Doanh nghiệp cần nhân sự nhưng nhiều ứng viên lại không tìm được việc làm. Có thể kiến thức chuyên môn của bạn không thiếu nhưng trong nhiều trường hợp chính kỹ năng khi đi xin việc mới quyết định bạn có gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng hay không? Edu2Review xin gợi ý đến bạn các kỹ năng sau, hi vọng bạn có thể tự tin “xin đâu trúng đó” bạn nhé!
Kỹ năng giới thiệu bản thân
Nghe có vẻ đơn giản đúng không, nhưng trên thực tế lại không nhiều người giỏi kỹ năng khi đi xin việc này. Đa số chúng ta sẽ trả lời ngay về tên tuổi, quê quán, tốt nghiệp trường nào, đã làm ở đâu. Tuy nhiên, đó không phải là câu trả lời nhà tuyển muốn nghe bởi những thông tin đó bạn đã đề cập trong CV. Đây là một câu hỏi quen thuộc, được dùng nhiều trong các cuộc phỏng vấn, mục đích của câu hỏi này là kiểm tra sự linh hoạt và sáng tạo ở từng ứng viên. Vì thế, nếu chỉ trả lời một cách chung chung, bạn không thể gây ấn tượng hơn so với các ứng viên khác.
Hãy giới thiệu bản thân một cách ngắn gọn và tập trung vào khả năng của bản thân (Nguồn: focusnewspaper)
Thay vì liệt kê tràng giang đại hải về các thông tin vốn đã có trong CV hay khoe khoang về sự tận tâm, cố gắng và lòng trung thành của mình, bạn nên tập trung nhấn mạnh khả năng của mình. Những kỹ năng chuyên môn nào mà bạn thành thạo, kỹ năng mềm bạn đã rèn luyện qua những kinh nghiệm của bản thân. Và lưu ý, những khả năng đó tất nhiên phải phù hợp với vị trí công việc hiện tại. Xung quanh sở trường, kinh nghiệm của mình, bạn hãy đưa ra những phân tích cho nhà tuyển dụng thấy bạn hoàn toàn có thể đảm nhận tốt vị trí mà họ đang tìm kiếm.
Kỹ năng nhận thức giá trị bản thân
Điều gì giúp bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác?
Nhiều ứng viên lúng túng với câu hỏi này, thậm chí có người chỉ biết lảm nhảm nói những điều vô nghĩa. Khi đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng đang muốn kiểm tra mức độ tin cậy và sự tự tin của bạn. Vì thế, thay vì liệt kê tất cả những việc đã làm, bạn nên tập trung phân tích, chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã tận tụy với công việc và đạt được thành tích như thế nào. Lúc này, những bằng chứng về thành tích trong công việc của bạn sẽ có sức thuyết phục hơn bất cứ điều gì.
Nếu có thể, hãy chuẩn bị sẵn tài liệu bằng văn bản hoặc hình ảnh thể hiện những sản phẩm bạn đã thực hiện, những thành tích mà bạn đạt được từ khi bước chân vào con đường sự nghiệp. Bạn cũng có thể dùng máy tính cá nhân để truy cập những đường link chứa các sản phẩm của bạn.
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự khác biệt giữa bạn với những ứng viên khác (Nguồn: twitter)
Đối với một số ngành nghề đặc thù như designer thì họ thường tổng hợp các sản phẩm thành portfolio, hay như những nhà thiết kế web thì có thể truy cập các đường link website mà họ đã từng thiết kế chẳng hạn. Những ví dụ cụ thể sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn thấy tiềm năng của bạn thông qua bề dày thành tích, kinh nghiệm mà bạn tích lũy được.
Kỹ năng đặt câu hỏi
Trong buổi phỏng vấn xin việc, bạn đừng trở nên thụ động trả lời những câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra. Một kỹ năng mềm khi đi xin việc mà không nhiều người quan tâm đó là biết cách đặt câu hỏi ngược lại với nhà tuyển dụng. Tất nhiên, những câu hỏi bạn đưa ra không phải là những câu hỏi mang tính thách thức, đánh đố mà nó phải thể hiện được sự quan tâm thực sự tới công việc tương lai, thể hiện được kết quả của quá trình tìm hiểu doanh nghiệp của bạn và đây rõ ràng là một kỹ năng khi đi xin việc quan trọng.
Việc đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng khiến buổi phỏng vấn bớt căng thẳng, giống như một buổi nói chuyện và trao đổi thông tinh chứ không phải là một bài kiểm tra áp lực. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ hài lòng khi biết mức độ quan tâm của bạn đối với công việc trong tương lai thông qua các câu hỏi từ ứng viên.
Đặt câu hỏi một cách thông minh sẽ giúp bạn được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn (Nguồn: 123rf)
Kỹ năng kiểm soát ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể nói lên rất nhiều điều về bạn, có thể những hành động nhỏ nhưng lại là cơ sở để nhà tuyển dụng “đọc vị” ứng viên và đưa ra quyết định tuyển dụng. Do đó, bạn nên học cách kiểm soát ngôn ngữ cơ thể như là một kỹ năng khi đi xin việc.
Với nhiều nhà tuyển dụng, việc bạn liếc nhìn vào đồng hồ hoặc điện thoại di động trong buổi phỏng vấn là biểu hiện của sự mất tập trung, thiếu tôn trọng. Vì thế, bạn nên chỉnh điện thoại ở chế độ yên lặng và cất trong túi để không bị phân tâm.
Giao tiếp bằng mắt chưa bao giờ mất đi tầm quan trọng trong mọi tình huống giao tiếp, đặc biệt là khi phỏng vấn tuyển dụng. Bạn nên tập học cách nhìn thẳng vào người đối diện trong quá trình giao tiếp. Điều này cho thấy bạn đã chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo và rất tự tin khi tham gia phỏng vấn.
Kỹ năng xây dựng và duy trì mối quan hệ
Một trong những câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng là “Tại sao bạn nghỉ việc ở chỗ làm cũ?”. Trong trường hợp đó, đừng bao giờ trả lời bằng cách “nói xấu” sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ, việc bạn “lên án” nơi làm việc cũ là một hành động sai lầm. Nhà tuyển dụng sẽ kết luận rằng, hôm nay bạn có thể nói những điều tiêu cực về cơ quan cũ thì ngày mai nếu rời khỏi công ty của họ, bạn cũng sẽ có thể làm điều tương tự. Do đó, để trả lời tốt câu hỏi này, bạn hãy chỉ nói về sự không phù hợp của bạn với chỗ làm cũ và về sự mong mỏi được dấn thân vào một thử thách mới, một trải nghiệm mới.
(Nguồn: tomato)
Việc bạn tự tin để số điện thoại hay địa chỉ liên lạc của những người có thể chứng minh cho công việc cũ mà bạn đã làm sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Họ sẽ tin tưởng bạn hơn khi thấy những thông tin này. Vì chỉ khi bạn vẫn giữ được mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp cũ hay có thành tích ấn tượng và không có điều gì giấu diếm thì mới có thể tự tin đưa ra những thông tin như vậy.
5 kỹ năng khi đi xin việc trên đây không phải là tất cả những yếu tố giúp bạn thành công nhưng trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng, chúng sẽ đặc biệt hữu ích và giúp bạn trở thành một ứng viên sáng giá. Hãy thử áp dụng 5 kỹ năng này trong cuộc phỏng vấn sắp tới và đón chờ kết quả tốt đẹp nhé. Chúc bạn thành công!
Khuê Lâm (Tổng hợp)