Bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, nếu ba mẹ bao bọc con quá kỹ sẽ khiến bé ỷ lại, khó thích nghi với môi trường xung quanh. Điều quan trọng là mỗi gia đình cần phải tìm ra phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp, trong đó có những kỹ năng cho trẻ mầm non để giúp trẻ học hỏi, rèn luyện từ nhỏ.
Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Cha mẹ Việt thường có thói quen “làm thay” cho con, từ việc cho con ăn, thay đồ, đánh răng cho con... Điều này khiến bé thiếu khả năng tự lập. Khi đi nhà trẻ, các giáo viên ít có thời gian chăm sóc cho từng bé, do đó trẻ dễ rơi vào lúng túng, rắc rối.
Trẻ em từ 2 tuổi trở đi đã bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh và đây cũng là giai đoạn quan trọng để cha mẹ rèn luyện các kỹ năng cho trẻ mầm non. Trẻ phải thành thục những kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi như: tự dọn dẹp đồ chơi, tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn…
Dạy bé tự chăm sóc bản thân từ sớm sẽ giúp trẻ rèn luyện tính độc lập (Nguồn: surfandsmiles)
Kỹ năng ứng xử
Kỹ năng giao tiếp ứng xử là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho bé để bé có thể tự tin, được yêu mến và hòa nhập với xã hội. Bé nên được học cách chào hỏi, kính trên nhường dưới, nên và không nên làm gì khi ở trong đám đông hoặc trong những tình huống cụ thể... Bạn cũng đừng quá gây áp lực mỗi khi bé quên hoặc phạm sai lầm. Vì khả năng nhận thức của trẻ còn hạn chế nên bố mẹ cần kiên nhẫn nhắc nhở.
Kỹ năng bơi lội
Đây là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho bé và cả người lớn. Luôn có những bất ngờ xảy ra và chúng ta không thể lường trước được. Nếu biết bơi, trẻ có thể sống sót khi xảy ra tai nạn dưới nước.
Nhiều người cho trẻ học bơi ngay từ khi bé lên 3 tuổi nhưng để đảm bảo an toàn, nên cho trẻ học bơi khi trẻ khỏe mạnh, có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ như kính bơi, phao, ống thở… và có sự giám sát của phụ huynh.
Biết bơi sẽ giúp hạn chế tai nạn đuối nước (Nguồn: aqua4balance)
Sắp xếp đồ đạc
Kỹ năng cho trẻ mầm non này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, gọn gàng ngay từ nhỏ, đây cũng là một phẩm chất tốt cần rèn luyện. Bố mẹ nên để đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng và quy ước tất cả mọi thành viên trong gia đình, bao gồm cả bé cũng phải đảm bảo mọi thứ được đặt đúng vị trí của nó. Với trẻ em, bạn nên nhắc nhở trẻ thực hiện những công việc như: sau khi chơi thì xếp đồ chơi lại, quần áo mặc xong phải để đúng vị trí, không vứt lung tung…
Quản lý thời gian
Nghe khá “to tát”, nhưng đây cũng là kỹ năng cho trẻ mầm non cần được rèn luyện từ bé. Sẽ hơi khó khăn để bé tự xây dựng thời gian biểu cho mình do vậy bố mẹ nên giúp bé trong hoạt động này. Hãy đưa ra những quy định về thời gian ăn, thời gian chơi, thời gian xem tivi, thời gian ngủ… để bé làm quen với việc sinh hoạt có nề nếp. Khi lớn lên, quản lý thời gian tốt sẽ là một kỹ năng mềm quan trọng giúp trẻ đạt được thành công trong cuộc sống.
Bé độc lập hơn khi biết cách quản lý thời gian (Nguồn: mauifamilymagazine)
Kỹ năng giúp đỡ và chia sẻ
Đây là một kỹ năng cần thiết cho bé, nếu một đứa trẻ không giúp đỡ và không chia sẻ với người khác, khi lớn lên sẽ rất cô đơn, khó hòa nhập. Dạy kỹ năng này cho bé rất đơn giản, bạn chỉ cần trở thành một tấm gương tốt, bởi trẻ em thường bắt chước hành động của người lớn.
Khi trẻ 4 tuổi, bố mẹ nên cho trẻ biết giúp đỡ người khác là một việc tốt và nên được thực hiện thường xuyên. Những công việc nhẹ mà bé có thể giúp được như bật quạt, bật tivi (vị trí thấp), lấy chén ăn cơm, xách phụ đồ đạc, tưới cây… Trong khi chơi với bạn bè hoặc anh chị em khác, nếu trẻ tranh giành đồ chơi thì hãy nhắc nhở và chia đều sao cho công bằng.
Trên đây là một số kỹ năng cho trẻ mầm non mà cha mẹ cần chú ý để hướng dẫn bé rèn luyện. Khi trẻ cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc do bắt chước người khác, ba mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa. Đó cũng là phương pháp nuôi dạy trẻ mầm non biết cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
Khuê Lâm (Tổng hợp)