Trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những ngành học mang tính hội nhập với thế giới trở thành tiêu điểm quan tâm của quý phụ huynh và các bạn học sinh. Trong số đó, Quốc tế học – một cái tên khá mới trong hệ thống giáo dục bậc đại học thu hút nhiều bạn trẻ. Vậy Quốc tế học là ngành gì?
Bảng xếp hạng
trường đại học tại Việt Nam
Giới thiệu ngành Quốc tế học
Quốc tế học (International Studies) là ngành học chuyên nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu trong quá khứ và hiện tại, bao gồm hoà bình và xung đột giữa các quốc gia, tình hình phát triển kinh tế thế giới, so sánh các hệ thống xã hội. Để nắm được những nội dung đó, sinh viên sẽ được tiếp xúc với đa dạng môn học từ khoa học chính trị, kinh tế học, xã hội học, luật học, truyền thông và cả lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ...
Ngoài những kiến thức mang tính học thuật, các kỹ năng mềm như thuyết trình, đàm phán... hay nghiệp vụ văn phòng như đối ngoại, truyền thông, quản trị… cũng được đưa vào giảng dạy.
Ngành Quốc tế học với trọng tâm là các vấn đề toàn cầu, kinh tế và chính trị thế giới (Nguồn: korea)
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Quốc tế học
Chính những kiến thức chuyên ngành và kỹ năng được trau dồi trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Quốc tế học có cơ hội làm việc rộng mở. Cụ thể, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí như:
Cán bộ đối ngoại
- Công việc cụ thể: đại diện quốc gia và chính phủ công bố chính sách và quyết định của nhà nước, đàm phán các hiệp định, ký kết văn kiện ngoại giao, tham gia hội nghị quốc tế, hỗ trợ công tác đào tạo và quản lý cán bộ.
- Cơ quan tuyển dụng: Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, sở ngoại vụ các tỉnh và thành phố, văn phòng đối ngoại của doanh nghiệp và tổ chức quốc tế…
Nhà báo
- Công việc cụ thể: biên tập các chương trình và bản tin văn hoá, chính trị, kinh tế quốc tế; tiến hành các cuộc phỏng vấn; làm phóng sự; dẫn chương trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh...
- Cơ quan tuyển dụng: đài truyền hình, các tờ báo, tạp chí, báo điện tử và bộ phận PR của các doanh nghiệp...
Sinh viên Quốc tế học sau khi tốt nhiệm có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng (Nguồn: congstudio)
Quản lý và điều phối
- Công việc cụ thể: thực hiện công tác quản trị, điều hành tổng thể hoặc quản lý từng bộ phận, dự án phát triển của doanh nghiệp, thiết lập và điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ tổ chức và bên ngoài, lên kế hoạch, kiểm soát và điều phối dự án.
- Cơ quan tuyển dụng: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài nước hoặc các tổ chức kinh tế...
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quốc tế học có cơ hội thử thách những công việc khác như:
- Giảng viên giảng dạy các môn về quan hệ quốc tế, lịch sử và văn hoá, kinh tế quốc tế… tại các trường cao đẳng, đại học.
- Nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, quan hệ giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế… tại những cơ sở nghiên cứu.
- Đảm nhiệm công việc thư ký, điều phối dự án tại các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
- Nhân viên bộ phận kinh doanh, quan hệ công chúng, nghiên cứu thị trường… tại các doanh nghiệp.
Các trường đào tạo ngành Quốc tế học
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong xu hướng hội nhập toàn cầu, nhiều trường đại học trong nước đã đưa Quốc tế học vào chương trình giảng dạy của mình.
Khu vực Hà Nội có các trường Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn, Đại học Thủ đô Hà Nội. Khu vực TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn là những ngôi trường mà bạn đọc có thể tham khảo.
>> Top 10 trường đại học có đội ngũ giảng viên tốt nhất TP. HCM

Sinh viên Nhân văn nói gì về ngành Quốc tế học? (Nguồn: YouTube – CMP dotUSSH)
Trên đây là thông tin mà Edu2Review tổng hợp được, hy vọng bạn đọc có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi Quốc tế học là ngành gì. Chúc bạn có được những quyết định năm 17 tuổi thật đúng đắn!
Hồng Ngân (Tổng hợp)