Là sinh viên, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình thường rơi vào tình trạng phải ăn mì tôm chống đói vào mỗi cuối tháng, trong khi cũng với số tiền đó lại có người dư dả trong việc sinh hoạt? Bí quyết nằm ở cách thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của mỗi người. Bằng việc hoạch địch cho mình một kế hoạch chi tiêu hợp lý, bạn không những hình thành được thói quen tốt, tránh rơi vào tình trạng nợ nần mà còn có thể tiết kiệm một khoản ngân sách dành cho các trường hợp khẩn cấp.
Nếu bạn chưa rõ nên làm như thế nào để hoàn thiện kế hoạch chi tiêu của mình, hãy cùng Edu2Review tìm hiểu các bước đơn giản nhưng hữu dụng sau đây nhé!
1. Tổng hợp nguồn thu nhập hàng tháng
Bạn cần biết mình có được bao nhiêu tiền trước khi đưa ra quyết định chi tiêu hàng tháng, tránh rơi vào tình trạng chi vượt mức thu. Đối với các bạn sinh viên, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ các khoản chu cấp của gia đình, tiền lương làm thêm part-time hoặc các hoạt động kinh doanh, như phát tờ rơi, nhân viên phục vụ nhà hàng, buôn bán hàng online…
2. Liệt kê các khoản chi tiêu của bản thân
Tùy vào nhu cầu cá nhân, bạn có thể lập danh sách chi tiết cho các khoản cần chi tiêu ngắn hạn, khoảng 1 tháng chẳng hạn. Sau đó, bạn hãy sắp xếp các khoản mục theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới. Nếu bạn nghiêm túc làm điều này một cách tỉ mỉ, các khoản phát sinh ngoài dự kiến sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Một số khoản chi mà bạn có thể tham khảo cho lần đầu thực hiện:
- Chi tiêu bắt buộc: tiền nhà, điện, nước sinh hoạt, chi phí di chuyển, học phí…
- Chi tiêu không bắt buộc: giải trí, tiền mừng, quà sinh nhật…
Bằng cách liệt kê tất cả những chi tiêu trong tháng, bạn sẽ nhận ra được các khoản cần thiết và không cần thiết. Nhờ vậy mà bạn có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của bản thân.
>> Xem thêm: "Kỹ năng kinh doanh – chìa khóa giúp bạn thành công!"
3. Ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu
Một trong những việc cần làm để kiểm soát tình hình tài chính cá nhân là ghi lại các khoản chi tiêu. Kỹ năng ghi chép hiệu quả sẽ cho bạn biết được rằng mình đã bỏ tiền vào những khoản nào, lãng phí nhất vào đâu. Từ đó, bạn có thể lên kế hoạch, điều chỉnh ngân sách chi tiêu sao cho phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.
Ngoài hình thức ghi chép truyền thống bằng sổ tay, hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại và nhanh chóng hơn. Một trong số đó là sử dụng phần mềm tính toán trên máy tính (như Excel) hoặc các ứng dụng quản lý tài chính của smartphone.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, các ứng dụng tài chính trên smartphone ngày càng hiện đại, mang đến không chỉ tính linh hoạt khi sử dụng mà còn hỗ trợ người dùng theo dõi và quản lý tiền bạc hiệu quả hơn. Các ứng dụng quản lý tài chính nổi tiếng có thể kể đến như Mint, Money Lover…
– ứng dụng quản lý tài chính được tạo ra bởi người Việt (Nguồn: Baomoi)4. Lập cho mình một khoản tiết kiệm
Đừng chỉ nói suông là tiết kiệm, đừng chỉ dè xẻn trong việc chi tiêu đến mức bị đánh giá là keo kiệt mà hãy tiết kiệm có kế hoạch bằng việc đặt ra các mục tiêu cụ thể. Ví dụ như, nêu ra lý do của hành động cắt giảm chi tiêu, khoảng thời gian thực hiện... Điều này sẽ giúp bạn tiến tới mục đích nhanh hơn, hạn chế sử dụng các khoản tiền một cách không kiểm soát.
Mặt khác, việc sở hữu các khoản tiết kiệm cũng giúp cho mỗi người có thể xoay xở được trong các tình huống khẩn cấp, như ốm đau, hư hỏng đồ đạc...
5. Lập bảng cân đối ngân sách
Từ những khoản thu, chi và tiết kiệm kể trên, hãy lập ra cho mình một bảng cân đối ngân sách. Việc này thực chất không quá khó khăn khi bạn đã hoàn thành những bước trước đó. Đây chỉ là chiếc bảng kê khai lại, tổng hợp những gì cần chi và thể hiện ngân sách của bạn là bao nhiêu.
Cũng như việc ghi chép các khoản chi tiêu, ngoài phương thức truyền thống là viết tay, bạn hoàn toàn có thể nhờ đến những phần mềm, ứng dụng hỗ trợ để tăng tính hiệu quả và sinh động cho bảng ngân sách của mình.
Một điều quan trọng khi lập bảng cân đối là phải đảm bảo số tiền chi ra luôn thấp hơn thu vào. Duy trì nguyên tắc này sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát và quản lý được tài chính cá nhân, ngoài ra còn có thể tích lũy cho việc kinh doanh và đầu tư trong tương lai.
Trên đây là các bước đơn giản nhất trong việc hình thành những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân mà mỗi người cần làm, không chỉ riêng sinh viên. Bạn hãy lên kế hoạch và bắt đầu thực hiện từ những bước nhỏ nhất ngay hôm nay nhé!
Anh Thư (Tổng hợp)