Tốc độ phát triển chóng mặt qua từng ngày của xã hội hiện nay đòi hỏi mỗi người không thể ngừng cải thiện bản thân toàn diện hơn. Đôi khi, có lẽ cũng chính vì việc phải luôn học hỏi và thay đổi để thích ứng với sự đổi mới xung quanh mà mang đến cho bạn không ít mệt mỏi. Đó là lý do tại sao kỹ năng sống lại cần thiết đến như vậy.
Nắm trong tay một vài kỹ năng sống hữu ích, từ đó thiết lập cho bản thân một số nguyên tắc riêng hay thói quen tốt có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi với nhiều thay đổi bất ngờ trong cuộc sống hơn. Edu2Review mong muốn các kỹ năng sống dưới đây tuy không quá mới mẻ nhưng sẽ giúp ích để cuộc đời bạn có thể trọn vẹn “sống” chứ không chỉ là “tồn tại”.
Tôn trọng bản thân. Tôn trọng người khác
Mỗi người luôn có cho riêng mình một mục đích sống khác nhau. Tôn trọng chính mình là tự nhìn nhận ra được giá trị của bản thân, từ nhiều góc nhìn khác nhau của cuộc sống. Từ đó, bạn có thể rút ra được câu trả lời bạn là ai và giá trị của bạn như thế nào.
Bạn có muốn người khác tôn trọng mình không? Hãy tôn trọng những người xung quanh để nhận lại sự tôn trọng. Đừng chê bai hay than trách về mọi người, hãy để họ được là chính họ, như cách bạn muốn được là chính mình.
Trong cuộc sống này, cũng như sự quan tâm, sự tôn trọng lẫn nhau là rất cần thiết (Nguồn: YouTube – Truyen Hinh Vinh Long)
Tư duy phản biện
Tư duy phản biện chính là dùng lập luận để phân tích ý tưởng, đào sâu vấn đề một cách rõ ràng, logic, đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn nên học cách nhìn nhận sự việc một cách toàn diện, cố gắng tìm ra những mặt mà người khác không nhìn thấy được. Những người có thói quen đưa ra ý kiến phản biện thường có các bằng chứng khách quan và thuyết phục người khác.
Tổng quan về tư duy phản biện (Nguồn: YouTube – Draw Your Brain)
Người rèn luyện tư duy phản biện sẽ gặp không ít khó khăn. Một nền tảng kiến thức dồi dào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực liên quan sẽ rất hữu ích để bạn có thể nhận thấy nhiều câu hỏi tiềm ẩn đằng sau bề nổi của vấn đề. Ngoài ra, học cách tự tạo thắc mắc cũng là một cách để cải thiện khả năng tư duy phản biện. Đưa ra các giả thiết liên quan cũng thúc đẩy sự cải tiến và sáng tạo.
Kiểm soát cảm xúc
Kiểm soát cảm xúc không có nghĩa là bạn phải tìm mọi cách để khống chế hay kìm hãm hoàn toàn cảm xúc của bản thân. Thay vào đó, bạn cần tìm cách để làm chủ cảm xúc theo chiều hướng tích cực. Bạn nên đặt mình vào nhiều tình huống giả thiết, sau đó tìm ra giải pháp để cân bằng giữa cái lạnh của lý trí và cái nóng của xúc cảm.
Kiểm soát cảm xúc chính là chìa khoá để mở cánh cửa thành công (Nguồn: YouTube – Draw Your Brain)
Trong cuộc sống đầy những lo toan, ai cũng có rất nhiều những cảm xúc khác nhau từ vô vàn tác động của cuộc sống. Những cảm xúc tích cực thường mang đến nhiều năng lượng, trong khi sự khó chịu và buồn phiền lại làm giảm năng suất làm việc.
Vì vậy, việc của kiểm soát chính là đừng để quá nhiều cảm xúc tiêu cực bên ngoài tác động đến công việc, đặc biệt là khi làm việc nhóm. Nếu bạn không thể cân bằng cảm xúc và công việc, hãy đưa cảm xúc về điểm “không” và giải quyết vấn đề cảm xúc sau khi hoàn thành những công việc quan trọng khác.
Có rất nhiều cách để có thể kiểm soát bản thân. Đơn giản nhất chính là thả lòng người, hít thở sâu, thay đổi tư thế thoải mái hơn. Bạn cũng có thể điều khiển cảm xúc bằng cách sử dụng ngôn từ. Ngưng than vãn và thay vào đó hãy sử dụng nhiều từ ngữ mang tính khích lệ, động viên tinh thần.
Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tạo ra sự liên kết về cảm xúc giữa bạn và đối phương trong một cuộc giao tiếp. Hành động này giúp bạn chia sẻ, cảm thông với người khác. Đây còn là biện pháp hạn chế cũng như là cách giải quyết xung đột hiệu quả. Tóm lại, lắng nghe chính là một trong những bước đệm tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, tạo nên thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
Vậy làm sao để lắng nghe tích cực? Đầu tiên, bạn hãy chú ý người đang nói và vấn đề đang được bàn luận, tránh bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài. Đồng thời, hãy cho mọi người thấy bạn đang lắng nghe bằng những cử chỉ nhẹ nhàng, như gật đầu hay mỉm cười.
Bạn có phải người biết lắng nghe? (Nguồn: YouTube – Dang HNN)
Khi người nói kết thúc phần trình bày của mình, bạn cần đưa ra phản hồi bằng những nhận xét, đánh giá hoặc đưa ra các câu hỏi liên quan. Hãy ghi nhớ và dành những thắc mắc của mình sau khi người nói dừng lại bởi vì cắt ngang là một hành động gây thất vọng cho người nói. Trong suốt cuộc giao tiếp, bạn cần tinh ý để phản ứng một cách thích hợp và tôn trọng mọi người xung quanh.
Học cách từ bỏ
Hầu hết mọi người được dạy cần kiên trì với mục tiêu mà mình đã chọn, chăm chỉ và nỗ lực sẽ mang lại giá trị lớn lao. Thế nhưng, nhiều khi sự nỗ lực và hy sinh chỉ mang lại kết quả không như mong đợi. Thay vì đau khổ và kiệt quệ, bạn nên học cách từ bỏ. Bởi, những người thông minh hiểu rằng, cố chấp theo đuổi hành trình không hạnh phúc sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.
Đừng bao giờ vì sự ích kỷ, hay vì nuối tiếc mà không dám từ bỏ một điều gì đó. Hãy tìm kiếm những gì thích hợp với bạn hơn để cố gắng, nỗ lực và nhận về kết quả như ý. Từ bỏ và lên kế hoạch cho một mục tiêu khả quan hơn sẽ giúp định hướng tương lai tươi sáng hơn, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
Cuộc sống luôn mang đến cho mỗi người rất nhiều những bất ngờ và thú vị. Vậy tại sao bạn không thử "gom góp" cho mình một hành trang kỹ năng sống thật hữu dụng để có thể vừa thích nghi với xã hội vừa có thể kiên định với khát vọng sống của mình?
Ngọc Trâm (Tống hợp)