Từ ngày 25/01, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy và cao đẳng. Trong đó có thêm những quy định sơ tuyển khắt khe để loại bỏ ngay từ đầu những thí sinh không đủ điều kiện đáp ứng của ngành Y khoa và Sư phạm.
bảng xếp hạng trường
đại học tại việt nam
Dự thảo quy chế tuyển sinh 2019: ngành Y khoa chỉ dành cho học sinh giỏi
Trong năm 2018, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định điểm sàn, riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên có điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định.
So với năm trước, điều chỉnh lớn nhất trong dự thảo lần này là bên cạnh nhóm ngành đào tạo giáo viên, điểm sàn của các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cũng sẽ do Bộ GD&ĐT xác định. Các trường xây dựng phương án xét tuyển dựa trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này.
Việc quy định điểm sàn cho 2 nhóm ngành đã được luật hóa trong Luật Giáo dục Đại học mới (sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 34). Trong đó, những ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề gồm Bác sĩ đa khoa, Răng – hàm – mặt, Y học cổ truyền, Dược sĩ... Các ngành như Kỹ thuật Y sinh, Quản lý Y tế... không nằm trong nhóm này.
Chọn lựa ngành Y khoa chưa bao giờ là con đường dễ dàng (Nguồn: YouTube – Bác sĩ nội trú)
Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào:
- Các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt trình độ đại học: thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
- Các ngành có chứng chỉ hành nghề còn lại: thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Ngành Sư phạm: quy định cũng ngặt nghèo không kém
Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào nhóm ngành Sư phạm:
- Nhóm ngành Sư phạm trình độ đại học: thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có học lực lớp 12 xếp loại giỏi (riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện Thể thao: có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên).
- Nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp: thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên (riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất – ngành cao đẳng, Sư phạm Thể dục Thể thao – ngành trung cấp: có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên).
Có phải ngành Sư phạm đang "mất giá" trong mắt sinh viên? (Nguồn: YouTube – Kênh VTC9)
Mùa tuyển sinh 2019 này đã cho thấy nhiều sự thay đổi, hay nói chính xác là siết chặt hơn ngay từ giai đoạn sơ tuyển. Bộ GD&ĐT đã có những quy định khắt khe nhằm lựa chọn được lứa sinh viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhân lực của ngành.
Kết quả thi THPT quốc gia không còn là tất cả, mà quá trình học trong cả năm lớp 12 cũng chiếm phần trăm cơ hội lớn giúp thí sinh được vào trường đại học mơ ước, đặc biệt là trong nhóm ngành Y khoa và Sư phạm.
Yến Nhi tổng hợp