Theo thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tuyển sinh đại học 2019 có hơn 653.000 thí sinh trên cả nước đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. Trong khi đó, dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường có tăng (gần 7,6% so với năm 2018) nhưng con số cũng chỉ nằm ở mức tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.
Chính sự chênh lệnh khá lớn này đã kéo tỉ lệ chọi trung bình là 1/5, có những trường chỉ số này lên đến 1/16! Tuy nhiên, những con số này có phản ánh chân thật sức ép mà các sĩ tử phải đối mặt?
* Bạn muốn tìm trường đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Việt Nam!
Tỉ lệ chọi của các khối ngành: Nơi đông đúc, chốn tiêu điều?
Theo thống kê của Bộ, khối ngành có tỉ lệ chọi cao nhất 1/7 là khối ngành VII (tổng hợp các ngành về khoa học xã hội và nhân văn). Tiếp theo là khối ngành liên quan đến kinh doanh, quản lý và pháp luật với tỉ lệ chọi là 1/6,5. Đứng vị trí thứ 3 là khối ngành sức khỏe với tỉ lệ chọi là 1/5,8.
Lý giải cho sức "hút" của những khối ngành này, Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ GD&ĐT giải thích: Trong khối ngành VII có các ngành về an ninh, quốc phòng, vốn chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỉ lệ chọi chung của khối ngành lên top đầu. Tương tự, khối ngành sức khỏe tuy tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 nguyện vọng) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352 chỉ tiêu) nên tỉ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu cũng rất cao.
Tỉ lệ chọi của các khối ngành: Nơi đông đúc, chốn tiêu điều? (Nguồn: thithptquocgia)
Các ngành thuộc khối khoa học cơ bản "ngậm ngùi" ở vị trí chót bảng với tỉ lệ chọi là 1/2,4. Theo VietnamWorks, đây cũng chính là nhóm ngành có cơ hội việc làm không cao và mức thu nhập kém hấp dẫn hơn những ngành còn lại. Bên cạnh đó, nhóm ngành này cũng rơi vào nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 của thí sinh đăng ký xét tuyển.
Từ số liệu đã công bố phần nào cho thấy, học ngành gì dễ xin việc và có thu nhập cao vẫn là ưu tiên hàng đầu trong xu hướng định hướng nghề nghiệp của đại đa số học sinh. Mặc những lời chào mời từ các đơn vị đào tạo, nhiều thí sinh vẫn thờ ơ với những ngành mới nhưng khan hiếm nhân lực.
Học ngành gì dễ xin việc và lương cao vẫn là ưu tiên hàng đầu trong xu hướng định hướng nghề nghiệp của học sinh (Nguồn: dantri)
Thực hư độ cao của tỉ lệ chọi?
Sĩ tử cần lưu ý rằng, bản chất của tỉ lệ chọi trong kỳ thi năm nay đơn thuần là chỉ số giữa nguyện vọng đăng ký và số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Vì vậy, trường có tỉ lệ chọi cao không tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng và chủ động sắp xếp chúng theo thứ tự giảm dần độ ưu tiên. Vì vậy, tỉ lệ chọi không phản ánh chân thật sức ép mà đáng lý ra thí sinh phải đối mặt theo lẽ thông thường. Hơn thế nữa, từ thực tế các kỳ thi trước, ta thấy rằng không phải cứ tỉ lệ chọi cao sẽ khó đỗ, cũng như không phải tỉ lệ chọi thấp thì dễ trúng tuyển. Và đừng quên rằng, bạn vẫn còn cơ hội thứ hai: điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.
Thực hư độ cao của tỉ lệ chọi? (Nguồn:vnexpress)
Vì vậy, các bạn không phải quá lo lắng khi mình "nhỡ" đăng ký vào một trường nào đó có tỉ lệ chọi quá cao hay quá thấp. Điều quan trọng là những nỗ lực và cố gắng của bạn trong suốt thời gian qua. Hãy bình tĩnh, tự tin và làm hết sức mình trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2019 sắp đến để chạm được đúng cánh cửa đại học mình mơ ước, bạn nhé! Chúc các bạn "vượt vũ môn" thành công!
Mai Trâm (Tổng hợp)