Bạn học quản trị kinh doanh là theo xu hướng của xã hội, bị bố mẹ ép buộc hay đây thực sự là ngành học mà bạn yêu thích? Bạn đã hiểu hết về ngành quản trị kinh doanh chưa? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành quản trị kinh doanh cũng như là sẽ có những lựa chọn phù hợp cho mình.
Quản trị kinh doanh là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về quản trị kinh doanh nhưng chúng ta hãy hiểu đơn giản: Quản trị kinh doanh là việc thực hiện các hành vi quản trị trong quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của một hoặc một số doanh nghiệp trong một ngành nào đó.
Người thực hiện hoạt động quản trị kinh doanh hay gọi là nhà quản trị của một doanh nghiệp là người thực hiện hoặc quản lý các hoạt động kinh doanh và ra quyết định, tổ chức có hiệu quả nguồn nhân lực và các nguồn lực khác, chỉ đạo mọi hoạt động hướng tới mục tiêu chung của tổ chức.
Xây dựng kế hoạch kinh doanh cùng đồng đội (Nguồn: iStock)
Quản trị kinh doanh là ngành học đào tạo các nhà quản trị cho tương lai, do đó các bạn sẽ có được kiến thức rất rộng. Bạn sẽ biết được những kiến thức cơ bản và nguyên tắc hoạt động của các phòng ban trong công ty, từ đó đưa ra những quyết định để phát triển một cách đúng đắn.
Và cũng do kiến thức rất rộng nên bạn không thể nghiên cứu chuyên sâu bất cứ phòng ban nào. Đó cũng là lý do vì sao các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành này thường có nhận xét chung là khó kiếm việc làm.
Quản trị kinh doanh là học những gì?
Khi đến trường, ngoài những môn lý luận chính trị bắt buộc phải học thì bạn sẽ được học những gì cơ bản nhất, tổng quan nhất như môn: quản trị học, kinh tế vi mô - vĩ mô, marketing căn bản, nguyên lý kế toán, kinh tế lượng…
Bạn sẽ được học về rất nhiều lĩnh vực trong ngành này (Nguồn: LinkedIn)
Sau khi bạn có kiến thức cơ bản nhất về kinh tế, bạn sẽ bắt đầu được học những môn chuyên sâu hơn như Quản trị doanh nghiệp, Quản trị marketing, Quản trị tài chính, Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh, Quản trị rủi ro, Quản trị dự án, Thị trường chứng khoán, Thống kê kinh doanh, Nghệ thuật lãnh đạo,…
Bạn phải tìm ra những môn nào mình thật sự thích và có hứng thú tìm hiểu nó. Bởi khi học, bạn chỉ học cái nền tảng, còn những kiến thức chuyên sâu thì không. Nếu không chịu tự học và tìm hiểu ở ngoài, bạn sẽ không thể làm được những công việc chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó.
Quản trị kinh doanh ra trường sẽ làm gì?
Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh với những kiến thức tích lũy tại trường, bạn có thể thử thách ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trước khi làm ở bất cứ lĩnh vực nào, bạn cũng phải tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu của ngành đó bởi bạn chỉ mới có kiến thức cơ bản.
Trường PACE - Ngôi trường dành cho nhà quản trị (Nguồn: Trường Doanh nhân PACE)
Hiện nay, có rất nhiều khóa học ngắn hạn mở ra dành cho những người chưa có kiến thức chuyên môn nhưng muốn học hoặc làm việc tại ngành đó. Hoặc bạn cũng có thể đọc tài liệu trên mạng internet, đây là kho kiến thức vô tận nhưng bạn phải có khả năng chọn lọc khi tìm hiểu theo cách này.
Một số lĩnh vực trong khối ngành kinh tế
- Lĩnh vực tài chính: Bạn sẽ phải tính được khả năng sinh lợi của dự án và đưa ra quyết định trong việc đầu tư; nhìn được hướng đi của dòng tiền trong tương lai và khả năng phân tích thị trường. Bạn có thể làm việc ở các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng hoặc phòng tài chính kế toán của công ty.
Bạn sẽ là người đưa ra những kế hoạch cho công ty bạn (Nguồn: William Johnson Marketing)
- Ngân hàng: Trong lĩnh vực này, thường thì bạn sẽ làm việc ở bộ phận giao dịch viên và tín dụng. Giao dịch viên là những nhân viên ngồi ở quầy giao dịch. Đối với vị trí này thì bạn sẽ được đào tạo lại khi vào làm việc nên ngoài sinh viên ngân hàng thì mọi sinh viên ở khối ngành kinh tế đều có thể làm được.
- Tín dụng: Tương tự như giao dịch viên, đây là công việc yêu cầu kỹ năng giao tiếp cao.
- Kế toán, kiểm toán: Vì bạn chỉ mới học được kiến thức cơ bản về kế toán, trong khi công việc chính của ngành này là làm việc trên sổ sách, số liệu và báo cáo nên thường thì nếu ai muốn làm trong ngành này đều học qua một lớp kế toán ngắn hạn hoặc chỉ làm khi công ty yêu cầu. Không những vậy, do tính chất của công việc nên các bạn muốn làm trong ngành này phải có tính cẩn thận và kiên nhẫn.
Bạn sẽ lập kế hoạch Marketing cho công ty (Nguồn: LinkedIn)
- Marketing: Trong marketing có 2 phân ngành đó là Agency và Client. Đối với Client bạn có thể làm việc ở 3 bộ phận chính là Brand Management, Trade Marketing và Research. Đối với Agency thì có 8 loại thông dụng là Advertising (IMC), PR, Event/Activation, Digital, Production, Research, Media, Media Publisher.
- Nhân sự: Những công việc chính của một nhân sự là hoạch định và tuyển dụng nhân viên, bố trí sử dụng nhân sự, đào tạo và phát triển nhân viên, đánh giá nhân viên, tạo động lực cho nhân viên và nhiều công việc khác.
Bạn có phải là một nhà quản trị được mọi nhân viên yên mến? (Nguồn: Trường Doanh nhân PACE)
Ngành này đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo trong cách sử dụng và quản trị nhân sự để vừa phát huy được khả năng của nhân viên và tính đoàn kết của các nhân viên.
Và rất nhiều công việc bạn có thể làm ở các lĩnh vực khác nếu bạn thực sự muốn làm.
Cơ hội phát triển
Bạn sẽ có cơ hội thăng tiến trở thành Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính tại các tập đoàn, công ty hay bạn sẽ tự thành lập và điều hành công ty riêng.
Sinh viên Quản trị kinh doanh có năng động không?
Nói về độ năng động thì sinh viên kinh tế có thừa nhé. Mỗi ngày, sau khi cắp sách đến trường, các bạn lại trở về “ngôi nhà thứ 2 của mình” chính là nơi các hoạt động đội nhóm diễn ra. Tại ngôi nhà thứ 2, các bạn sẽ được thể hiện khả năng của mình qua các hoạt động tình nguyện, mùa hè xanh, và tổ chức các cuộc thi từ vui chơi đến học tập.
Là dân kinh tế thì hỏi có năng động không không phải quá thừa sao? (Nguồn: Đại học Công Nghiệp TPHCM)
Tham gia các hoạt động của trường đội không những bạn được tự tin thể hiện khả năng của mình, mà tại đây bạn còn được học các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch và cả kỹ năng giải quyết vấn đề nữa nhé.
Khi gia nhập vào một nhóm nào đó, bạn sẽ quen được rất nhiều bạn bè mới từ mọi miền đất nước, được hiểu thêm về văn hóa đặc trưng của nhiều vùng miền và đặc biệt, các món ăn đặc trưng của mỗi vùng miền thì ngon tuyệt mà bạn có thể “ăn ké” của nó.
Bạn phải là người dám làm những điều mà người khác chỉ dám nghĩ (Nguồn: CWS Technology)
Cuối cùng, hai yếu tố cần và đủ là nỗ lực và bản lĩnh. Nếu đã quyết định học quản trị thì bạn phải dám suy nghĩ những điều mà người khác không dám nghĩ và làm những điều mà người khác chưa dám làm. Và đôi khi, bạn cần một chút liều lĩnh cho những quyết định.
*Bạn muốn học nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Đọc đánh giá trên Edu2Review mỗi ngày để tìm nơi học tốt nhất.
Mỹ Linh tổng hợp
Edu2Review – Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam