Phỏng vấn là nghệ thuật giúp nhà tuyển dụng phát hiện ra ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng chiêu mộ được nhân tài phù hợp. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng buổi phỏng vấn và đạt được kết quả như ý?
Nếu muốn biết câu trả lời cho những thắc mắc trên, bạn nên nắm rõ 3 điểm lưu ý mà Edu2Review tổng hợp sau đây nhé!
1. Chuẩn bị trước buổi phỏng vấn
Trước khi thông báo tuyển dụng về một vị trí trống nào đó trong công ty, bạn nên nghiên cứu, tìm hiểu để lên danh sách thống kê những kỹ năng, kiến thức, phẩm chất mà ứng viên cần có. Đồng thời, bạn cũng cần hiểu các nhiệm vụ, mục tiêu của các công việc nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá hợp lý. Để đem lại hiệu quả cao nếu phỏng vấn cùng với người khác, bạn nên trao đổi và thống nhất với mọi người về hình mẫu ứng viên lý tưởng.
Nghiên cứu và phân tích CV(Curriculum Vitae) của ứng viên là bước quan trọng trước khi phỏng vấn. Qua đó, bạn sẽ biết được đôi chút thông tin và có thể hình dung ra được phần nào về ứng viên của mình. Bên cạnh đó, các thông tin như tiểu sử sơ lược (profile) trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter…) có thể sẽ giúp bạn biết thêm tích cách, sở thích, những điều thú vị về con người thật của ứng viên mà buổi đầu phỏng vấn có thể bạn sẽ không nhìn thấy được.
Nên xem xét kỹ CV của ứng viên
Bạn có thể tham khảo cấu trúc các phần của một buổi phỏng vấn thường có:
- Giới thiệu
- Đặt câu hỏi
- Tổng kết
- Một bài kiểm tra nhỏ (trong trường hợp cần kiểm tra thêm năng lực ứng viên)
Xây dựng hệ thống đánh giá ứng viên để tìm đúng người
Khi đi xin việc, đa số mọi người thường có tâm lý lo sợ, căng thẳng. Vì thế, bạn nên tạo ra bầu không khí thoải mái, tự nhiên để các ứng viên có thể tự tin hơn trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn.
2. Trở thành người chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn
Dựa vào các tiêu chí đã xây dựng, bạn nên để cho ứng viên thể hiện tài năng qua cách trả lời đối với các câu hỏi phỏng vấn thường gặp trước.
- Câu hỏi chung giúp bạn hiểu rõ hơn các thông tin trong CV và ứng viên:
- Hãy giới thiệu về bản thân của bạn?
- Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?
- Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
- Vì sao bạn lại muốn ứng tuyển vị trí này?
Tuy nhiên, bạn nên tránh hỏi những câu có thể xâm phạm đời tư cá nhân quá nhiều, điều này sẽ gây khó chịu cho một số ứng viên.
- Câu hỏi hành vi: Đây là dạng câu hỏi giúp bạn hình dung được những việc làm trong quá khứ và nguyên nhân vì sao các ứng viên lại làm như vậy. Đồng thời, bạn còn có thể dễ dàng kiểm chứng tính xác thực của câu trả lời.
- Hãy kể cho chúng tôi biết một sự cố bạn đã gặp phải và cách giải quyết của bạn?
- Hãy kể lại một vấn đề bạn đã vận dụng thành công sự sáng tạo của mình?
Sau đó, bạn có thể đặt một số câu hỏi tình huống giả định, chẳng hạn như: “Bạn sẽ làm gì khi chung nhóm với người mà mình không thích?”.
- Câu hỏi gây áp lực: Mục đích của loại câu hỏi này là dồn ứng viên vào trạng thái căng thẳng và xem phản ứng của họ. Bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
- Bạn chưa từng có kinh nghiệm về lĩnh vực này, vậy lý do gì chúng tôi phải chọn bạn?
- Tại sao bạn không tiếp tục làm việc ở công ty cũ mà lại muốn vào công ty chúng tôi?
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt một vài câu hỏi mẹo để đánh giá được tính cách, khả năng sáng tạo, xử lý tình huống của ứng viên, câu hỏi có thể là: "Khi nào 1 + 2 = 2?".
Mặc dù, những câu hỏi này không khai thác được kinh nghiệm hay kỹ năng của ứng viên nhưng lại tạo được sự hài hước và không khí thoải mái cho buổi phỏng vấn.
Đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về các ứng cử viên
Trong buổi phỏng vấn, bạn là người khai thác thông tin, không phải là nhân vật chính tham gia vào câu chuyện. Do đó, bạn nên dành thời gian để lắng nghe. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo rằng mình dẫn dắt cuộc trò chuyện đi đúng hướng và không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng nào.
Việc ghi chú một cách cẩn thận sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt. Nếu ngày hôm đó bạn chỉ phỏng vấn 1, 2 người thì bạn có thể nhớ được. Tuy nhiên, nếu số lượng ứng cử viên từ 5 người trở lên, bạn thực sự sẽ gặp khó khăn về vấn đề xử lý, tồi tệ hơn nữa là bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn thông tin và tuyển dụng sai người.
Cũng như bạn, ứng viên sẽ quan sát các tín hiệu ngầm từ phía công ty để xem môi trường và con người nơi làm việc có phù hợp với mình hay không. Chính vì thế, bạn hãy tạo ấn tượng mình là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Luôn phỏng vấn đúng giờ, ăn mặc nghiêm chỉnh, tác phong, lời nói và cử chỉ chuẩn mực.
Chú ý tác phong, lời nói và các cử chỉ phi ngôn ngữ của mình khi phỏng vấn
Để có một cái nhìn khách quan, chân thật nhất, giảm thiểu nguy cơ chọn ứng viên theo cảm tính, bạn nên phỏng vấn chung với một vài người trong công ty. Gia tăng số người phỏng vấn sẽ làm cho tiêu chuẩn tuyển dụng được nâng cao.
3. Sau buổi phỏng vấn
Khi buổi phỏng vấn kết thúc, bạn nên đối chiếu, so sánh từng ứng viên với hệ thống đánh giá đã xác định từ trước. Điều này sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về điểm mạnh, điểm yếu của từng người.
Sau khi đã chọn lựa được những ứng cử viên sáng giá, bạn nên thảo luận với các đồng nghiệp đã phỏng vấn cùng mình để thống nhất danh sách chung.
Cân nhắc thật kỹ để tìm đúng người
Cuối cùng, bạn phải liên hệ với các “đồng nghiệp tương lai” của mình sớm nhất để biết được liệu họ có đồng ý "về chung nhà" với mình không. Nên tránh trường hợp để các ứng viên chờ đợi quá lâu và phải nộp CV cho công ty khác. Đồng thời, bạn cũng nên thông báo sơ lược về một số quy định công ty và những thứ cần chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm, để họ bắt đầu công việc một cách thuận lợi.
Liên hệ với người trúng tuyển càng sớm càng tốt
Công ty là một tập hợp gồm nhiều cá thể. Mỗi người giữ một vai trò khác nhau và góp phần làm nên thành công chung. Chính vì thế, quá trình tuyển dụng tìm người phù hợp để "lấp" các vị trí trống là rất quan trọng. Mong rằng với các nguyên tắc mà Edu2Review đã cung cấp, bạn sẽ biết cách nâng cao kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng, từ đó dễ dàng phát hiện được những người đồng đội tiềm năng của mình.
Hồng Hạnh (Tổng hợp)
Nguồn ảnh: Canva