Không phải vị lãnh tụ nào cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát (Nguồn: mystateline)
Các nhà lãnh đạo luôn là những con người bận rộn nhất vì họ phải gánh vác trên vai những vấn đề vĩ mô của cả một dân tộc. Bên cạnh đó, họ còn được xem như là người đại diện cho một quốc gia và nhất cử nhất động của họ đều đều báo chí hay người dân chú ý.
Ngày nay, khi mà các quốc gia đang đẩy mạnh hợp tác phát triển thì việc các nguyên thủ quốc gia gặp nhau cũng trở nên thường xuyên hơn. Trong các cuộc gặp gỡ mang tính quốc tế như vậy, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính thức được sử dụng.
Bạn có bao giờ tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo thế giới nói tiếng Anh thế nào chưa? Nếu chưa, thì hãy cùng Edu2Review đi tìm hiểu nhé!
Bạn muốn học tiếng Anh nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trung tâm ngoại ngữ tốt nhất Việt Nam!
Trước tiên, xin được phép khẳng định với bạn là không phải vị lãnh đạo nào cũng biết tiếng Anh. Mặc dù hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, tuy nhiên không phải ai cũng có thể dùng tiếng Anh, hoặc có những trường hợp không thích sử dụng tiếng Anh. Vậy nên trong các cuộc gặp gỡ cấp cao mới có sự xuất hiện của các phiên dịch viên để đảm bảo tính chính xác trong thông tin mà hai bên đang tiếp nhận.
Bên cạnh lý do là một số nhà lãnh đạo không nói tiếng Anh đủ tốt thì trên thực tế, vì một số lý do liên quan đến chính trị hay văn hóa mà một số nhà lãnh đạo khác lại lựa chọn sử dụng tiếng mẹ đẻ thay vì tiếng Anh. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi là một ví dụ như vậy.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (Nguồn: arabiabusiness)
Ở Ấn Độ, cả tiếng Anh và tiếng Hindi đều là ngôn ngữ chính thức và hầu như tất cả mọi người dân Ấn Độ đều có thể sử dụng cả 2 ngôn ngữ này khá tốt. Tuy nhiên, bạn có biết rằng hiện tại ở Ấn Độ số lượng phương ngữ đã lên đến con số 2500.
Kết quả điều tra dân số năm 1961 xác định không ít hơn 1.652 ngôn ngữ mẹ đẻ trong lục địa Ấn Độ. Dù vậy Chính phủ chỉ thông báo có 22 ngôn ngữ tại quốc gia này. Những con số trên cho thấy sự đa dạng tới mức khủng khiếp của ngôn ngữ Ấn Độ. Và bởi vì sự đa dạng này mà tiếng Anh được xem như ngôn ngữ liên kết giữa các ngôn ngữ khác nhau tại quốc gia Nam Á này.
Thế nhưng, không phải người dân Ấn Độ nào cũng thích việc tiếng Anh đang ngày càng trở nên phổ biến và có nguy cơ lấn ướt cả tiếng Hindi, vốn là tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Anh được du nhập vào đây trong thời kì thuộc địa và trở thành ngôn ngữ chính thức của Chính phủ, được dùng trong truyền thông, khoa học hay giáo dục.
Tiếng Anh mang đến cho người Ấn cơ hội phát triển kinh tế mà sự phát triển của ngành IT tại quốc gia này là một ví dụ. Ngày nay, ở Ấn Độ có sự phân hóa rõ rệt khi mà miền Bắc nói tiếng Hindi trong khi miền Nam lại nói tiếng Anh.
Đây được xem như dấu ấn chính trị mà các chế độ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử đã áp đặt lên trong quá trình cầm quyền. Các cuộc bạo động đã diễn ra rất nhiều ở quốc gia này khi giới cầm quyền cố gắng áp đặt tiếng Hindi thành ngôn ngữ chính thức và duy nhất tại đây.
Vì những lý do sâu xa liên quan tới chính trị và văn hóa như vậy nên có lẽ Thủ tướng Modi đã quyết định không dùng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong một cuộc phát biểu vào năm 2013 để chúc mừng việc Ấn Độ phóng thành công vệ tinh Polar, ông đã gây bất ngờ khi lần đầu tiếng nói nói tiếng Anh hết sức rành rẽ.
Một vị lãnh đạo khác cũng gây bất ngờ với khả năng tiếng Anh của mình là Tổng thống Pháp Francois Hollande. Theo một báo cáo năm 2015 thì Pháp được cho là quốc gia kém tiếng Anh nhất trong Khối Cộng đồng chung EU. Ngay cả vị Tổng thống nước này cũng từng phạm một sai lầm rất cơ bản khi gửi thư cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và ký tên "Friendly, Francois Hollande".
Thông thường, người ta sẽ dùng các từ như “Yours faithfully” hay “Sincerely” để kết thư chứ không dùng một từ vô nghĩa như “Friendly”. Tuy nhiên ông Hollande cũng đã nhiều lần sử dụng tiếng Anh và có thể thấy tiếng Anh của ông tốt hơn hẳn người tiền nhiệm Nicholas Sarkozy. Ông cũng từng nói rằng “một tổng thống Pháp phải nói tiếng Pháp”. Có lẽ lòng tự hào dân tộc đã phần nào khiến ông Hollande không quan tâm lắm đến việc cải thiện tiếng Anh của mình.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (Nguồn: exame)
Một vài lãnh tụ nổi tiếng thế giới khác cũng gây sốc không kém cho công chúng khi ít khi dùng tiếng Anh trong khi họ có thể sử dụng ngôn ngữ này một cách thuần thục.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có mẹ là một giáo viên dạy tiếng Anh và bản thân bà cũng sử dụng khá tốt ngôn ngữ này. Bên cạnh đó bà cũng có thể sử dụng tiếng Nga lưu loát. Tuy nhiên, bà Merkel lại ít khi dùng tiếng Anh trong các bài phát biểu của mình mà chủ yếu chỉ dùng tiếng Đức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được xem là một vị Tổng thống có khả năng ngoại ngữ rất tốt. Không những được biết đến như một chính trị gia cứng rắn mà ông Putin còn có nhiều tài lẻ như có thể chơi judo hay cưỡi ngựa. Khả năng ngoại ngữ của Putin cũng rất tốt khi ông có thể tự sử dụng tiếng Anh một cách thuần thục trong các cuộc trò chuyện không chính thức.
Trong các buổi đàm phán hoặc một cuộc họp chính thức, ông sẽ giao tiếp thông qua thông dịch viên. Tuy nhiên trình độ tiếng Anh của Tổng thống Nga tốt đến mức ông còn có thể sửa lỗi hay chỉnh sửa câu chữ giúp phiên dịch viên. Bên cạnh tiếng Anh, ông còn có thể dùng tiếng Đức rất trôi chảy.
Putin được khen ngợi là một vị lãnh đạo có tài (Nguồn: yle)
Nói một chút về các nhà lãnh đạo châu Á thì ngoài Tổng thống Ấn Độ Modi chúng ta đã đề cập ở trên, chúng tôi nghĩ rằng bạn cũng cần biết về một vị lãnh tụ rất tuyệt vời khác. Người mà chúng tôi đang nhắc tới chính là Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Với người dân Singapore, ông là một vị lãnh tụ vĩ đại khi biến một quốc gia nghèo tài nguyên như Singapore thành một trong những đất nước hàng đầu thế giới. Được hưởng nền giáo dục đúng chuẩn Anh quốc đã giúp cho ông có nền tảng tiếng Anh tốt và nói đúng chuẩn Anh.
Để đưa Singapore thoát khỏi hình ảnh một quốc gia thuyền chài nhỏ bé, ông đã áp dụng chính sách dạy học, làm việc song ngữ. Ông thậm chí còn yêu cầu cả một trường Đại học dạy bằng tiếng Trung phải chuyển sang dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Lý Quang Diệu được nhân dân Singapore xem như một người cha vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, người dân Singapore có thể sử dụng tiếng Anh thuần thục và được xem như một trong những quốc gia có nền tảng tiếng Anh tốt nhất châu Á.
Riêng bản thân vị Thủ tướng này, khả năng nói tiếng Anh của ông là một chuẩn mực đối với người dân đảo quốc sư tử. Khác với tiếng Anh “bồi” của đại đa số người dân Singapore, ông Lý Quang Diệu sử dụng thứ tiếng Anh chuẩn mà theo nhiều tờ báo đánh giá là đã giúp ông được nhận vào đại học Cambridge danh tiếng cũng như gặt hái được nhiều thành công trên con đường học vấn.
Ông luôn luôn sử dụng tiếng Anh trong các bài phát biểu của mình trước công chúng. Ông cũng luôn nhắc nhở người dân về Singapore về tầm quan trọng của việc duy trì vị thế của một quốc gia nói tiếng Anh tốt trong khu vực. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, ông đã nhấn mạnh “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.
Con trai của ông Quang Diệu, ông Lý Hiển Long đã kế nhiệm cha mình dẫn dắt Singapore. Ông bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ. Cũng như cha của mình, ông Hiển Long cũng tốt nghiệp đại học Cambridge và sau đó còn theo học đại học Harvard. Điều này đủ chứng minh khả năng tiếng Anh của ông là cực kì tốt.
Thậm chí vào năm 2016, ông còn gây bão cộng đồng mạng khi đăng ảnh cùng các vị nguyên thủ Đông Nam Á, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kèm caption viết đúng tên họ của Thủ tướng Việt Nam với đầy đủ dấu câu.
Lý Hiển Long không những tài giỏi mà còn là một vị lãnh đạo gần gũi với nhân dân (Nguồn: businesstimes)
Nói qua các vị lãnh đạo trên thế giới khá nhiều rồi, vậy bạn có thắc mắc về khả năng tiếng Anh của các các lãnh đạo nước ta không? Mặc dù không phải ai cũng có thể nói tiếng Anh tốt nhưng có một người chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
Người đó chính là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông đã từng đi du học tại Bỉ trong 6 năm và hiện là Tiến sĩ Kinh tế. Ông thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 2015 khi đoàn quay phim của chương trình Good Morning America đến hang Sơn Đoòng làm phóng sự, vị Phó Thủ tướng này đã khiến nhiều người phải bất ngờ vị khả năng nói tiếng Anh khá tốt của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (Nguồn: Youtube)
Tóm lại, chúng ta có thể thấy rằng không phải các vị nguyên thủ quốc gia không biết tiếng Anh mà chỉ là họ đang cẩn trọng trong phát ngôn của mình. Bởi lẽ, mỗi lời mà họ nói ra đều có những tác động lớn và họ đương nhiên không muốn ai hiểu lầm ý của mình. Dù họ có thể sử dụng tiếng Anh hay không thì họ vẫn xứng đáng nhận được tình cảm của tất cả mọi người.
Và Edu2Review xin phép được mượn câu nói của ông Lý Quang Diệu ở trên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tiếng Anh đối với mỗi bạn trẻ Việt. Hy vọng tấm gương những vị lãnh đạo ở trên sẽ trở thành động lực giúp bạn nâng cao tiếng Anh của mình nhé!
Khả Vy (tổng hợp)