Các tân sinh viên có bỡ ngỡ trong môi trường học mới? (Nguồn: kenh14)
Những khái niệm như học phần, tín chỉ, lớp sinh hoạt... đã quá quen tai với các sinh viên đại học, nhưng vẫn còn là bí ẩn với các “freshman” mùa tuyển sinh Đại học Khoa học Tự nhiên 2018.
Vậy thì hãy để Edu2Review tiết lộ cho bạn ý nghĩa của những “mật mã” mà sinh viên đại học nào cũng biết nhé!
Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Học phần – tưởng lạ mà quen!
Nói nôm na, học phần của đại học giống như một môn ở bậc THPT. Tuy nhiên, khác với hồi cấp III, chỉ có một số môn nhất định được lặp đi lặp lại qua nhiều năm học (như Toán, Văn, Anh...), học phần là những môn riêng biệt nhau và mang tính “một đi không trở lại” (đã qua rồi thì không học nữa).
Với Đại học Khoa học Tự nhiên, điểm qua môn học phần là từ 5.0 trở lên. Nếu sinh viên có mức điểm thấp hơn thì gọi là nợ môn, phải học lại cho đến khi đạt yêu cầu.
Có hai loại: học phần bắt buộc (nội dung kiến thức quan trọng của chương trình học mà bắt buộc sinh viên phải tích lũy) và học phần tự chọn (nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường).
>> Xem thêm đánh giá của sinh viên về trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM
Giới thiệu về Đại học Khoa học Tự nhiên (Nguồn: YouTube)
Ngoài ra, theo quy định của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, còn có một số các học phần khác, gồm:
- Học phần chung: được giảng dạy cho tất cả các ngành theo quy định. Ví dụ: học phần Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục Thể chất, Lý luận Chính trị…
- Học phần thay thế: được sử dụng thay thế cho một học phần đã được thay đổi hoặc điều chỉnh, không còn tổ chức giảng dạy trong chương trình.
- Học phần tương đương: có nội dung kiến thức và thời lượng đáp ứng yêu cầu cơ bản của một học phần khác (học phần được tương đương).
- Học phần tiên quyết: sinh viên phải học và thi đạt học phần này mới được theo học phần nối tiếp.
- Học phần song hành: sinh viên đăng ký học phần này thì bắt buộc phải đăng ký học phần kia.
- Học phần tự chọn định hướng: sinh viên phải chọn theo đúng quy định của một ngành, chuyên ngành cụ thể.
Gắn liền với học phần là tín chỉ, một học phần gồm nhiều tín chỉ (cụ thể theo quy định của nhà trường). Một tín chỉ bằng với 15 tiết học lý thuyết (tiết học được tính bằng 50 phút), 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận, 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở, 45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
Học phần vs tín chỉ: bạn đã phân biệt được hay chưa? (Nguồn: vietteltphochiminh)
Lớp học phần vs lớp sinh hoạt: có gì khác nhau?
Do hình thức học theo tín chỉ nên khái niệm “lớp” cũng có sự khác biệt giữa đại học và cấp III. Đầu khóa, các bạn sẽ được chia vào những lớp khác nhau, với hình thức khá giống hồi phổ thông, gọi là lớp sinh hoạt. Lớp sinh hoạt sẽ do một giảng viên cố vấn phụ trách (với vai trò như giáo viên chủ nhiệm), nhằm mục đích tạo điều kiện cho sinh viên sinh hoạt đoàn thể.
Nhưng thực tế, lớp sinh hoạt chỉ đóng vai trò quản lý sinh viên, chứ các bạn sẽ không học chung với nhau liên tục. Tùy theo đăng ký học phần trong một học kỳ mà bạn sẽ thuộc nhiều lớp khác nhau, với mỗi môn là một lớp học phần. Hình thức học tập linh động như vậy sẽ tạo cơ hội làm quen với nhiều người bạn mới, được sự giảng dạy của nhiều giáo viên khác nhau.
>> Top 10 trường đại học có cơ hội việc làm cao nhất tại TP HCM
Mùa đăng ký tín chỉ: ai rồi cũng phải trải qua!
Trong môi trường đại học, lộ trình nhanh hay chậm, khối lượng các môn nhẹ nhàng hay mang tính “thử thách” đều là do các bạn tự lựa chọn, chứ không còn kiểu “trường đặt đâu thì ngồi đấy” như hồi phổ thông.
"Nỗi khổ" đăng ký tín chỉ mà sinh viên nào cũng một lần trải qua (Nguồn: YouTube)
Đầu mỗi học kỳ, các bạn phải theo dõi thông báo từ trường để nắm thông tin về các học phần sẽ mở và lịch đăng ký học phần qua hệ thống. Dựa vào đó, bạn sẽ tự lựa chọn các môn và sắp xếp lịch học (theo những quy định từ trường).
“Đến hẹn lại lên”, việc tiếp theo bạn cần làm là chờ đúng thời gian mở cổng đăng ký tín chỉ và “lao vào cuộc chiến”. Cụ thể, mỗi tài khoản sinh viên sẽ hiện ra các môn mà trường mở lớp trong học kỳ, bạn thực hiện theo đúng các bước chọn môn, chọn lớp và... cầu nguyện là mình đã đăng ký kịp lúc.
Do số lượng sinh viên rất lớn, nhu cầu cũng đa dạng nên việc giành lớp tương đối dữ dội. Nếu gặp phải lúc xui rủi hoặc tốc độ mạng chạy không kịp, bạn rất có thể vướng vào tình trạng “thất học” vì không đăng ký được. Tuy nhiên cũng đừng quá lo, còn có kỳ đăng ký bổ sung cơ mà!
Theo quy định của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, số tín chỉ đăng ký tối thiểu/tối đa cho mỗi học kỳ chính sẽ khác nhau tùy thuộc từng chương trình học, nhưng không ít hơn 14 (trừ học kỳ cuối cùng) và không vượt quá 25. Riêng học kỳ hè thì không vượt quá 12 tín chỉ.
Trong trường hợp đặc biệt mà bạn muốn đăng ký vượt quá số tín chỉ tối đa hoặc ít hơn số tín chỉ tối thiểu trong một học kỳ thì phải có đơn đề nghị và nhận được sự đồng ý từ khoa quản lý sinh viên.
Với những thông tin mà Edu2Review tiết lộ, hẳn là bạn đã hiểu hơn về môi trường đại học và sẽ không còn bỡ ngỡ khi nghe các từ đăng ký tín chỉ, lớp học phần, giảng viên cố vấn... Chuẩn bị hành trang trước khi bước vào “chiến trường” đại học sẽ giúp các tân sinh viên sẵn sàng “xung trận”, tự tin để học tốt hơn đấy!
Yến Nhi tổng hợp