Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đang là vấn đề nhức nhối của xã hội phá triển (Nguồn: drexel.edu)
Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao là một trong những vấn đề nan giải ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, cả nước hiện có đến 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và rất nhiều người trong số họ tốt nghiệp từ những ngành nghề được cho là “khát nhân lực” chỉ 4-5 năm trước đó - Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết.
Trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia, Edu2Review gửi đến bạn bài viết tổng hợp top 10 ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao, để bạn thận trọng và cân nhắc hơn về quyết định chọn ngành của mình.
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher.
1. Ngành Sư phạm
Đứng đầu trong danh sách này phải kể đến khối ngành Sư phạm - một ngành học đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) báo động đỏ về tình trạng thừa nhân lực trong vài năm trở lại đây. Minh chứng là thực trạng hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa trên cả nước và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp (số liệu trích xuất từ thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT).
Một nghiên cứu khác của PGS.TS Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô cũng chỉ ra rằng, cho đến thời điểm hiện tại, mỗi năm có đến 60.930 cử nhân sư phạm ra trường. Mặc dù đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ các trường khối ngành sư phạm, tuy nhiên, theo ước tính trung bình từ năm 2013 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4.000 sinh viên ra trường không tìm được việc làm.
Nếu tiếp tục đăng kí các ngành sư phạm, gần 70.000 sinh viên sẽ thất nghiệp (Nguồn: VTVSTAR)
Đến năm 2020, con số cử nhân sư phạm thất nghiệp sẽ lên tới 70.000 người và được phân bổ ở tất cả các bậc học, trong đó, bậc tiểu học thừa khoảng 41.000 người, THCS thừa 12.200 người và ở cấp THPT là khoảng 16.900 người.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, những con số khổng lồ này khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm việc dự báo tình hình giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hệ thống các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm được mở chưa hợp lý, chỉ tiêu đào tạo chưa được kiềm chế kịp thời và chính sách hỗ trợ học phí hấp dẫn.
Quá nhiều thí sinh thi vào ngành sư phạm, quá nhiều cử nhân tốt nghiệp xin được công tác tại các trường, dẫn đến tình trạng quá tải và việc rất nhiều sinh viên thất nghiệp là một hệ lụy tất yếu.
2. Ngành Kế toán – Kiểm toán
Trong các đợt tuyển sinh vài năm trước đây, ngành Kế toán – Kiểm toán luôn có điểm chuẩn trúng tuyển đứng top đầu so với các chuyên ngành khác. Việc thu hút thí sinh của nhóm ngành này được lý giải bởi viễn cảnh về một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn sau khi ra trường của các Kế toán - Kiểm toán viên.
Tuy nhiên, hiện nay, đây là một trong những nhóm ngành đang dư thừa lao động và cảnh báo vẫn còn dư thừa trong các năm tới. Theo khảo sát tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016, Kế toán - Tài chính đứng đầu trong số các ngành được nhiều người tìm việc nhất.
Kế toán - Kiểm toán là một trong những nhóm ngành đang dư thừa lao động (Nguồn: Kyna.vn)
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban Đào tạo, Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tính riêng ở TP. Hồ Chí Minh, do lượng cung vượt xa lượng cầu nên tỉ lệ chọi của một ứng viên khi tìm công việc trong lĩnh vực này là 1/90, mặc dù tỉ lệ nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn ở mức cao nhất (30% trong cơ cấu tuyển dụng).
Nói về nguyên nhân của sự dư thừa nhân lực nhóm ngành này, không thể không kể đến việc ồ ạt mở ngành của các trường đào tạo trong mấy năm trước. Hiện nay, cả nước vẫn có khoảng 200 trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành Kế toán, khiến hàng nghìn sinh viên thất nghiệp hoặc phải công tác trái ngành.
3. Ngành Tài chính - Ngân hàng
Theo bản tin thị trường lao động quý II/2016 được công bố bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số lượng tân cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng không có việc làm đúng chuyên ngành vẫn đang tiếp tục gia tăng. Cũng theo thống kê của Viện, trong năm 2015, có đến 12.000 tân cử nhân thất nghiệp trong tổng số khoảng 29.000 sinh viên tốt nghiệp ngành này. Ở thời điểm tháng 7-2017, tài chính trở thành nhóm ngành có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%), tiếp đến là Quản trị nhân sự (11,1%), Kế toán (10,5%)...
Bất chấp thực trạng trên, ngành Tài chính - Ngân hàng vẫn được tuyển sinh ở nhiều trường với số chỉ tiêu lớn, vượt trội so với các ngành đào tạo còn lại. Trong mùa tuyển sinh 2016, 2017, đây vẫn tiếp tục là ngành mũi nhọn với chỉ tiêu tuyển sinh không hề giảm của top trường kinh tế.
Dự báo trong thời gian tới, vấn đề tìm việc làm của sinh viên nhóm ngành này sẽ khá khó khăn và nguy cơ thất nghiệp vẫn là rất cao.
Ngành tài chính ngân hàng vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao (news.zing)
4. Ngành Quản trị kinh doanh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, khi nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực kinh tế tăng mạnh thì Quản trị kinh doanh được đánh giá là một ngành “hot” bởi quan niệm sinh viên ra trường ắt sẽ “có đất dụng võ”.
Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả thống kê 3 năm gần đây của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Quản trị kinh doanh là ngành chiếm thứ hạng cao nhất về số lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh: trên 10% hồ sơ đăng kí mỗi năm! Chỉ tính riêng ở TP.HCM đã có hơn 40 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành này, tương đương với số cử nhân Quản trị kinh doanh ra trường mỗi năm là trên 10.000 người.
Doanh nghiệp cần cử nhân Quản trị kinh doanh chất lượng, không phải đại trà (Nguồn: Dân trí)
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên yêu cầu tốt nghiệp ngành này luôn đứng đầu bảng tuyển dụng của các website việc làm. Vậy điều gì giải thích cho nghịch lý hàng chục ngàn cử nhân Quản trị kinh doanh tốt nghiệp mỗi năm nhưng các doanh nghiệp vẫn “khát nhân lực”? Câu trả lời nằm ở chỗ, điều các doanh nghiệp cần là chất lượng chứ không phải số lượng cử nhân đã qua đào tạo.
5. Ngành Công nghệ Môi trường
Công nghệ môi trường là một chuyên ngành có sự kết hợp đồng bộ cả hai yếu tố nghiên cứu và kỹ thuật. Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn bao gồm: công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh, lý, hoá học.
Nếu chuyên về công nghệ xử lý nước thải, sinh viên ra trường có thể xin vào làm tại các công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp,... Nếu là công nghệ xử lý khí thải thì định hướng công việc sẽ thiên về đo đạc chất lượng không khí, đánh giá tác động của môi trường và xử lý không khí ô nhiễm,... Còn nếu hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thì bạn sẽ làm việc với các công trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhà máy hay các khu đô thị,...
Công nghệ môi trường vốn là là một khâu rất quan trọng trong sự vận hành của các xí nghiệp, nhà máy sản xuất (Nguồn: Tuyển sinh đào tạo)
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, trách nhiệm bảo vệ môi trường và xử lý chất thải vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ phía doanh nghiệp, nên nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này hầu như rất ít. Một vị trí tưởng chừng như vô cùng thiết yếu trong doanh nghiệp ở các nước phát triển, lại trở thành gánh nặng về việc làm ở nước ta.
6. Ngành Lịch sử
Lịch sử là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về những sự kiện diễn ra trong quá khứ, để từ đó rút ra những quy luật, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.
Thế nhưng, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, ngoại trừ một số ít các viện nghiên cứu, Viện chiến lược được thành lập và quản lý bởi Nhà nước, nhu cầu nhân lực tốt nghiệp chuyên ngành này hầu như vắng bóng trên các thông báo tuyển dụng.
7. Ngành Tâm lý học
Đã từng là một trong những ngành học “hot” với điểm đầu vào không quá cao, chương trình đào tạo cũng có vẻ hấp dẫn, nhưng Tâm lý học cũng chịu chung số phận với các ngành còn lại trong danh sách này bởi sự mập mờ về cơ hội nghề nghiệp sau khi rời cánh cổng đại học.
Thực tế cho thấy, nhiều tân cử nhân Tâm lý học đã rất chật vật để có được công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, trong khi số khác phải chấp nhận các công việc trái ngành, vì việc tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giải quyết các vấn đề trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi,… là điều khá xa lạ với nhiều người Việt Nam.
Ngành Tâm lý: Ứng dụng nhiều nhưng chưa nhiều người tận dụng (Nguồn: FBNC Vietnam)
8. Ngành Công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là một ngành học khá thú vị dành cho những bạn yêu thích lĩnh vực này. Đây cũng là chuyên ngành được xuất hiện rất nhiều trong các thông báo tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Tuy nhiên, một điều đáng tiếc ở Việt Nam là hiện nay việc đào tạo về ngành nghề này tại các trường ĐH chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội về mặt chất lượng. Những kiến thức sinh viên được trang bị trong suốt 4 năm giảng đường cũng khó được áp dụng trong các lĩnh vực khác của xã hội. Từ đó, tình trạng thất nghiệp hoặc công tác trái ngành là điều khó tránh khỏi.
9. Ngành sân khấu điện ảnh
Mỗi năm, hai trường Sân khấu Điện ảnh lớn nhất cả nước cùng hàng loạt trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật cho ra lò hàng trăm cử nhân thuộc nhóm ngành này. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng có may mắn trở thành diễn viên, xuất hiện trong những vở kịch, những MV ca nhạc hay các bộ phim truyền hình.
Do đó, để tồn tại trong nghề, chỉ có đam mê thôi là chưa đủ. Các bạn cần có lợi thế về ngoại hình, khả năng diễn xuất, duyên sân khấu và cả một chút may mắn nữa. Và tất nhiên, số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Sân khấu Điện ảnh có thể đáp ứng tất cả yêu cầu này là không nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn, hoặc thất nghiệp, hoặc chấp nhận gác lại đam mê để lựa chọn cho mình một hướng đi khác.
Ngành Sân khấu Điện ảnh vất vả như chính cái tên “nàng dâu trăm họ” của nó (Nguồn: Internet)
10. Ngành kỹ sư xây dựng
Góp mặt trong danh sách này còn có cả Kỹ sư xây dựng - một ngành học được “nhớ mặt gọi tên” rất nhiều trong các mùa tuyển sinh, phân bổ ở hầu hết các nhóm trường từ top đầu đến top thấp. Vậy nên, lượng sinh viên ra trường hằng năm cũng đạt ngưỡng gần 5 con số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành Công nghiệp Xây dựng đang trong đà khôi phục chậm chạp, cộng với việc hầu hết các công ty xây dựng, nhà thầu đều yêu cầu rất cao về mặt kinh nghiệm, các sinh viên mới ra trường phần lớn đều không thể đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng này.
Đa phần các công ty xây dựng đều yêu cầu kinh nghiệm (Nguồn: ĐH Đại Nam)
Như trong câu chuyện của N. Thành (quê Nghệ An), sinh viên ĐH Giao thông vận tải II. Thành tốt nghiệp với tấm bằng chuyên ngành Xây dựng loại khá, bảng điểm khá “đẹp” đối với khối công trình. Thêm nữa, Thành còn có hàng loạt chứng chỉ một kỹ sư xây dựng cần. Với mong muốn bám trụ lại TP. Hồ Chí Minh để phát triển sự nghiệp, Thành đã tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên mạng Internet, nhờ bạn bè tìm, giới thiệu… và rải hồ sơ xin việc khắp nơi. Nhưng kết quả đều giống nhau: các nơi Thành nộp hồ sơ đều lắc đầu vì “thiếu kinh nghiệm”.
Trên đây là danh sách các ngành nghề có tỉ lệ thất nghiệp cao dựa trên các thống kê và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Hy vọng những thông tin này sẽ như một lời khuyên bổ ích từ Edu2Review, mang đến một giá trị tham khảo nhất định cho các sĩ tử trước khi đặt bút viết vào hồ sơ đại học.
Mỹ Diệp tổng hợp
Nguồn: laodong.vn