Nhận thức được tầm quan trọng của Anh ngữ, các bậc phụ huynh hiện đại đang có xu hướng cho con học tiếng Anh từ rất sớm. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Bên cạnh yếu tố lựa chọn thời gian học tiếng Anh cho trẻ em, phương pháp dạy cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình này.
Nên hay không việc cho trẻ học tiếng Anh từ sớm?
Có ý kiến cho rằng chỉ cho trẻ học tiếng Anh khi đã vững tiếng Việt, tránh tình trạng rối loạn ngôn ngữ, trẻ không giỏi tiếng Anh cũng không vững tiếng Việt. Cũng có ý kiến lại cho rằng 3 năm đầu tiên là khoảng thời gian vàng để trẻ tiếp thu kiến thức.
Trước tiên, phụ huynh cần phân biệt giữa song ngữ và "học' tiếng Anh cho trẻ em như một ngôn ngữ thứ hai. Song ngữ là khi bé sinh ra trong môi trường đa văn hóa, có mẹ nói tiếng Việt và bố nói tiếng Anh, trong quá trình trưởng thành, bé có thể tự nhiên tiếp thu và sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ. Trong khi đó, hầu hết trẻ em Việt Nam hiện nay đang được tiếp cận tiếng Anh theo cách học thêm ngôn ngữ thứ 2.
Những năm đầu đời bé có khả năng học hỏi lớn nhất (Nguồn: Elite Symbol)
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em có khả năng tiếp nhận một ngôn ngữ mới dễ dàng và hiệu quả hơn người lớn. Việc cho trẻ học tiếng Anh ở giai đoạn trước tiểu học sẽ tận dụng được khả năng nhận biết và phân biệt âm thanh, vì năng lực này sẽ giảm dần khi con người lớn lên. Sau năm 15 tuổi, học ngôn ngữ mới sẽ khó khăn và tốn thời gian hơn rất nhiều.
Phương pháp học tiếng Anh cho trẻ em hiệu quả
- Phương pháp Parentese
Phụ huynh chính là người dạy ngôn ngữ cho bé: cha mẹ là người hiểu con mình nhất, do vậy ở những năm đầu đời, cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của trẻ. "Parentese" là một hình thức nói chuyện hoặc chuyển giao gián tiếp được điều chỉnh nhằm phù hợp với ngôn ngữ trẻ em, cung cấp những cuộc đối thoại với trẻ và đưa trẻ lên đến một cấp độ cao hơn so với kĩ năng hiện có.
Phụ huynh nên ứng dụng thật tự nhiên vào những tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày khi giao tiếp với con như: “Give me an apple, please” (Lấy giúp mẹ quả táo nhé). Những bài học nhỏ lặp đi lặp lại sẽ giúp bé ghi nhớ và sử dụng được tiếng Anh một cách tự nhiên. Ở đoạn đầu, khi trẻ chưa thể diễn tả trọn vẹn ý mình, phụ huynh có thể tiếp tục mở rộng từ điều trẻ muốn nói:
Ví dụ: Trẻ nói nhìn thấy món gà rán và nói “chicken”, ba/mẹ có thể lặp lại “You want to eat chicken, right?” (Con muốn ăn gà phải không?)
Phụ huynh hãy kiên nhẫn và quan sát sự phát triển ngôn ngữ của con mình (Nguồn: Seattleite)
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng phát âm của mình không chuẩn, tuy nhiên trẻ có khả năng thay đổi ngữ điệu một cách linh hoạt dựa vào môi trường xung quanh. Điều quan trọng nhất ở giai đoạn này chính là tạo cho trẻ một cảm giác thân thuộc và tự tin khi sử dụng tiếng Anh.
- Phương pháp tắm ngôn ngữ:
Đây là hình thức học tự nhiên nhất, để đôi tai thường xuyên tiếp xúc và làm quen với tiếng Anh mà không cần phải hiểu nghĩa. Trong những năm đầu đời, bạn cần cho bé nghe những âm thanh bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Tùy vào sở thích từng bé, phụ huynh có thể chọn những bài hát đơn giản, có tiết tấu vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, hoặc những bộ phim hoạt hình. Các chương trình dạy học tiếng Anh cho bé trên các kênh giáo dục cũng là một gợi ý tốt.
- Đừng quá chú trọng vào điểm số:
Không thể phủ nhận các bài kiểm tra sẽ giúp đánh giá được trình độ. Tuy nhiên đối với trẻ em, việc áp lực về điểm số sẽ khiến các bé gặp trở ngại trong tâm lý. Phụ huynh cần lưu ý rằng, thành công khi học ngôn ngữ được thể hiện qua khả năng thấu hiểu và ứng dụng vào cuộc sống của trẻ chứ không nằm trên điểm số.
Khác với người lớn, trẻ em không chịu được áp lực và thường mau chóng cảm thấy chán nản khi cứ phải lặp đi lặp lại một công việc. Trẻ có xu hướng tiếp thu kiến thức tốt hơn khi chúng cảm thấy thích thú. Để quá trình này đạt hiệu quả tốt nhất, hãy tạo môi trường tiếng Anh tự nhiên nhất cho trẻ. Hy vọng các phụ huynh đã tìm ra được phương pháp dạy học tiếng Anh cho trẻ em phù hợp nhất với con của mình.
Thiệu Kỳ (Tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: FirstCry Parenting