Từ năm 2015 đến nay, khối ASEAN không những đẩy mạnh kết nối trong cộng đồng các nước thành viên mà còn tăng cường hợp tác giữa khu vực và bạn bè quốc tế. Xu hướng này đã tạo ra những thay đổi đầy triển vọng về kinh tế, ngoại giao của các nước, trong đó có Việt Nam. Để bắt kịp xu thế đó, ngành Đông Nam Á học ra đời đóng vai trò như một lựa chọn thú vị đáng tham khảo.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Đông Nam Á học là ngành gì?
Ngành Đông Nam Á học nghe có vẻ khá lạ lẫm đối với người Việt Nam nhưng nó đã xuất hiện từ sau Chiến tranh lạnh (1946 – 1989) và được đưa vào chương trình đại học của nhiều trường Cao đẳng – Đại học (CĐ – ĐH) khắp các châu lục. Thực chất, đây là một nhánh nhỏ của Đông Phương học. Ngành Đông Nam Á học nghiên cứu chuyên sâu về các hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, quan hệ quốc tế của các nước Đông Nam Á.
Cụ thể, sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao... của khu vực. Bên cạnh đó, sinh viên ngành sẽ được rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ cho nghề nghiệp sau này như nghiệp vụ báo chí, biên tập hay nghiệp vụ hành chính văn phòng quốc tế. Đồng thời, khi hoàn thành ngành học này, yêu cầu sinh viên cần thông thạo tiếng Anh cùng 1 ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Thái, tiếng Indonesia...

Các sinh viên ngành Đông Nam Á học của trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (Nguồn: Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu)
Những ngành Khoa học xã hội nhân văn nói chung và Đông Nam Á học nói riêng phù hợp với những bạn có hứng thú, mong muốn tìm hiểu thêm về văn hóa các quốc gia và những chuyển biến toàn cầu. Đặc biệt trong thời kỳ ASEAN được xem là một khu vực có nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, nghiên cứu về khu vực này thật sự là cơ hội nghề nghiệp đầy tiềm năng.
Cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, những người học trong lĩnh vực này có rất nhiều triển vọng và cơ hội việc làm. Sinh viên ngành Đông Nam Á học có thể hoạt động chuyên sâu trong đa dạng các lĩnh vực từ văn hóa, kinh tế đến chính trị, xã hội trong nước và khu vực.

Ngành Đông Nam Á học mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực xã hội cho người học (Nguồn: Freepik)
Một số công việc cử nhân ngành Đông Nam Á học có thể đảm nhiệm như:
- Phụ trách mảng công việc về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, công ty;
- Công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước: cơ quan văn hóa, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng;
- Chuyên viên nghiên cứu tại các tổ chức, viện nghiên cứu;
- Giảng dạy chuyên môn tại các trường CĐ – ĐH;
- Chuyên viên phát triển kinh doanh, phát triển thị trường tại các tổ chức, doanh nghiệp;
- Làm việc cho các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ (NGO) có hợp tác ở Đông Nam Á;
- Biên tập viên chương trình văn hoá, du lịch, thời sự các báo, đài;
- Hướng dẫn viên, thiết kế tour cho các công ty du lịch;
- Chuyên viên dịch thuật chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Indonesia, tiếng Malaysia.
Với cơ hội nghề nghiệp đa dạng, bài toán ra trường không có việc làm sẽ không còn là nỗi lo đối với sinh viên ngành Đông Nam Á học. Bên cạnh đó, môi trường làm việc không chỉ giới hạn ở trong các cơ quan chính phủ hay Đại sứ quán các nước ASEAN trong nước mà còn mở rộng ra khu vực các nước ASEAN.

Sự kết nối ngày càng mạnh mẽ và chặt chẽ giữa các thành viên ASEAN tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong và ngoài nước (Nguồn: Freepik)
Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức
Đi đôi với cơ hội luôn là thách thức, ngành Đông Nam Á học cũng không ngoại lệ. Mặc dù cũng nằm trong Đông Phương học nhưng so với các ngành khác như Hàn Quốc học, Nhật Bản học hay Trung Quốc học, Đông Nam Á học có nhiều khó khăn hơn.
Cũng theo chia sẻ của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn trong hội thảo “Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức” diễn ra ngày 14/11/2018, hiện nay chúng ta chưa có nhiều chuyên gia về Đông Nam Á và rất ít trường đại học có đào tạo ngành học này cũng như các ngôn ngữ trong khu vực. Điều này đòi hỏi sinh viên phải tự học và tự tìm tòi nên gặp nhiều khó khăn hơn.
Thêm nữa, thách thức còn nằm ở sự quan tâm của xã hội. Hiện tại chưa có nhiều sinh viên lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu về khu vực Đông Nam Á. Sự hấp dẫn về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp của ngành này không cao bằng các ngành học về các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, với những biến chuyển trong khu vực và thế giới, Đông Nam Á học hứa hẹn sẽ mang lại các lợi ích, cơ hội nhất định cho những người đam mê ngành này.

Khi nhắc đến Đông Phương học, chủ yếu mọi người sẽ nhớ đến Nhật Bản học hay Hàn Quốc học (Nguồn: Báo Mới)
Các trường đào tạo ngành Đông Nam Á học
Tuy hiện tại trên cả nước không có nhiều trường CĐ – ĐH đào tạo ngành Đông Nam Á học, nhưng nếu đam mê và hứng thú với ngành học này, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi chuyên ngành này tại:
- Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa Đông Nam Á học..
- Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu: Khoa Đông Phương học – Chuyên ngành Đông Nam Á học.
- Trường Đại học Mở TP.HCM: Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á học – Ngành Đông Nam Á học.
- Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM: Khoa Đông Phương học – Bộ môn Đông Nam Á học (đào tạo 2 chuyên ngành chính: Thái Lan học và Indonesia học).
Với những thông tin trên, Edu2Review mong bài viết đã có thể giải đáp được câu hỏi Đông Nam Á học là ngành gì mà bạn đang băn khoăn. Chọn ngành và trường cho 4 năm đại học là một quyết định quan trọng cần cân nhắc và suy tính thật kỹ càng. Edu2Review chúc bạn sẽ có được lựa chọn tốt nhất cho tương lai!
* Danh sách trường được cập nhật đến ngày 19/06/2019.
Hoàng Oanh (Tổng hợp)