Với mỗi kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, bạn cần có những bí quyết làm bài cũng như lưu ý khác nhau. Cùng Edu2Review tìm hiểu cụ thể nhé.
1. Listening
- Sử dụng ví dụ ở đầu phần một để làm quen với hệ thống âm thanh, tình huống và giọng của người nói trong bài.
- Nghe trọn vẹn bài và chỉ tập trung vào câu hỏi liên quan đến phần đang nghe, không nên để ý sang các câu khác.
- Nên tận dụng những đoạn tạm dừng giữa các phần nghe để chuẩn bị cho các câu hỏi trong phần tiếp theo.
- Hãy trả lời các câu hỏi trong bài nghe theo thứ tự xuất hiện trong đề. Thông thường, các thông tin được cung cấp hầu như sẽ theo cùng thứ tự các câu hỏi.
- Cuối bài sẽ có thời gian để bạn viết câu trả lời, chú ý kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp để tránh mất điểm oan.
Bạn nên nghe trọn bài và chỉ tập trung vào câu hỏi liên quan
2. Speaking
- Luôn nói chuyện trực tiếp và hướng mắt về giám thị.
- Đừng cố trả lời theo các câu hay bài được chuẩn bị sẵn, hoặc nói về chủ đề không liên quan đến chủ đề được hỏi.
- Khi đưa ra các câu trả lời “Yes”, “No”, nhớ thêm chi tiết bổ sung cho câu trả lời đó. Với mỗi câu nên giải thích cho ít nhất 1 vấn đề.
- Thi IELTS, nhớ rằng bạn không phải đang kiểm tra về kiến thức thông thường mà đang được kiểm tra về khả năng giao tiếp. Vì thế hãy trả lời hết sức tự nhiên và đừng ngại khi nói bạn không biết.
- Hãy sắp xếp và kết nối các ý, câu một cách hợp lý khi nói. Quan trọng không kém là nói rõ ràng, tốc độ vừa đủ và đa dạng hóa các cấu trúc câu, từ vựng sử dụng.
Trả lời tự nhiên và hướng mắt về phía người hỏi nhé
3. Reading
- Ban đầu nên đọc lướt qua 1 lượt các đoạn trong bài để xác định chủ đề, văn phong, mục đích và đối tượng mà người viết hướng đến.
- Đừng cố dịch chính xác từng từ vì thời gian rất hạn chế, và phần lớn nội dung bài đọc cũng không nằm trong yêu cầu của câu hỏi.
- Các câu hỏi phần Reading đôi khi sẽ có câu trả lời mẫu. Nếu gặp trường hợp này, hãy nghiên cứu và quyết định xem vì sao nó lại đúng.
- Đáp án cho câu hỏi có thể có trong bài, cũng có khi cần hiểu theo cách của riêng bạn. Hãy đọc kỹ nội dung câu hỏi khi làm bài.
- Lưu ý quan trọng là giới hạn về số từ cho câu trả lời khi làm bài, chẳng hạn bạn không được dùng quá 3 từ cho 1 đáp án.
Bạn nhớ đọc lướt qua 1 lượt để nắm rõ chủ đề, nội dung trước khi làm bài
4. Writing
- Bạn phải luôn giữ cho chủ đề trong các đoạn bài viết được nhất quán, không nên chuẩn bị sẵn các bài viết từ trước.
- Chú ý thời gian làm bài cho mỗi phần viết. Thông thường, tổng điểm cho phần Task 2 sẽ cao hơn so với Task 1.
- Sắp xếp và kết nối các ý một cách hợp lý, sử dụng các từ, cấu trúc câu đa dạng để thể hiện khả năng linh hoạt của bạn (trong Task 2) khi bày tỏ quan điểm.
- Đảm bảo số lượng từ tối thiểu ở Task 1 là 150 và Task 2 là 250.
- Nhớ chừa một khoảng thời gian dư để kiểm tra và hoàn thiện tác phẩm của mình.
Lưu ý quan trọng cho phần thi viết là đảm bảo số lượng từ tối thiểu cho từng Task và nhớ kiểm tra lại bài đã làm nhé
* Mỗi một lựa chọn sai lầm, lấy đi nhiều thứ của bạn. Vào Edu2Review mỗi ngày và cập nhật thông tin về các tổ chức giáo dục để có quyết định đúng.
Kim Thư tổng hợp
Edu2Review - Cộng đồng đánh giá giáo dục hàng đầu Việt Nam