự phân chia bằng cấp đối với Đại học và Cao đẳng. Tuy nhiên, Đại học không phải là sự lựa chọn được ưu tiên của các du học sinh khi lựa chọn Canada.
Một phần là bởi vì, Chính phủ Canada luôn sẵn sàng đầu tư ngân sách lớn cho giáo dục ở mức cao nhất để nâng cao chất lượng, không phân biệt cấp bậc/vị trí hay ngành nghề đào tạo. Trong khối các nước G8, Canada luôn nằm trong danh sách các nước dẫn đầu về hỗ trợ và đầu tư cho giáo dục. Chính vì thế, bằng cấp của Canada được công nhận trên toàn thế giới và cực kỳ có giá trị dù ở cấp học nào.
Mặt khác, nếu ở Việt Nam, sinh viên luôn phải cố gắng hết sức, nhiều năm ôn luyện để thi vào các trường nằm ở thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) nhằm được rèn luyện và học tập trong môi trường có chất lượng đào tạo tốt nhất. Tại Canada, điều này hoàn toàn trái ngược, dù bạn học ở thủ đô/thành phố lớn hay các khu vực nông thôn thì chất lượng giáo dục và bằng cấp đều có giá trị như nhau.
Theo hiến pháp, tại các tỉnh sẽ có những hệ thống khác nhau nhằm quản lý chất lượng giáo dục. Thậm chí, độ tuổi giữa các cấp có sự khác biệt giữa các bang. Tuy nhiên, tiêu chuẩn khắp đất nước đều được đánh giá một cách đồng bộ.
Chính phủ cho phép chính quyền các địa phương trực tiếp quản lý chất lượng, chương trình giảng dạy, thiết lập hệ thống cơ sở giáo dục, bao gồm việc quản lý đăng ký và cấp phép hoạt động để đảm bảo tính hệ thống và sự đồng nhất trên toàn quốc. Điều này càng khẳng định rằng bạn hoàn toàn được đảm bảo chất lượng đầu ra nếu chăm chỉ học tập và rèn luyện khi du học Canada.
Nguyên nhân thứ hai: Mục tiêu đầu ra và cách thức đào tạo không giống nhau.
Mục tiêu giáo dục của Cao đẳng và Đại học tại Canada hoàn toàn khác biệt, nên về cơ bản không thể so sánh chất lượng giáo dục bên nào tốt hơn. Bạn sẽ cần phải lên kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng dựa trên mục tiêu và con đường sự nghiệp của chính mình để quyết định nên chọn cấp bậc, hệ thống nào phù hợp.
a. Cao Đẳng
Bạn sẽ được cung cấp các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng, kinh nghiệm thực hành mang tính thực tiễn cao và có thể áp dụng ngay. Vì vậy, số lớp học có phòng thí nghiệm với mục đích là thực hành ngay những gì học được sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn số lớp học với các bài giảng lý thuyết.
Tại Canada, hơn 8,000 chương trình Cao đẳng được dạy tại 150 cơ sở đào tạo có chứng chỉ được kiểm chứng bởi chính phủ tỉnh bang. Tỷ lệ sinh viên Cao đẳng tìm được việc sau tốt nghiệp chiếm tới 90%.
Một số chuyên gia đưa ra lời khuyên bạn nên chọn bậc Cao đẳng khi bạn cần "nâng cấp" bản thân để thăng tiến trong sự nghiệp, lựa chọn Cao đẳng sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian (đa số hoàn thành trong 2 năm) với kha khá kinh nghiệm có thể ứng dụng được ngay.
Mã hóa/Coding, Thiết kế website, Báo chí, Phương tiện truyền thông đại chúng, Kế toán, Gaming, Đồ họa thiết kế... có lẽ là những ngành mà bạn nên lựa chọn Cao đẳng, bởi tính nhanh gọn, cung cấp các kỹ năng phục vụ chính cho công việc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận được học bổng từ chính phủ để theo đuổi 1 số chương trình thương mại có tay nghề cao tại các trường Cao đẳng.
Ưu điểm: Thời gian học ngắn (khoảng 2 năm); chi phí đào tạo thấp; điều kiện nhập học đơn giản, ít thủ tục; không yêu cầu kinh nghiệm; tập trung vào đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp; cơ hội làm việc cao sau khi tốt nghiệp.
Khuyết điểm: Tập trung quá nhiều vào đào tạo nghề; không có các chương trình ngoại khóa; một số ngành không có chương trình liên thông. Dù khả năng kiếm việc dễ, nhưng cơ hội thăng tiến không cao bằng người sở hữu chứng chỉ Đại học.
b. Đại học
Nếu bạn muốn học chương trình được thiết kế để tập trung đào tạo về nghiên cứu và học thuật, thì Đại học nên được ưu tiên. Đặc biệt, Canada có tới 9 trường Đại học nằm trong top 200 trường Đại học tốt nhất thế giới.
Hiện có khoảng 130 quốc gia khác nhau với tổng số 70,000 du học sinh đang học tập trong các trường Đại học tại Canada.
Cuộc sống trong quá trình học Đại học rất khác với Cao đẳng, bạn sẽ được tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội, thể thao và có nhiều cơ hội thể hiện tài năng của mình cũng như học hỏi từ người khác.
Mặt khác, các hoạt động làm việc nhóm là cực kỳ phổ biến trong quá trình học tập. Sinh viên sẽ được tham gia các chương trình trong các viện/phòng nghiên cứu lớn, đồng thời cũng đóng góp nhiều tài liệu, nghiên cứu khoa học.
Các ngành học, như Tâm lý học, Bác sĩ, Toán, Kỹ thuật, Khoa học, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý và các chương trình có tính định hướng lâu dài cần sự bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu trong 3 – 4 năm, ở các trường Đại học có tính chuyên môn cao. Nếu bạn xác định theo những ngành này thì nên chọn Đại học, vì những môn học này không thể "hấp thụ" kiến thức trong thời gian ngắn.
Ưu điểm: Chương trình mang tính chuyên sâu học thuật cao; thuận lợi để học lên Thạc sĩ/Tiến sĩ; nhiều cơ hội nâng cấp bằng cấp, giá trị hơn bằng Cao đẳng.
Khuyết điểm: Sinh viên phải tự tìm cách để thực hành (kém khả năng thực hành khi còn ngồi trên ghế nhà trường); học phí và yêu cầu đầu vào rất cao; thời gian học kéo dài; không phù hợp khi bạn muốn chọn ngành học có tính ứng dụng tức thời.
c. Bảng so sánh sự khác nhau cơ bản giữa Cao đẳng và Đại học tại Canada
Điểm khác nhau |
Cao đẳng |
Đại học |
Các loại bằng cấp |
Chứng chỉ nghề Bằng Cao đẳng Cử nhân 3 năm |
Cử nhân 3 – 4 năm Cử nhân danh dự Thạc sĩ Tiến sĩ |
Chi phí (năm) |
12,000 – 25,000 CAD ( 220 – 440 Triệu VNĐ) |
20,000 – 35,000 CAD (350 – 600 Triệu VNĐ) |
Yêu cầu đầu vào |
Thấp |
Cao |
Thời gian học |
Từ vài tháng đến 3 năm |
Từ 2 năm trở lên |
Phương pháp giảng dạy |
Thực hành |
Lý Thuyết |
Cơ hội việc làm |
Cao, có thể xin được việc ngay |
Khó có thể xin được việc ngay |
Cơ hội thăng tiến |
Thấp hơn Đại học |
Cao |
Làm Permanent Resident (PR – Thường trú nhân) |
Không được cộng điểm |
Được cộng điểm |
Vậy, nên học Cao đẳng hay Đại học ở Canada nên dựa trên những tiêu chí nào?
Qua những phân tích bên trên, bạn có thể thấy rõ Cao đẳng hay Đại học ở Canada đều là những lựa chọn tốt. Quyết định như thế nào thì còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người, nhưng nhìn chung một số tiêu chí quan trọng sau đây nên được bạn cân nhắc trước khi lựa chọn:
1/ Ngành học
Những ngành có tính ứng dụng cao, như kỹ thuật, máy tính... bạn nên chọn các trường Cao đẳng. Bởi vì, bạn sẽ không bị yêu cầu cao về mặt ngôn ngữ, cộng thêm ưu thế các môn Toán – Lý, vốn là thế mạnh của sinh viên Việt, sẽ được phát huy tối đa. Bên cạnh đó, các ngành này hiện đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao tại Canada.
Các chuyên ngành mang tính định hướng lâu dài, như xã hội hoặc kinh doanh thì phương pháp giảng dạy mang tính học thuật, hàn lâm sẽ phù hợp hơn. Bạn cần có tầm nhìn, chuyên môn nổi trội để vượt qua tỷ lệ cạnh tranh cao của ngành và xin được việc làm.
2/ Mục tiêu
Xem xét bản thân muốn có loại bằng cấp nào?
-
Diploma: Sau khi bạn học xong Cao đẳng (chương trình tập trung vào các kỹ năng có tính ứng dụng cao), bạn sẽ được cấp Diploma.
-
Bachelor: Tốt nghiệp Đại học với chương trình học thuật hàn lâm, bạn sẽ được cấp bằng Bachelor/Degree.
-
Post Graduate: Tốt nghiệp Cao đẳng/Đại học, nhưng không muốn tốn thời gian để học Master, Post Graduate sẽ phù hợp nếu bạn muốn học chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó.
-
Một lưu ý nhỏ: Các nước Anh, Mỹ, Úc gọi chung các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ, Dự bị Thạc sĩ... là Post Graduate (Sau Đại học) nhưng tại Canada, Post Graduate chỉ là 1 chương trình/chứng chỉ thôi.
-
Master: Thạc sĩ, tập trung nghiên cứu học thuật.
-
PhD: Tiến sĩ nghiên cứu chuyên sâu.
Ngắn gọn:
-
Nếu bạn có mục tiêu là bằng cấp cao, chuyên môn, kiến thức vượt trội thì Đại học hoặc cao hơn là Master sẽ là lựa chọn tốt. Bạn cần lưu ý là thời gian học tập (4 năm) và chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
-
Mặt khác, nếu mục đích của bạn là Định cư, thì nên học Cao đẳng 2 năm, sau đó lấy Giấy phép lao động (Work Permit – WP) 3 năm sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Cao đẳng cũng phù hợp cho những ai muốn tập trung cải thiện, nâng cao, mở rộng các kỹ năng liên quan trực tiếp đến công việc trong thực tế.
3/ Khả năng tài chính
Nếu khả năng kinh tế khá giả và đủ điều kiện, bạn nên học Đại học để được đào tạo cả những kiến thức cơ bản lẫn nâng cao. Ngược lại, lựa chọn Cao đẳng để được thực hành các kỹ năng có tính ứng dụng cao trong công việc. Cho dù như thế nào thì bằng cấp của bạn vẫn sẽ được công nhận trên thế giới.
Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí nhưng vẫn muốn học cao, thì bạn có thể học 2 năm Cao đẳng rồi chuyển tiếp 2 năm lên Đại học. Học phí sẽ được tính bằng với sinh viên bản xứ, rẻ hơn gấp 2 – 3 lần so với sinh viên quốc tế. Điểm trừ là bạn phải mất nhiều thời gian hơn để có được bằng Đại Học, nhưng về chi phí và cơ hội định cư thì sẽ tốt hơn.
Tóm lại, để đưa ra quyết định phù hợp và tốt nhất, bạn cần hiểu bản thân cần gì và làm được những gì. Đừng "đẽo cày giữa đường" bằng cách nghe người này nói ngành này hot, người kia nói ngành khác kiếm được nhiều tiền.
Bạn cần nhớ rằng chẳng có việc gì dễ cả, cái gì cũng có cái khó riêng của nó. Vì vậy, hãy nghiêm túc đánh giá bản thân, viết ra các mục tiêu bắt buộc phải đạt được trong tương lai với các thời hạn rõ ràng, ví dụ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm...
Cũng đừng chỉ lựa chọn Cao đẳng hay Đại học ở Canada vì bạn yêu thích nhất thời, hãy vẽ ra sơ đồ tài chính, thời gian, lộ trình học tập và làm việc của mình... nói chung là tất cả những gì bạn đang có. Sau đó sử dụng các thông tin này so sánh với các tiêu chí, yếu tố trên để quyết định. Chúc bạn sẽ vui vẻ và tự tin với quyết định của mình, sau khi đã suy nghĩ, đánh giá đúng cách và cẩn thận.
* 1 CAD = 17,980.70 VNĐ (số liệu ngày 16/10/2018).
Hồng Yến (Tổng hợp)
Nguồn ảnh: Unplash