Đừng để xứ sở lá Phong trở thành nỗi ám ảnh vì thiếu kinh nghiệm sống
Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều tồn tại những quy định/luật lệ và lưu ý riêng. Nhập gia tùy tục, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, vốn kiến thức và bản lĩnh cá nhân sẵn có, sinh viên quốc tế muốn du học Canada nên trang bị thêm nhiều kinh nghiệm và thông tin quan trọng (được chia sẻ bởi những anh/chị đi trước) để không gặp những tình huống bỡ ngỡ/rắc rối khó giải quyết nơi đất khách quê người.
Sở hữu nền giáo dục hàng đầu được thế giới công nhận, chẳng có gì lạ khi Canada trở thành nơi "tụ hội" của các du học sinh thuộc các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Việt Nam. Nếu bạn đặt mục tiêu sắp tới là du học/định cư tại đây, hãy tham khảo ngay những kinh nghiệm du học Canada quý báu mà Edu2Review đã tổng hợp lại từ những chia sẻ của các cựu du học sinh.
Thực Phẩm
Chính phủ Canada kiểm soát chặt chẽ vấn đề thực phẩm được đưa vào trong nước dưới mọi hình thức. Đặc biệt, khi nhập cảnh, bạn cần chú ý hạn chế/loại bỏ các loại thực phẩm từ thịt, ngay cả đồ khô, đồ hộp như các loại xúc xích, bò khô, lạp xưởng, mì tôm có vị thịt…
Loại bỏ các thực phẩm có vị/thành phần từ thịt khi nhập cảnh (Nguồn: Unsplash)
Nếu trong hành lý của bạn có các loại thực phẩm này, nhưng bạn không khai báo với nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (Cargo Bay Stowage Assembly Cationic – CBSA) tại cửa khẩu, khi bị phát hiện bạn có thể sẽ phải đối mặt với:
-
Hình thức phạt tài chính từ 800 – 1,300 CAD tiền mặt (Giảm 50% nếu bạn trả ngay tại chỗ)
-
Bị lưu trong hồ sơ passport trên máy tính là đã từng vi phạm (mang đồ trái phép). Sau đó, bạn sẽ bị "soi" vali kĩ hơn và có thể tốn thêm 2-3 tiếng cho lần sau.
-
Nhẹ thì bạn phải tiêu hủy tất cả. Nặng thì sẽ bị giam giữ và bị từ chối nhập cảnh, trục xuất vào hôm sau. Thậm chí, bạn có thể bị buộc tội.
Passport
Passport là một cuốn sổ quan trọng chứng minh nhân thân của bạn. Có lẽ vì vậy, mà có nhiều du học sinh mới sang Canada thường mang passport đi khắp nơi. Việc này dẫn đến 1 việc hết sức phiền phức là passport sẽ dễ bị mất hoặc hư hỏng. Bạn có thể sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí để làm lại.
Bạn hoàn toàn có thể xin Photo ID để mang theo trong ví, vừa tiện lợi, vừa an toàn. Hiểu đơn giản thì tấm thẻ này giống như giấy tờ tùy thân của bạn, thay thế passport. Để làm thẻ này, bạn sẽ cần phải mang theo passport, study permit, địa chỉ nhà và số điện thoại để xác minh lý lịch bản thân. Người ta sẽ chụp hình bạn trực tiếp tại chỗ, nên bạn hãy chăm chút bản thân trước khi đi làm thẻ này.
Passport, giấy tờ quan trọng bạn nên cất kỹ (Nguồn: Abay)
Thông thường, chi phí làm thẻ sẽ tốn khoảng 35 CAD (trả dưới mọi hình thức), thời hạn khoảng 2 năm, bạn sẽ nhận được thẻ qua đường bưu điện sau 2 – 4 tuần làm thủ tục. Khi thẻ sắp hết hạn, sẽ có một bức thư thông báo qua đường bưu điện/email, lúc này bạn chỉ cần mang theo bức thư, kèm theo 35 CAD và Photo ID cũ để đăng ký làm lại.
Ngoài ra, nếu thông tin của thẻ được pháp luật thừa nhận, bạn có thể dùng thẻ để làm credit card tại ngân hàng.
Lưu ý: Nếu bạn có bằng lái xe G1, việc này đồng nghĩa là bạn đã có 1 chiếc Photo ID "dắt túi", bạn có thể bỏ qua mục này.
Giấy phép du học (Study Permit – SP)
Đã từng có trường hợp du học sinh bị trục xuất vì thời gian trên Giấy phép du học hết hạn. Để tránh trường hợp này, bạn hãy cố gắng ghi nhớ tình trạng hồ sơ của mình, đặc biệt là ngày hết hạn trên Giấy phép du học. Bạn cần gia hạn ít nhất trước 30 ngày so với ngày hết hạn. Nếu bạn quên, bạn vẫn có cách để được tiếp tục học thay vì bị đình chỉ, nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian và "chuốc" lấy phiền phức.
Làm thêm off-campus
Nếu bạn không được chính thức nhận và học toàn phần (full-time) tại một cơ sở giáo dục được công nhận tại Canada, tuyệt đối không đi làm thêm off-campus nếu không được phép. Mặc dù, ưu điểm của việc du học Canada là du học sinh được phép làm thêm ngoài giờ học với thời lượng (không cần phải làm thủ tục xin Off-campus Work Permit), nhưng điều đó không phải áp dụng cho tất cả.
Không làm thêm khi không được phép và không làm quá thời gian cho phép (Nguồn: Unsplash)
Bên cạnh đó, Canada cũng đang có rất nhiều ngành thiếu nhân lực, nên bạn sẽ không quá khó khăn để tìm cho mình một việc làm thêm phù hợp. Nếu bạn đang theo học các chương trình tiếng Anh, bạn có thể tham gia làm thêm theo hình thức on-campus.
20 giờ/1 tuần
Một trong những quy định cực kỳ quan trọng với du học sinh đó là thời lượng làm thêm off-campus không vượt quá 20 giờ/1 tuần. Nếu bạn được trả lương bằng cheque hãy chắc chắn rằng tổng số giờ làm trong 1 tuần bằng hoặc bé hơn 20, để tránh các rắc rối về mặt thủ tục khi xin làm hồ sơ định cư sau này. Bên cạnh đó, nếu bạn quá tập trung vào công việc thì kết quả học tập cũng sẽ giảm.
Chủ động thanh toán vé tàu điện, xe bus
Hầu hết các phương tiện giao thông công cộng của các thành phố tại Canada đều có hệ thống soát vé tự động. Vì vậy, việc thanh toán các loại vé xe sẽ phụ thuộc vào sự tự giác của người sử dụng. Cũng chính vì điều này, mà nhiều du học sinh "quên" không mua vé hay thẻ tháng.
Chủ động thanh toán tiền vé khi sử dụng phương tiện công cộng (Nguồn: Unsplash)
Trong khi đó, tại các hệ thống giao thông công cộng luôn có gắn camera hoặc có đội kiểm soát vé túc trực, họ sẽ thực hiện kiểm tra vé đột xuất sau khi bạn đã "chui" và yên vị trên xe. Lúc này, bạn sẽ phải đóng phạt một số tiền không hề nhỏ và đã bị ghi hình lại toàn bộ quá trình hành động.
Cẩn thận với Torrent
Luật bản quyền của Canada rất nghiêm minh. Nên nếu bạn sử dụng Torrent để tải phim/games thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những hành động này sẽ bị cấm hoàn toàn tại nơi công cộng, như trường học, thư viện...
Tắt chế độ chạy ngầm phền mềm Torrent trên máy để tránh vi phạm luật nhà trường (Nguồn: Fossbytes)
Bạn sẽ nhận 1 email cảnh cáo từ quản trị mạng của nhà trường nếu thực hiện hành vi này tại bất cứ nơi đâu trong khuôn viên trường. Nếu vẫn tiếp tục, có thể bạn sẽ bị đánh giá xấu và "được mời uống cà phê". Vì vậy, hãy hết sức cẩn trọng, bởi vì có nhiều trường hợp Torrent tự hoạt động ngay khi máy tính của bạn kết nối mạng. Sẽ chẳng có gì tốt lành nếu điều này diễn ra tại nơi công cộng.
Ngưng quay cóp và đạo văn
Trước khi các môn học bắt đầu, tất cả sinh viên sẽ có 1 buổi orientation (định hướng) của khoa và được dặn dò cực kỳ cẩn thận các điều lệ cần lưu ý. Hành vi chép bài (cheating) và đạo văn (plagiarism) sẽ cực kỳ tối kỵ và sẽ chịu hình thức kỷ luật không nhân nhượng (zero-tolerance) tại các trường học của Canada. Bạn có thể sẽ bị cho liệt môn, đình chỉ hoặc thậm chí đuổi học vĩnh viễn.
Tư duy sáng tạo tích cực, không gian lận trong quá trình học tại Canada (Nguồn: shu.lu)
Nếu bạn không muốn học bạ của mình bị cho vào sổ đen bởi các hành vi vi phạm kỷ luật cũng như chấm dứt con đường học tập, bạn cần nghe và đọc kỹ tất cả hướng dẫn của giáo viên trong những ngày đầu tiên "nhập môn".
Số Social Insurance Number (SIN)
Thuật ngữ số SIN có thể sẽ khá lạ với những bạn chưa đến Canada, nhưng lại rất quen thuộc với các du học sinh đăng ký đi làm off-campus. Nói cách khác, có thể coi số SIN là mã số bảo hiểm xã hội của bạn. Số SIN chứa các thông tin quan trọng về cá nhân bạn, đặc biệt là về tài chính (để quản lý thuế).
Số SIN cần được giữ kín và không chia sẻ khi không cần thiết (Nguồn: Wikipedia)
Vì vậy, hãy giữ kỹ và chỉ đưa số SIN cho người chủ lao động hoặc cơ quan thuế khi được yêu cầu để tránh kẻ gian sử dụng thông tin của bạn nhằm thực hiện các hoạt động trái pháp luật.
Vali – chỉ đề những món đồ cần thiết
Đừng cố nhét mọi thứ, từ tủ quần áo, sách vở đến đồ dùng trong bếp, vào chiếc vali nhỏ bé "tội nghiệp" của bạn! Bởi sớm thôi, bạn sẽ nhận ra rằng trang phục mang từ nhà đến Canada đã không còn phù hợp, đặc biệt là các loại áo khoác, áo lạnh mùa đông. Mặt khác, các loại đồ ăn, gia vị đều có ở chợ người Việt, Hoa, thậm chí là siêu thị với giá cả chấp nhận được.
Mang quá nhiều đồ sẽ chỉ khiến bạn phải tốn kém chi phí hành lý, mang vác cồng kềnh. Lời khuyên dành cho bạn là, chỉ nên chọn dưới 10 bộ quần áo, 2 áo ấm, 2 khăn choàng, 1 đôi dép ấm đi trong nhà và 1 số đồ cá nhân. Riêng giày, bạn có thể sang Canada để mua (để tránh "trượt" băng tại xứ sở nền tuyết này). Đồ ăn thì bạn nên mang theo một vài gói mì ăn tạm khi chưa ổn định chỗ ở.
Chỉ để vào Vali những vật dụng cần thiết (Nguồn: Unsplash)
Là một tân sinh viên quốc tế, bạn có thể sẽ gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn trong thời gian sắp tới – dù đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến. Tuy nhiên, Edu2Review tin rằng bạn cũng sẽ sớm có những trải nghiệm thú vị và một khoảng thời gian học tập, nghiên cứu tuyệt vời tại Canada.
Chỉ cần bạn luôn chủ động tham gia các hoạt động/sự kiện trong trường, tích cực nói chuyện và xây dựng các mối quan hệ, rèn luyện không ngừng để nâng cao kiến thức thì bạn sẽ sớm thành công. Nếu cần sự hỗ trợ về mặt thông tin, bạn hãy đọc thêm các bài viết trên Edu2Review nhé. Đừng ngại chia sẻ bài viết này đến bạn bè nếu bạn thấy hữu ích.
Hồng Yến (Tổng hợp)
1 CAD = 17,980.70 VNĐ (số liệu ngày 16/10/2018).
1 USD = 23,342.95 VNĐ (số liệu ngày 16/10/2018).