“Thế kỷ 21 là thế kỷ dựa vào kỹ năng”, khi bạn sở hữu cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng, bạn sẽ dễ dàng làm tốt công việc và dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Chúng ta cùng tìm hiểu về kỹ năng cứng là gì trong bài viết này nhé!
Bạn hiểu gì về kỹ năng cứng?
Kỹ năng cứng là những kỹ năng được yêu cầu cho một công việc, thường được liệt kê trong bản mô tả công việc. Hiểu một cách đơn giản, kỹ năng cứng là khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn. Kỹ năng này liên quan đến chỉ số thông minh (IQ) của cá nhân và có thể được đánh giá bằng các chứng chỉ, bằng cấp hay qua những bài test.
Để có một kỹ năng cứng vững vàng, ngoài việc được đào tạo tư duy ở trường phổ thông, bạn còn mất thêm 4 - 5 năm ở trường đại học, cao đẳng. Quá trình để rèn luyện kỹ năng cứng rất vất vả, kéo dài đi kèm với những kỳ thi và thường được dành nhiều thời gian hơn kỹ năng mềm.
Nếu bạn vẫn chưa rõ kỹ năng mềm là gì, thì bạn có thể hiểu rằng kỹ năng mềm là những kỹ năng giúp con người tự quản lý bản thân và tương tác với những người xung quanh. Kỹ năng mềm bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng lắng nghe... Nhóm kỹ năng này thường khó quy chuẩn, phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng tương tác và khó có thể đo lường chính xác.
Kỹ năng cứng được tích lũy trong quá trình học tập và làm việc (Nguồn: iversity)
Kỹ năng cứng – kỹ năng mềm: bên nào nặng hơn?
Theo đánh giá, kỹ năng mềm chiếm khoảng 75 - 85% cơ hội làm nên thành công của con người. Tuy vậy, ngay cả Bill Gates hay Mark Zuckerberg khi thành công vang dội mà không cần nhiều đến việc học ở giảng đường, thì bạn cũng không nên quên đi yếu tố cốt lõi - họ cơ bản là một thiên tài trong lĩnh vực của mình. Nghĩa là họ sở hữu các kỹ năng cứng phục vụ tốt cho công việc.
Tóm lại, để thành công, bạn cần tới cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. Tỷ trọng của mỗi kỹ năng trong sự thành công của mỗi người thay đổi theo từng giai đoạn. Thông thường, khi bạn phát triển lên các vị trí quản lý thì kỹ năng mềm chiếm tỷ trọng cao hơn vì ở vai trò này bạn cần phải sử dụng kỹ năng nhân sự nhiều hơn. Nhưng ở vị trí của một nhân sự mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên dựa trên những kỹ năng cứng mà bạn tích lũy được tại các cơ sở giáo dục. Khi tìm hiểu kỹ năng cứng là gì, bạn không nên bỏ qua khía cạnh quan trọng này.
Để thành công, không thể thiếu bất kỳ nhóm kỹ năng nào (Nguồn: yorkhouseblog)
Kỹ năng mềm phải đủ "cứng", kỹ năng cứng phải đủ "mềm"
Sau 4 năm đại học, tất cả kiến thức và kỹ năng cứng, kỹ năng chuyên môn bạn được học đã có độ “trễ” nhất định so với môi trường làm việc thực tế. Đó là chưa nói đến việc chậm trễ thay đổi giáo trình học và việc thiếu cập nhật của giảng viên vốn có thể xảy ra. Do đó, kỹ năng cứng – kỹ năng chuyên môn của một ngành nghề cũng cần được cập nhật một cách liên tục.
Chặng đường đi từ lý thuyết tới thực tế luôn yêu cầu các kỹ năng cứng phải được ứng dụng một các linh hoạt, “mềm dẻo”. Muốn vậy, bạn cần nắm vững kỹ năng tự học và tự thích ứng. Đó là 2 kỹ năng mềm quan trọng giúp bạn củng cố kỹ năng cứng, nâng cao năng lực của bản thân và đạt được thành công dễ dàng hơn.
Trong khi đó, kỹ năng mềm lại cần “cứng”, vững vì nó hầu như không thay đổi theo thời gian. Ví dụ, để lắng nghe tốt ở bất cứ thời đại nào, bạn vẫn cần các kỹ năng mềm như biết quan sát, biết giao tiếp khéo léo... Sở hữu kỹ năng mềm đủ “cứng” sẽ giúp bạn vận dụng linh hoạt từng kỹ năng tùy theo hoàn cảnh khác nhau.
Kỹ năng cứng rất quan trọng với những nhân viên mới (Nguồn: medium)
Kỹ năng cứng là gì? Kỹ năng cứng có thật sự quan trọng? Hy vọng với bài viết này, bạn đã có câu trả lời cho những thắc mắc nói trên. Cùng với kỹ năng mềm, kỹ năng cứng vững vàng sẽ giúp bạn nhanh chóng thăng tiến trong cả công việc và cuộc sống. Edu2Review hy vọng có thể giúp bạn củng cố thêm nhiều kỹ năng cứng thông qua các bài viết tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, đừng bỏ lỡ nhé!
Khuê Lâm (Tổng hợp)