Định hướng nghề nghiệp bản thân luôn là bài toán nan giản đối với hầu hết mỗi học sinh. Việc đưa ra quyết định học ngành nào, làm nghề gì phần lớn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của những người xung quanh, theo xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội hoặc chính từ sở thích nhất thời của mỗi cá nhân.
Chính vì lẽ đó mà không ít học sinh, sinh viên có những lựa chọn sai lầm và không phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân. Đó là lý do khái niệm sinh trắc học vân tay ra đời – công cụ hứa hẹn giúp học sinh khám phá những năng lực tiềm ẩn của họ thông qua cấu trúc vân tay.
Liệu công nghệ mới này có thật sự đáng tin? Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết sau đây.
bảng xếp hạng
trường đại học tại việt nam
Sinh trắc học vân tay – "công nghệ bói toán" thời đại 4.0
Con người khi được sinh ra đã là bản thể với những tính cách và khả năng riêng của mình. Bên cạnh đó, vân tay vốn là điểm đặc trưng ở mỗi người. Câu hỏi đặt ra là liệu dựa trên vân tay có thể suy đoán được tính cách của một người hay không? Sinh trắc học vân tay chính là câu trả lời mang tính khẳng định cho nỗi băn khoăn trên.
Tiến sĩ Harold Cummins – cha đẻ của ngành nghiên cứu khoa học dấu vân tay đã khẳng định rằng vân tay thực sự có liên quan đến tiềm năng và trí tuệ của con người. Lý giải cho kết luận trên, ông chỉ ra rằng dấu vân tay chỉ được khởi tạo ở thai nhi vào giai đọan từ 13 đến 19 tuần tuổi. Đây chính là lúc mà các vùng chính của não hình thành. Trước thời gian đó, thai nhi không hề có dấu vân tay và não cũng chỉ mới bước vào giai đoạn hình thành.
Chính điều này đã tạo động lực và nền móng vững chắc để các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu và phát triển khái niệm có phần mới lạ này. Cần lưu ý rằng đây không phải là bói toán mà là công nghệ nghiên cứu tổng hợp các lĩnh vực như thần kinh học, vân tay học, di truyền học và phôi thai. Thông qua các đặc điểm này, mỗi hình dáng của vân tay đều có liên quan mật thiết đến não bộ. Trong khi đó, những bộ phận riêng trên vùng não đóng vai trò chi phối khả năng nhất định của con người.
Gần đây, khái niệm sinh trắc học vân tay cũng đa du nhập vào Việt Nam và được ứng dụng trong công tác định hướng nghề nghiệp bản thân bên cạnh các chỉ số IQ, EQ vốn quen thuộc. Các chuyên gia hứa hẹn sinh trắc vân tay có độ chính xác lên đến 90%. Từ đó, giúp con người khám phá được khả năng của bản thân mình, hiểu được mình là ai. Đồng thời, các bạn học sinh xác định công việc tương lai yêu thích và đam mê của mình để có thể chọn đúng ngành và phương pháp học phù hợp.
Nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả
Theo lời chia sẻ của chị Mai Anh Trần (phụ huynh học sinh) trên webtretho: "Mình có làm sinh trắc vân tay cho con nhà mình rồi. Mình thấy khá đúng từ tính cách, sở thích, rồi đặc điểm. Xác suất đúng cũng phải trên 90%. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức bói toán vì những gì họ nói là dựa trên các chỉ số, chủng vân tay dựa vào bài phân tích. Họ nói về con mình có tính cách, khả năng bẩm sinh như thế nào, rồi hiện tại vấn đề con đang gặp phải là gì, sau đó đưa ra giải pháp để cải thiện yếu điểm và nâng cao khả năng của con lên. Từ đó, định hướng cho con phát triển đúng với những gì con có sẵn".
Tuy nhiên chị Thảo chia sẻ với eva: “Làm sinh trắc vân tay chỉ là để hiểu con mình hơn chứ không giúp ích được gì nhiều. Hơn nữa, một lần làm sinh trắc vân tay có giá khá cao".
Song song đó, một số người cho rằng sinh trắc học vân tay chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị trong việc định hướng nghề nghiệp bản thân đối với người trưởng thành. Vì theo lý thuyết vân tay được hình thành từ khi trẻ còn là bào thai 19 tuần tuổi trong bụng mẹ. Trong khi đó, những yếu tố về tính cách, sở thích, khả năng của một người sẽ thay đổi rất nhiều trong quá trình phát triển và tác động từ những yếu tố bên ngoài.
Hiểu đúng về sinh trắc vân tay (Nguồn: YouTube – THVL Tổng hợp)
Còn bạn thì sao? Liệu bạn có sẵn sàng làm một bài kiểm tra sinh trắc vân tay nhằm định hướng nghề nghiệp bản thân? Dù câu trả lời là gì đi chăng nữa, Edu2Review vẫn tin rằng chính các bạn là những người hiểu rõ mình thích gì và khả năng của mình đến đâu để có thể chọn ngành nghề phù hợp, đồng thời chịu trách nhiệm với những gì mình lựa chọn. Đừng quên rằng Edu2Review luôn đồng hành cùng bạn trên con đường đó nhé!
Mai Trâm (Tổng hợp)
Nguồn hình: pixabay