Kỹ năng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Luyện nghe đúng cách sẽ giúp trẻ phát âm tiếng Anh chuẩn, tăng cường khả năng phản xạ và nâng cao khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, đây cũng là kỹ năng được đánh giá là khó nhất trong 4 kỹ năng cần thiết của tiếng Anh. Nhưng đừng lo, với bài viết sau đây Edu2Review sẽ giúp ba mẹ nắm rõ 3 giai đoạn cơ bản trong việc luyện nghe tiếng Anh cho trẻ em.
Bảng xếp hạng
trung tâm tiếng Anh tốt nhất
Giai đoạn 1: Làm quen với tiếng Anh
Giai đoạn này giúp bé tập làm quen với những mẫu câu đơn giản và vận dụng những từ vựng tiếng Anh đã học. Ba mẹ có thể cho bé nghe và nói những câu tiếng Anh có sẵn trong băng đĩa đi kèm giáo trình mà bé học trên trường. Như vậy sẽ giúp bé ôn lại bài và nhớ lâu hơn.
Sau khi bé đã quen với nhịp điệu và cách nhấn nhá trong câu chữ, ba mẹ có thể thay đổi những từ vựng trong câu đó bằng những từ khác mà bé đã được học để giúp bé linh hoạt hơn trong cách dùng từ.
Làm quen với những mẫu câu tiếng Anh thông dụng (Nguồn: Gia đình)
Ví dụ, ba mẹ có thể cho bé nghe câu hỏi “What’s this?” (đây là cái gì?) và câu trả lời “It’s a notebook” (đây là một quyển vở) một vài lần. Sau đó cùng bé đối thoại mẫu câu đơn giản này đến khi bé có thể nói tự nhiên nhất. Đến lúc đó, bạn có thể thay từ “notebook” bằng các từ khác mà bé đã được học cùng chủ đề như book, pen, pencil, ruler...
Bằng cách này bé sẽ có thể nhớ lâu hơn các từ vựng cũng như mẫu câu và phản xạ tiếng Anh nhanh và tự nhiên khi muốn hỏi hay được hỏi về một đồ vật gì đó. Tuy nhiên “dục tốc bất đạt” - giai đoạn này đòi hỏi ba mẹ phải thật nhẫn nại và kiên trì. Hãy đóng vai trò là một người bạn cùng học để bé có thể tiếp thu và học hỏi một cách tốt nhất.
Giai đoạn 2: Áp dụng bài học vào thực tế
Đây là giai đoạn để ba mẹ cùng xem lại những thành quả đạt được từ giai đoạn đầu tiên. Trong các tình huống và các trường hợp cụ thể ba mẹ có thể cùng đàm thoại với con những câu đã học trước đó.
Ví dụ, khi đang cho bé tô màu bạn có thể hỏi các câu như “ What’s this?” (đây là cái gì?), “What color is it?” (cái này màu gì vậy?), “Do you like it?” (con có thích nó không?), “What color do you like?” (con thích màu gì?)...
Lưu ý nên đặt những câu hỏi mà bạn chắc rằng bé có thể hiểu và trả lời được. Vì khi ba mẹ hỏi câu quá phức tạp, không thể trả lời bé sẽ dễ nản mà không chịu học tiếp. Hoặc có thể bé sẽ trả lời sai cấu trúc hay phát âm sai sẽ ảnh hưởng đến bài học sau này.
Áp dụng bài học vào những tình huống thực tế (Nguồn: lamchame)
Giai đoạn 3: Luyện nghe nói với mức độ khó hơn
Sau giai đoạn luyện nghe và nói những mẫu câu quen thuộc và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống, ba mẹ nên cho bé luyện nghe những bài có độ khó hơn. Việc này giúp bé tăng sự hứng thú và nâng cao khả năng nghe nói của mình.
Có thể cho bé nghe những đoạn văn ngắn, rồi cho bé lặp lại và dịch những gì vừa nghe được. Đồng thời cho bé tập đặt các câu để giới thiệu bản thân hoặc gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó nên tạo môi trường để bé được luyện tập nghe và nói thường xuyên bằng cách cho bé nghe nhiều bài hát, câu chuyện tiếng Anh hoặc tham gia các trung tâm Anh ngữ.
Cho bé theo học tại các trung tâm tiếng Anh để có môi trường luyện nghe nói tốt (Nguồn: Dream Sky)
Mong rằng với bài viết về 3 giai đoạn quan trọng trên đây, sẽ giúp ba mẹ có thể tự tin luyện nghe tiếng Anh cho trẻ. Chúc ba mẹ và các bé có những giờ học tiếng Anh thật vui và hiệu quả.
Mai Trâm (Theo Học tiếng Anh)
Nguồn ảnh cover: GenVita