Là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trường Đại học Lao động – Xã hội đào tạo đội ngũ nhân lực về lao động xã hội có đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành kinh tế – lao động – xã hội.
Bạn đã biết thông tin ngành học, học phí hay môi trường học tập ở ngôi trường này như thế nào chưa? Tham khảo ngay bài viết này nhé!
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Lịch sử hình thành
Tiền thân là trường Trung học Lao động Tiền lương, thuộc Bộ Lao động thành lập từ năm 1961, với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo cán bộ lao động tiền lương cho toàn miền Bắc. Đến năm 1991, trường đã hợp nhất với trường Quản lý Cán bộ Thương binh Xã hội, lấy tên là trường Cán bộ Lao động – Xã hội. Tháng 1/1997 trường được nâng lên thành trường Cao đẳng Lao động – Xã hội.
Trải qua 44 năm, ngày 31/1/2005, theo Quyết định số 26/2005/QĐ-TTg của Chính phủ, cái tên Đại học Lao động – Xã hội chính thức được ra đời, dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
>> Xem thêm đánh giá của sinh viên về trường Đại học Lao động - Xã hội

Chương trình đào tạo đa ngành
Trường Đại học Lao động – Xã hội hiện nay đang đào tạo 8 ngành trình độ đại học, 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 1 ngành đào tạo tiến sĩ. Trong đó, 8 ngành trình độ đại học bao gồm:
- Công tác xã hội
- Kế toán
- Quản trị nhân lực/Quản lý lao động
- Bảo hiểm
- Quản trị kinh doanh
- Luật kinh tế
- Kinh tế (kinh tế lao động)
- Tâm lý
Các cơ sở đào tạo
Hiện tại, Trường Đại học Lao động – Xã hội có 3 cơ sở:
- Cơ sở 1: 43 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Cơ sở 2: 1018 Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh
- Cơ sở 3: Phố Hữu Nghị, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Công tác sinh viên sôi nổi
Bên cạnh đầu tư giáo dục, nhà trường cho rằng việc giúp sinh viên vui chơi và cải thiện kỹ năng về mọi mặt là điều vô cùng cần thiết. Do đó, phong trào sinh viên tại trường Đại học Lao động – Xã hội diễn ra khá sôi nổi.
Trường thường xuyên tổ chức các chương trình tình nguyện, văn nghệ, thể dục thể thao, các buổi học tập vui chơi hay các cuộc thi trong trường cũng như trên địa bàn thành phố. Hầu hết các bạn sinh viên đang học tập tại môi trường này nói rằng, điều khiến họ tự hào nhất đó là được tham gia các buổi ngoại khóa như vậy, không những có những trải nghiệm thú vị, mà còn được phát huy khả năng của bản thân và trưởng thành hơn qua từng ngày.
>> Top 10 trường đại học hạnh phúc nhất 2018

Nhờ vào sự năng động và nhiệt huyết của sinh viên, trường Đại học Lao động – Xã hội đã gặt hái được khá nhiều bằng khen, thành tích nổi trội. Tiêu biểu như: Bằng khen đạt thành tích xuất sắc của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, bằng khen công tác phòng chống Ma túy của thành phố Hà Nội, bằng khen công tác đảm bảo an ninh trật tự của Bộ Công an.
Học phí khá "mềm"
Là ngôi trường công lập, lại được quản lý bởi Bộ Lao động – Xã hội nên mức học phí của trường Đại học Lao động – Xã hội được đánh giá khá rẻ. Sinh viên ở đây sẽ được đào tạo theo hình thức tín chỉ, nghĩa là mức học phí sẽ được tính theo tổng số tín chỉ mà mỗi bạn đăng ký trong học kì.
Dưới đây là mức học phí tại trường đại học Lao Động – Xã Hội năm 2018 – 2019:
- Ngành Quản trị nhân lực, Bảo hiểm, Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Kế toán: 3.780.000 VNĐ/1 học kỳ (15 tín chỉ).
- Ngành Kinh tế lao động, Tâm lý học, Luật kinh tế: 4.080.000 VNĐ/1 học kỳ (15 tín chỉ)
Tuy nhiên, đối với một vài trường hợp đặc biệt, học phí sẽ được giảm theo các mốc 100%, 70% và 50%.
Với những thông tin trên, hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho các bạn cái nhìn khái quát hơn về trường Đại học Lao động – Xã hội, môi trường học tập năng động và tràn đầy nhiệt huyết.
Hồng Vân (tổng hợp)