Liệu chúng ta sẽ phải sử dụng "'ngôn ngữ mới"?
Sau gần 40 năm thí điểm, sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại lại đối mặt với những ý kiến trái chiều. Cách phát âm lạ, nhiều từ ngữ được cho là mang hàm nghĩa “xấu”, không phù hợp với trẻ 7 tuổi khiến không ít phụ huynh lo ngại.
Bên cạnh đó, cộng đồng mạng cũng “vào cuộc” với hàng loạt hình ảnh, đoạn phim mang tính giễu nhại về vấn đề trẻ học chữ qua các ký hiệu hình vuông, hình tam giác và hình tròn . Sự lan truyền chóng mặt của những thông tin chưa xác thực về phương pháp giáo dục “lệch lạc” càng dấy lên nhiều vấn đề đáng lo ngại trong xã hội.
“K” đọc là “cờ”: Hóa ra đây là nguyên tắc âm vị học
Theo tìm hiểu về bộ môn Âm vị học tiếng Việt, cách đọc gây tranh cãi dư luận này là cách đánh vần theo âm. Cụ thể, âm "cờ" sẽ thể hiện trên chữ viết là “k” khi đứng trước các âm “e”, “ê”, “i” và viết bằng chữ "q", âm đệm viết bằng chữ u.
Đây không phải là phương pháp đọc “tầm bậy” như nhiều người nhận định. Tuy nhiên, phần lớn người học từ lâu công nhận cách đánh vần theo chữ ghép, nên dễ dàng phân biệt “c” (cờ), “k” (ca) và “q” (quy). Vì vậy, cách đánh vần được sử dụng trong sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (cả “k”, “c”, “q” đều đọc là “cờ”) gây khó hiểu cho mọi người là điều không thể tránh khỏi.

Bảng phiên âm chữ cái tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại và PGS Bùi Hiền (Nguồn: Vietnammoi.vn )
Tròn, vuông, tam giác là cách học tiếng cho trẻ chưa quen mặt chữ
Thời gian gần đây, những video clip quay cảnh học sinh đọc vanh vách bài thơ từ những ký hiệu vuông, tròn, tam giác khiến nhiều người xôn xao và xem đây là phương pháp giáo dục “quái đản”. Một số phụ huynh còn "chất vấn" lý do con mình có thể đọc chữ từ hình vẽ gần như không có sự liên quan nào. Nhiều bé đã không trả lời được câu hỏi này.
Theo cô Phạm Duyên, giáo viên tiểu học, người biên soạn sách sẽ dùng những ký hiệu hình học để biểu thị số tiếng bé phát ra từ miệng. Lý giải điều này, vì mặt chữ còn xa lạ bé phải đếm tiếng thông qua những hình ảnh nhiều hình dáng và màu sắc để việc tiếp thu chữ với bé trở nên sinh động và hiệu quả. Vậy, việc cho rằng đây là “ngôn ngữ mới” liệu còn chính xác khi bản chất của nó chỉ làm cho cái cũ trở nên trực quan, sinh động?

Sự thật về cách dạy chữ bằng ký hiệu hình học (Nguồn: Tác giả Ân Võ)
Cư dân mạng cần khách quan hơn khi nhìn nhận vấn đề
Những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây không đến từ bộ sách hoàn toàn mới. Vậy đâu là lý do để bộ sách tồn tại từ 40 năm trước lại trở thành vấn đề được dư luận bàn tán sôi nổi nhất? Sự bùng nổ truyền thông trong những năm gần đây có thể là câu trả lời phù hợp cho câu hỏi này.
Với những điểm “bất thường” trong sách giáo khoa, các v – logger, hot teen… như “được mùa” với hàng loạt video clip về tiếng Việt cải cách thu hút lượng view khổng lồ từ cư dân mạng. Những đoạn hội thoại giao tiếp bằng ngôn ngữ “tròn, vuông, tam giác” mang lại không ít tiếng cười khi đề cập đến vấn đề thời sự theo một cách được xem là “duyên dáng” đến vậy.

Những bình luận tiêu cực về cách phát âm "khác lạ" (Nguồn: Tác giả Ân Võ)
Tuy nhiên, sự cười cợt và phê phán quá vội vàng có thể dẫn đến sự truyền bá thông tin sai lệch, khiến chúng ta dễ dàng bị đánh giá “trẻ trâu”, “thiếu kiến thức” bởi những người có chuyên môn. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ càng trước khi bàn luận về vấn đề nào đó sẽ là điều cần thiết để tránh đẩy sự việc đi quá xa và gây ra những hậu quả không đáng có.
Việc thay đổi những gì được xem là chuẩn mực không phải là điều dễ dàng. Với những thông tin trên đây, Edu2Review mong rằng các bạn sẽ đủ bình tĩnh, thấu đáo khi nhìn nhận vấn đề để không dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.
Cách Nguyễn tổng hợp