Khối D là khối có nhiều sự lựa chọn cho ngành học và nghề nghiệp bởi độ đa dạng về lĩnh vực học tập. Ngoài ra, những kiến thức từ 3 môn Toán, Văn, Anh mang lại luôn là công cụ hữu ích để hoàn thành tốt các học phần hoặc hỗ trợ cho công việc tương lai của bạn. Cùng theo chân Edu2Review tìm hiểu khối D học ngành gì để phát huy hết những kiến thức thời phổ thông.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Ngành Marketing
Sự nở rộ của nhiều doanh nghiệp tạo nên thị trường kinh doanh sôi động với hàng loạt thương hiệu nổi bật. Việc tạo nên dấu ấn khác biệt và ưu thế vượt trội cho doanh nghiệp chính là nhiệm vụ mà phòng marketing phải đảm đương.
Theo Giáo sư Philip Kotler: "Marketing là quá trình tạo dựng các giá trị từ khách hàng và mối quan hệ thân thiết với khách hàng nhằm mục đích thu về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức từ những giá trị đã được tạo ra".
Nếu bạn đang tìm 1 nơi để bán "chất xám" thì các agency sẽ là lựa chọn không tồi (Nguồn: admybusiness)
Theo học khối ngành Marketing, tùy từng trường và giáo trình giảng dạy, chuyên ngành thông thường sẽ được chia làm 3 phân nhánh:
- Chuyên ngành Quản trị Marketing: Sinh viên được trang bị những kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; tìm kiếm thị trường mục tiêu, phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thi hành chiến lược marketing.
- Chuyên ngành Quản trị thương hiệu: Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về marketing, kiến thức chuyên môn về thương hiệu và quản trị thương hiệu; khả năng phân tích thông tin, lập kế hoạch và triển khai các chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu trong doanh nghiệp như hệ thống nhận diện thương hiệu, định vị thương hiệu...
- Chuyên ngành Quảng cáo: Chương trình đào tạo của chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức văn hóa hiện đại sâu rộng, những kiến thức chuyên sâu về hệ thống lĩnh vực truyền thông; tìm hiểu về cách thức quảng bá 1 mặt hàng sản phẩm và chiến thuật quảng cáo trực tuyến, tổ chức sự kiện.
Đối với marketer, kĩ năng đọc và phân tích dữ liệu nghiên cứu thị trường là rất quan trọng, đó là khi tư duy logic của Toán học lên tiếng. Ngoài ra, khả năng sử dụng câu từ để chinh phục khách hàng qua từng chiến dịch cũng không thể xem nhẹ, đó là lúc bạn sẽ thấy kĩ năng hành văn quan trọng tới mức nào.
Ngành Ngôn ngữ Anh
Ngôn ngữ Anh là tiếng mẹ đẻ của hơn 500 triệu người, ngôn ngữ thứ hai của hơn 1 tỉ dân cư, ngôn ngữ chính thức của hơn 50 quốc gia trên thế giới, không quá khó hiểu khi tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thống trị toàn cầu. Chính vì độ phủ sóng và đa dụng mà tiếng Anh mang lại đã khiến không ít bạn trẻ chọn Ngôn ngữ Anh là ngành học cho mình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ai cũng hiểu rõ ngành Ngôn ngữ Anh là gì.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được học những kiến thức chung và chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa và đất nước – con người không chỉ của quốc gia "sinh ra" tiếng Anh mà cả các quốc gia nói tiếng Anh. Bên cạnh đó, sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm hiệu quả.
Kiến thức từ môn Anh văn thời phổ thông sẽ được gìn giữ trọn vẹn nếu bạn là sinh viên của ngành Ngôn ngữ Anh (Nguồn: tuoitrethudo)
Khi bắt đầu học vào chuyên ngành, bạn sẽ được tiếp cận với 3 lĩnh vực khác nhau:
Tiếng Anh thương mại: Sinh viên được đào tạo kiến thức tiếng Anh chuyên sâu thuộc lĩnh vực kinh tế như thương mại, kinh doanh. Ngoài ra, các bạn còn được chú trọng đào tạo những kỹ năng như: kỹ năng truyền thông và giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, năng lực hợp tác, quản lý, thuyết phục, đàm phán...
Tiếng Anh biên phiên dịch: Người học sẽ được tích lũy kiến thức về ngôn ngữ Anh như văn phong, từ vựng, ngữ pháp, kiến thức về văn hóa, văn minh ở các nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh (Úc, Anh, Mỹ, Canada, Singapore...). Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các bạn còn được trau dổi các kỹ năng như: biên phiên dịch, thủ thuật dịch thuật, vốn ngữ pháp đặc thù, các thuật ngữ cơ bản về lĩnh vực chuyên ngành để diễn đạt thông tin chính xác và chi tiết với ngôn ngữ gốc.
Tiếng Anh sư phạm: Bên cạnh kiến thức về tiếng Anh như từ vựng, ngữ pháp phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, sinh viên còn được trang bị kiến thức về giáo dục, tâm lý giảng dạy ở các trường trung học, cao đẳng, đại học.
Ngành Kế toán
Chọn học ngành Kế toán, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở như nguyên lý kế toán, kế toán quản trị, kế toán chi phí, kiểm toán cho đến các kiến thức chuyên sâu của ngành như kế toán ngân hàng, kế toán tài chính, thuế, kế toán công ty chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối...
"Đêm dài lắm số" là chứng bệnh độc quyền của dân kế toán (Nguồn: brumunndal)
Kế toán là 1 ngành học cần thiết và thực tiễn, ứng dụng cao trong lĩnh vực kinh doanh. Các công việc mà 1 kế toán viên có thể thực hiện được:
- Làm báo cáo thuế theo quy định.
- Làm sổ sách, báo cáo tài chính theo thông tư và chuẩn mực mới nhất.
- Đọc báo cáo kế toán để có thể phân tích sơ bộ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
- Xác định được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên các chứng từ thực tế.
- Phân tích số liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản trị.
Vì phải làm việc cùng những con số ngày này qua tháng nọ, kể cả chương trình học đại học nhìn đâu cũng thấy số nên nếu học tốt Toán thời cấp 3, bạn sẽ đỡ vất vả hơn khi nhập ngành Kế toán.
Ngành Quản trị du lịch và lữ hành
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2018 đạt 15.497.791 lượt, bình quân tăng trưởng 14,97%/năm. Điều này đã mở ra thị trường việc làm vô cùng lớn cho sinh viên ngành Quản trị du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, chất lượng lao động trong ngành đang ở mức thấp do chỉ có 42% lao động du lịch được đào tạo về nghiệp vụ.
Muốn thành công trong lĩnh vực Quản trị du lịch và lữ hành, bạn cần phải có vốn hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội... bởi vì đây là những vấn đề mà bất cứ người đi du lịch nào cũng muốn biết.
Ngoài kiến thức chuyên môn, kĩ năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ cũng được đánh giá rất cao trong ngành. Vì là nghề phải đi xa thường xuyên nên bạn cũng cần đảm bảo về mặt sức khỏe cùng 1 đam mê khám phá bất tận để không bị hụt hơi trong quá trình làm việc.
Tuy nhu cầu nhân lực cho ngành Quản trị du lịch và lữ hành khá lớn, nhưng để có mức lương cao, đòi hỏi bạn phải thực sự đam mê công việc (Nguồn: caodangviendong)
Hy vọng sau khi đọc đến đây bạn sẽ cảm thấy trân quý những kiến thức đã học ở thời phổ thông. Những ngành mà bài viết tổng hợp được chỉ mang tính chất tham khảo, bởi chính bạn mới là người trực tiếp đưa ra câu trả lời cho tương lai của mình.
Anh Duy (Tổng hợp)