Để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại, người người nhà nhà đều tìm cách bổ sung khả năng sử dụng tiếng Anh cho bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn cho mình phương pháp và tài liệu học phù hợp nhất giữa vô vàn trung tâm tiếng Anh và tài liệu tự học miễn phí.
Đừng băn khoăn nữa, Edu2Review sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất cho các bạn!
Học tiếng Anh cụ thể là học những gì và có cần năng khiếu không?
Mỗi ngôn ngữ có một đặc điểm riêng, nhưng nó được sử dụng bởi một, nhiều cộng đồng hoặc quốc gia nên học là chúng ta đề có thể dùng được chứ không cần bất cứ thứ năng khiếu nào cả. Nếu như cần năng khiếu mới dùng được tiếng Anh, thì chẳng lẽ toàn bộ dân số Anh, Mỹ và một số nước khác như Singapore đều có năng khiếu bẩm sinh hay sao?
Tuy nhiên, nhiều người Việt thường cảm thấy tiếng Anh khó hơn tiếng Việt. Thực tế không phải như vậy, chỉ là họ dùng tiếng Việt từ nhỏ nên sử dụng thành thạo từ khi nào không hay. Người ở những nước nói tiếng Anh cũng “vật vã” không kém khi học tiếng Việt.
Học ngoại ngữ không cần năng khiếu mà cần phương pháp (Nguồn: Life Way)
Học tiếng Anh hay bất cứ thứ ngôn ngữ nào kể cả tiếng Việt thì bạn cũng cần học 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Để nâng cao cả 4 kỹ năng này, xuyên suốt trong quá trình học bạn sẽ đối mặt với hai vấn đề lớn là ngữ pháp và từ vựng.
Nổi bật trong ngữ pháp tiếng Anh là 12 thì, cách chia động từ (liên quan đến nhiều vấn đề như thì, chủ ngữ, dạng câu là câu khẳng định, phủ định hay nghi vấn...), các dạng của danh từ và tính từ...
Còn về từ vựng, thì với mỗi từ bạn cần học nghĩa, cách viết và cách phát âm. Khác với tiếng Việt có thể nhìn vào từ và đánh vần là ra cách đọc, từ trong tiếng Anh có phiên âm riêng và đương nhiên người học có thể nhìn vào cách phiên âm để đọc mà không cần có file ghi âm mẫu giọng đọc của người bản xứ.
>> Top 3 trung tâm luyện thi IELTS tại Hà Nội
Những nội dung cần học trong tiếng Anh (Nguồn: Tops Products)
Một điểm khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh đáng chú ý là các quy tắc “ngầm” khi nói. Trong tiếng Việt, khi nói thì ta chỉ đơn giản nói từng tiếng theo thứ tự và có thể nhấn mạnh hay lên/ xuống giọng tùy lúc. Trong tiếng Anh, các hiện tượng nối âm, giảm âm và việc lên xuống giọng không phải là bắt buộc nhưng xảy ra rất nhiều và bạn khó mà nghe được nếu không học những quy tắc này.
Việc nối âm và giảm âm thường xuyên khi nói của người bản ngữ đôi khi khiến bạn không nghe được những gì họ nói dù bạn phát âm chuẩn và nghe tốt các từ đơn lẻ. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng về vấn đề này vì những quy tắc này không quá phức tạp và tương đối dễ bắt chước.
Điểm khác biệt nữa là tiếng Việt thì mỗi tiếng tương ứng với một âm tiết khi nói, còn tiếng Anh thì một từ có thể có một hoặc nhiều âm tiết. Để biết số âm tiết của từ bạn cần phải nhìn vào phiên âm của chúng. Bên cạnh đó, nếu từ có từ hai âm tiết trở lên thì sẽ xuất hiện trọng âm. Đừng xem nhẹ yếu tố này, vì nó giúp bạn rất nhiều khi nói và nghe người bản ngữ nói.
>> Những bí quyết học nói tiếng Anh như người bản xứ
Nên học tiếng Anh như thế nào để có nền tảng tốt nhất?
Trước tiên, bạn cần xác định khoảng thời gian và ngân sách bạn có thể dành cho việc học tiếng Anh là bao nhiêu. Việc này sẽ đưa đến quyết định mua sách về tự học kết hợp học online hay đi học offline ở các trung tâm Anh ngữ.
Nếu bạn không thể dành nhiều thời gian và chi phí thì có thể tự mua sách về học và học online qua mạng, nhưng sự lựa chọn này chỉ phù hợp cho những người chăm chỉ và kiên trì. Nếu bạn cảm thấy bản thân dễ bị nản thì nên cố gắng tham gia một khóa học ở trung tâm để có động lực học cao hơn.
Theo như kinh nghiệm của nhiều người đi trước, bạn nên học một lớp học từ con số 0 đến một mức nào đó mà bạn cảm thấy tự tin học mà không cần ai hướng dẫn hay kiểm soát, thì đó là lúc bạn có thể bắt tay vào quá trình tự ôn luyện.
Nên chọn phương án nào cho phù hợp? (Nguồn: Diginomica)
Với việc đi học ở trung tâm, để tìm được một khóa học phù hợp, bạn cần tìm hiểu các chương trình học của nhiều trung tâm và chọn ra một nơi học phù hợp nhất dựa trên các tiêu chí:
– Giáo trình học tại lớp;
– Giảng viên đứng lớp (trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, sự tận tâm) và trợ giảng;
– Sĩ số lớp (thường trong khoảng 10 – 25 học viên mỗi lớp);
– Thời gian học (số buổi mỗi tuần, số buổi trong cả khóa, số giờ mỗi buổi);
– Hoạt động ngoại khóa để luyện tập;
– Cơ sở vật chất (các thiết bị phục vụ việc học tại lớp và vị trí trung tâm);
– Học phí...
Lập danh sách các tiêu chí để lựa chọn một nơi học tập phù hợp (Nguồn: In The Event)
Với việc tự học, bạn cần tìm ra quá trình học phù hợp, các tài liệu cần thiết và lên kế hoạch chi tiết. Thông thường các tài liệu để học tiếng Anh từ đầu trên mạng và các nhà sách rất nhiều, bạn nên sử dụng sách/ giáo trình từ các nhà xuất bản có uy tín và cố gắng theo đến cùng.
Để quá trình tự học không làm hạn chế khả năng phản xạ với tiếng Anh của bạn thì bạn nên thực hành cả 4 kỹ năng thường xuyên bằng một số cách phổ biến:
– Tải các ứng dụng học tiếng Anh về điện thoại (dạy học hoặc là trò chơi tiếng Anh) và dùng mỗi khi rảnh hoặc tranh thủ lúc đợi xe bus, ngồi trên xe...;
– Tham gia các cộng đồng có cùng mong muốn để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau giải đáp thắc mắc và cùng nhau luyện tập;
– Sử dụng một số công cụ nhỏ xinh như sổ tay từ vựng và cấu trúc đáng nhớ, flash cards, giấy nhớ dán lên tường và góc học tập...;
– Mua một số khóa học online để có thêm nhiều kiến thức bổ ích và được hướng dẫn học bài bản mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có mạng...
Đây chỉ là một số lưu ý và giải đáp những vấn đề nhiều người gặp phải khi bắt đầu học tiếng Anh. Edu2Review hy vọng bạn có một khởi đầu với tiếng Anh suôn sẻ. Chúc bạn học tốt!
Thanh Huyền (Tổng hợp)