Để giao tiếp tốt, bạn cần thời gian tập luyện (Nguồn: IELTS Planet)
Không phải tự nhiên mà ông bà ta dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Khả năng ăn nói, hay nói đúng hơn là giao tiếp, chính là chìa khóa giúp bạn kết nối với mọi người xung quanh. Mặc dù vậy, không phải ai sinh ra cũng có khiếu ăn nói. Việc kết bạn, làm quen và trò chuyện đôi khi lại trở thành "gánh nặng" của nhiều người.
Edu2Review sẽ bật mí cho bạn những bài tập kỹ năng giao tiếp để bạn dễ dàng áp dụng trong cuộc sống. Hãy cùng xem đó là những nào tập nào nhé.
1. Làm quen với người lạ
Đối với những người không giỏi giao tiếp thì việc làm quen với người lạ là một vấn đề lớn. Chỉ riêng việc trò chuyện bình thường với những người quen cũng đã là một áp lực không nhỏ cho họ, đừng nói đến việc trò chuyện với một người họ chưa từng gặp mặt. Tuy nhiên, để cải thiện kỹ năng giao tiếp thì làm quen với người lạ là một thử thách bạn nhất định phải vượt qua.
Để tránh bị ảnh hưởng tâm lý, bạn hãy lưu ý rằng, trong giai đoạn đầu luyện tập kỹ năng giao tiếp thì việc phạm sai lầm là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bị lỡ lời hay nói vấp ở đâu đó thì cũng không sao cả. Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn có thể “soạn thảo” sẵn những câu hỏi, những chủ đề để trò chuyện để tránh tình trạng hết ý khi đang trò chuyện.
Bạn có thể bắt đầu với những câu xã giao thông thường, như hỏi về tên tuổi, quê quán để nắm rõ những thông tin cơ bản. Sau đó, bạn có thể thử một vài câu hỏi về các chủ đề khác, như thể thao, văn hóa, âm nhạc để xem họ có điểm chung nào với mình hay không.
Đừng lo lắng khi phải bắt chuyện với người lạ (Nguồn: Bustle)
Bài tập này yêu cầu bạn thường xuyên tiếp xúc với mọi người và nói chuyện với họ về những lĩnh vực, chủ đề khác nhau. Bạn phải làm chủ được câu chuyện và bắt được nhịp của cuộc nói chuyện đó. Nếu bạn thấy mình vẫn còn nhiều khuyết điểm sau các cuộc trò chuyện như vậy, thay vì nản chí, thì hãy cố gắng trau dồi, học hỏi thêm.
Nếu thực hiện tốt bài tập kỹ năng giao tiếp đầu tiên này, bạn sẽ cải thiện đáng kể khả năng ăn nói của mình đấy.
2. Học cách lắng nghe
Lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng mà không phải ai cũng có. Trong một cuộc giao tiếp, không nhất thiết là cả hai bên phải cùng nói, mà đôi khi im lặng lắng nghe vấn đề của đối phương sẽ cần thiết hơn. Bạn cần lưu ý rằng, nghe ở đây không phải chỉ là nghe để nắm được thông tin, mà cần có sự phân tích để thấu hiểu những gì người khác đang chia sẻ.
Để có thể là một người lắng nghe tốt, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để thấu hiểu những quan điểm của họ. Ngôn ngữ cơ thể khi bạn lắng nghe ai đó nói cũng rất quan trọng. Bạn nên cúi nhẹ về phía trước và nhìn thẳng vào mắt họ, thỉnh thoảng gật đầu khi cần để cho đối phương thấy là bạn đang lắng nghe và đồng cảm với câu chuyện họ chia sẻ.
Điều tối kị khi giao tiếp chính là ngắt lời người khác. Hãy để họ chia sẻ hết rồi sau đó bạn mới nêu lên quan điểm của mình. Nếu bạn ngắt lời ai đó, ngay cả khi bạn có ý định tốt, sẽ hạn chế cơ hội để cho người nói thể hiện đầy đủ cảm xúc hoặc ý kiến của mình. Hãy cố gắng rèn luyện khả năng lắng nghe để cải thiện giao tiếp bạn nhé.
Lắng nghe là cả một nghệ thuật (Nguồn: 30Seconds)
3. Trình bày trôi chảy
Để có thể nói chuyện trôi chảy bạn sẽ cần khá nhiều thời gian luyện tập. Sẽ là một may mắn nếu bạn có đủ tự tin và có thể nói chuyện lưu loát nhưng nếu bạn không thể nói chuyện một cách lưu loát thì bạn vẫn có thể luyện tập.
Bạn có thể chuẩn bị trước những gì bạn muốn nói, không cần phải quá chi tiết từng câu chữ mà chỉ cần nêu lên được những ý chính bạn muốn truyền đạt. Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn vì đã có trong đầu những nội dung chính bạn muốn nói, cũng sẽ tránh được tình trạng ấp a ấp úng hoặc diễn đạt sai vấn đề. Việc chuẩn bị trước nội dung của cuộc nói chuyện là rất cần thiết, nhất là khi bạn phải thuyết trình trước đám đông.
Hãy đặt ra mục tiêu trở thành một người có thể nói chuyện lưu loát (Nguồn: Templafy)
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự thu âm những gì mình nói sau đó nghe lại. Như vậy, bạn sẽ nhận thấy được những khuyết điểm như nói nhanh hay chưa có từ nối. Một cách nữa cũng được nhiều người áp dụng là đứng trước gương và tập nói như bạn đang trò chuyện với người khác, lâu dần bạn sẽ quen với việc nói trước đám đông và trở nên tự tin hơn.
Tuy nhiên, Edu2Review cũng lưu ý bạn là nói lưu loát khác với nói nhanh. Bạn không cần phải nói quá nhanh, hãy duy trì tốc độ nói vừa phải để người nghe có thể tiếp thu hết những gì bạn nói. Không nói quá chậm để họ cảm thấy nhàm chán và cũng không nói quá nhanh vì sẽ khiến người nghe không tiếp nhận được hết các thông tin quan trọng.
4. Những điểm cần lưu ý khác
Nhớ tên của người đối diện
Bạn sẽ gặp rất nhiều người và việc nhớ hết tên của họ là không thể. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng nếu bạn là một nhân viên bán hàng và thường xuyên gặp một người khách nào đó thi việc nhớ tên cộng với sở thích của họ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
Thay vì mở lời chào chung chung là “Chào quý khách”, bạn có thể thay bằng “Chào anh A”, sau đó tư vấn cho họ những mặt hàng đúng với sở thích của họ mà bạn đã quan sát được ở những lần mua hàng trước. Khách hàng chắc chắn sẽ rất hài lòng với bạn và bạn cũng sẽ được cấp trên đánh giá cao hơn.
Việc ghi nhớ tên của người khác cũng khiến họ cảm thấy rằng bạn thật sự quan tâm tới họ và họ có một vị trí nhất định trong lòng bạn. Như vậy thì cuộc trò chuyện của cả hai cũng sẽ diễn ra dễ dàng và cởi mở hơn.
Nhớ tên của đối phương sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt họ (Nguồn: Naukri Nama)
Rèn luyện khả năng giao tiếp thông qua văn viết
Hầu hết các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở mức độ nhất định nào đó, đơn giản nhất là việc viết email. Vì vậy, bạn có thể luyện tập kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog hay mạng xã hội. Tuy nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn nữa nhé.
Điều chỉnh tông giọng
Tông giọng của bạn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc nói chuyện. Những người nói quá bé, thậm chí là lí nhí, sẽ không tạo được cảm giác tin tưởng và còn có thể gây khó chịu cho đối phương. Đồng thời, nói quá lớn cũng khiến người nghe không thoải mái. Do vậy, bạn nên chú ý điều chỉnh tông giọng của mình tùy vào hoàn cảnh và nơi chốn.
Nếu bạn đang ở trong thư viện thì bạn nên nói vừa đủ nghe. Ngược lại, nếu ở một nơi quá đông người thì việc nói to hơn để mọi người trong cuộc hội thoại đều có thể nghe được là cần thiết. Hãy nhớ, không phải lúc nào “ăn to nói lớn” cũng tốt cả bạn nhé.
Chú ý tới độ lớn của giọng nói để giúp cuộc nói chuyện hiệu quả hơn (Nguồn: Twitter)
Với những bài tập kỹ năng giao tiếp trong bài viết này, Edu2Review hy vọng đã giúp bạn có định hướng để cải thiện khả năng giao tiếp của bản thân. Nếu bạn tập luyện thường xuyên thì bạn sẽ tiến bộ rất nhanh đấy. Chúc bạn thành công!
[INLINE_FORM]
Khả Vy (Tổng hợp)