Trở thành một nhà quản lý không đơn thuần chỉ là một cái đích để hướng đến, trên hết, đó còn là kết quả của quá trình trau dồi tích cực về bản thân. Nếu bạn có mong muốn hướng đến một vị trí cao hơn trong thời gian tới, dưới đây là 5 kỹ năng của người quản lý quan trọng mà bạn cần chuẩn bị ngay tại thời điểm này.
Kỹ năng lập kế hoạch và tư duy chiến lược
“Một giờ lập kế hoạch sẽ tiết kiệm được mười giờ làm việc” - Dale Carnegie. Đây chính là điểm đầu tiên tạo nên sự khác biệt giữa một người nhân viên và một nhà quản lý. Khi còn là một nhân viên, bạn chỉ thường cố gắng hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên khi đã trở thành một nhà quản lý, bạn cần phải tổ chức hiệu quả các công việc và giao cho từng cá nhân thực hiện.
Để làm được điều này, bạn cần phải nắm rõ mục tiêu cần đạt được của doanh nghiệp, của phòng ban, đội nhóm. Sau đó, dựa trên những nguồn lực có sẵn về con người và ngân sách, bạn sẽ vạch định ra một mục tiêu dành cho mỗi cá nhân, kèm theo đó là một kế hoạch hành động cụ thể. Kế hoạch hành động này trên thực tế sẽ liên tục thay đổi do rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng nếu bạn đã có một tư duy chiến lược rõ ràng, bạn sẽ luôn có được cho mình những kế hoạch dự phòng và những sự nhạy cảm cần thiết để ứng biến với sự thay đổi này.
Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình
Khi trở thành một nhà quản lý, bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với những buổi tiếp xúc với đám đông hoặc làm việc với các đối tác cấp cao. Thử tưởng tượng xem họ sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn thấy một nhà quản lý lắp bắp, không thể nói năng rõ ràng hay phát biểu lên ý kiến của bản thân? Rõ ràng, giao tiếp và thuyết trình tốt là một kỹ năng của người quản lý quan trọng bạn cần rèn dũa ngay từ bây giờ.
Kỹ năng giao tiếp tốt giúp công việc thuận lợi hơn (Nguồn: economictimes)
Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình sẽ giúp nhà quản lý có được sự tự tin cần thiết, thể hiện tác phong chuyên nghiệp và nâng cao tính thuyết phục trong các buổi đàm phán hoặc thuyết trình đề án. Bạn có thể tốn rất nhiều thời gian và tâm sức để làm nên một bản kế hoạch hoàn hảo, nhưng nếu bạn không thể diễn giải nó một cách mạch lạc, bạn sẽ rất dễ đánh mất niềm tin của ban giám đốc hay khách hàng trước sự thành công của bản đề án này.
Lời nói đôi khi là con dao hai lưỡi. Có sử dụng được nó để tạo nên lợi thế hay không phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện trong kỹ năng giao tiếp, thuyết trình của bạn.
Kỹ năng quản lý thời gian
Khi còn là một nhân viên, quản lý thời gian có thể chưa phải là vấn đề quá cấp thiết với bạn. Tuy nhiên khi trở thành một nhà quản lý, vấn đề quản lý thời gian sẽ cực kỳ quan trọng bởi nó không còn là vấn đề cá nhân của riêng bạn. Công việc nhiều trong khi thời gian là hữu hạn, và bạn phải biết phân bổ công việc đến những người liên quan một cách phù hợp. Nếu không có phương pháp quản lý thời gian khoa học thì nhà quản lý sẽ rất dễ bị quá tải, hiệu suất công việc kém.
Để giải quyết bài toán này, bạn cần lên thời gian biểu làm việc phù hợp. Hãy cố gắng đơn giản hóa những tác vụ tiêu tốn nhiều thời gian như: Sắp xếp, tổ chức và phân công công việc, cập nhật báo cáo công việc hàng ngày, kiểm tra tiến độ dự án, đánh giá kết quả công việc... Những tác vụ này đều có thể được xử lý dễ dàng, khoa học, hiệu quả bằng các phần mềm quản lý công việc và dự án.
Quản lý thời gian tốt giúp giải quyết công việc hiệu quả (Nguồn: corporatefinanceinstitute)
Kỹ năng ra quyết định
Ra quyết định là một phần công việc quan trọng của nhà quản lý. Một quyết định đúng đắn của nhà quản lý có thể dẫn đến sự thành công của cả một tập thể, trong khi một quyết định sai lầm có thể dẫn đến sự thất bại hoặc tổn hại nghiêm trọng. Nếu muốn thành công thì bạn phải học cách trở thành “người phán xử”, phải biết chịu trách nhiệm cho những quyết định mà mình đưa ra.
Rèn luyện cho mình kỹ năng ra quyết định cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đồng thời nâng cao rất nhiều các kỹ năng như khả năng phân tích dữ liệu, xử lý và phán đoán tình huống, tư duy phản biện... Bằng việc hoàn thiện những kỹ năng của người quản lý này, bạn sẽ hạn chế được tối đa những quyết định sai lầm, có đủ sự tự tin và một tâm lý vững vàng trong công việc.
Kỹ năng truyền cảm hứng
Đây là kỹ năng sẽ giúp định hình phong cách lãnh đạo của nhà quản lý. Nếu bạn lựa chọn trở thành một người nghiêm khắc, một nhà lãnh đạo độc tài, có lẽ bạn sẽ cảm thấy kỹ năng này không thực sự cần thiết. Tuy nhiên nếu bạn mong muốn trở thành một hình mẫu lý tưởng, trở thành một nhà quản lý biết quan tâm và luôn đồng hành cùng những người cộng sự của mình, thì truyền cảm hứng là một kỹ năng của người quản lý mà bạn không nên bỏ qua.
Gắn kết tập thể thông qua kỹ năng truyền cảm hứng (Nguồn: reviewob)
Bên cạnh việc tạo thêm động lực cho nhân viên, truyền cảm hứng còn giúp nhà quản lý xây dựng được văn hóa của đội nhóm, tạo được sự tôn trọng và tin tưởng hơn vào mục tiêu của các thành viên. Nếu muốn có được sự ủng hộ của nhiều người, cách tốt nhất là bạn nên học tập kỹ năng truyền cảm hứng của nhà quản lý.
Kỹ năng chuyên môn có thể là những gì bạn đã biết, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Để trở nên thành công trên con đường sự nghiệp, bạn cần phải học hỏi những kỹ năng của nhà quản lý từ sớm. Những kỹ năng mềm đó sẽ giúp bạn phát triển kinh nghiệm và góp phần lớn vào thành công trong tương lai.
Khuê Lâm (Tổng hợp)