Theo phương án thi THPT Quốc gia chính thức từ Bộ Giáo dục & Đào tạo, kỳ thi năm 2018 sẽ được duy trì cách tổ chức như năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc các sĩ tử được đăng ký vào những trường xét tuyển với số lượng nguyện vọng không hạn chế, mang lại nhiều thuận lợi hơn trong việc lựa chọn trường học, ngành học.
Nhưng nó dẫn đến một thắc mắc không biết hỏi ai: nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng? Các chuyên gia khuyên gì về vấn đề này, cùng Edu2Review xem thử nào!
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
PGS.TS Trần Anh Tuấn – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục – Đào tạo, khuyến cáo thí sinh chỉ nên đăng ký sao cho phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và điều kiện gia đình, đừng chọn quá nhiều nguyện vọng. Vào năm 2017, có trường hợp đăng ký hơn 40 nguyện vọng, rất lãng phí.
“Tham” nguyện vọng gây tốn kém cho bản thân thí sinh, không có nhiều ý nghĩa trong việc xét tuyển, mà lại gây khó khăn cho hệ thống, có thể ảnh hưởng đến việc đăng ký của những thí sinh khác.
Ngoài ra, ông Tuấn còn chia sẻ: “Kinh nghiệm là mỗi thí sinh nên chọn một số nguyện vọng cao hơn mức điểm thi, một số ngang bằng điểm thi và một số nguyện vọng thấp hơn điểm thi".
Không nên “tham” nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển (Nguồn: utt)
>>Giải đáp nhanh thông tin hướng nghiệp 2020 tại đây<<
Nên lọc ra 3 nhóm trường
ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết thí sinh cần chọn ra ngành yêu thích nhất của mình để đăng ký xét tuyển. Nên lọc ra 3 nhóm trường, mỗi nhóm lại chọn 3 trường thì sẽ tăng cao cơ hội trúng tuyển vào ngành phù hợp.
Tuy nhiên, cần lưu ý là với một số ngành không có nhiều trường đào tạo (ví dụ như công nghệ sinh học, công nghệ môi trường...), thí sinh phải hết sức cân nhắc đặt nguyện vọng vào trường đại học phù hợp nhất.
Cần cân nhắc khi đặt nguyện vọng vào ngành “hiếm” như công nghệ sinh học (Nguồn: duhocthanhgiang)
Lưu ý đặt các nguyện vọng ưu tiên theo thứ tự
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho biết trước đây, khi thí sinh được đặt 4 nguyện vọng vào 1 trường thì có nhiều thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng.
Do vậy, dù năm nay không giới hạn nguyện vọng thì thí sinh chỉ nên tập trung chọn 2 - 4 nguyện vọng vào những ngành yêu thích. Đặc biệt, khi xét tuyển sẽ xếp theo thứ tự ưu tiên nên thí sinh phải hết sức lưu ý đặt các nguyện vọng theo đúng thứ tự 1, 2, 3, 4.
Với các tips của nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, hẳn là bạn đã có được sự lựa chọn số lượng nguyện vọng phù hợp cho bản thân rồi nhỉ? Chúc bạn “vượt vũ môn” thành công và đậu vào nguyện vọng mong muốn nhé!
* Thông tin bài viết được cập nhật vào tháng 1/2018.
Yến Nhi (Theo Tuổi trẻ và Người lao động)
Nguồn ảnh cover: phuongdong