Du học định cư Canada và 3 vấn đề dễ khiến bạn phải quay về nước | Edu2Review
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
💡 Ưu đãi giới hạn từ ILA: Giảm đến 45% học phí lớp tiếng Anh chuẩn Cambridge
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?

      Du học định cư Canada và 3 vấn đề dễ khiến bạn phải quay về nước

      Cập nhật lúc 06/02/2020 14:12
      Bạn sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được các yêu cầu du học định cư Canada. Tuy nhiên, để duy trì và được ở lại, bạn cần biết đến các thông tin quan trọng này.

      "Bạn cần lưu ý những thông tin nào trong quá trình tìm hiểu về du học định cư Canada?" – Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp bạn có được bước chuẩn bị vững chắc, từ đó tránh được những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai khi sống và học tập tại nơi "đất khách quê người".

      Đừng để bản thân phải hối hận và từ bỏ Canada sau khi bạn đã đầu tư tiền bạc và công sức để đến đất nước này! Edu2Review đã “điểm” qua 3 vấn đề được nhiều người quan tâm hoặc dễ nhầm lẫn trước, trong và sau khi du học. Bạn hãy dành chút thời gian để “ngâm cứu” nhé!

      Khí hậu

      Với diện tích hơn 10 triệu km2, khí hậu Canada rất đa dạng, khác biệt nhưng có sự phân hóa rõ rệt từ Bắc xuống Nam. Để sớm hòa nhập với cuộc sống nơi đây dễ dàng, các bạn cần chú ý đến:

      a) Độ ẩm

      Độ ẩm tại Canada thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam, thời tiết cũng hanh khô hơn. Điều này dẫn đến làn da của các du học sinh nước mình dễ gặp các vấn đề như mụn, tróc vảy, nhiều vết thâm… trong khoảng thời gian đầu. Vì vậy, rất nhiều bạn cảm thấy lo lắng, mặc cảm và khó có thể thích ứng được.

      Tuy nhiên, vì đây chỉ là giai đoạn tạm thời, bạn cần cố gắng để không ảnh hưởng đến tâm lý của mình, thay vào đó hãy tìm ra và chuẩn bị giải pháp khắc phục càng sớm càng tốt.

      du học định cư Canada khí hậuĐộ ẩm thấp ảnh hưởng đến làn da của du học sinh Việt (Nguồn: map-projections-isorhythmic)

      Một số lời khuyên của các cựu du học sinh mà bạn có thể áp dụng:

      • “Quan trọng nhất là uống đủ nước và giữ ẩm. Độ 1 thời gian sau khi đã quen thì da sẽ đẹp hơn rất nhiều. Đừng nặn mụn, vì nếu bị thâm thì sẽ không tan được do thời tiết lạnh”, theo Khánh Chi, cựu sinh viên Đại học British Columbia.
      • “Tuyệt đối không thể thiếu kem chống nắng kiêm chức năng dưỡng ẩm cho da mỗi ngày! Bạn chỉ nên rửa mặt với nước ấm và mát (tùy vào cảm nhận của làn da), kèm theo nước hoa hồng để tẩy trang trong khoảng 3-4 tháng đầu tiên sang Canada. Đừng vội sử dụng các loại mỹ phẩm”, theo Lương Ngọc Anh, sinh viên Đại học McGill.
      • “Hầu hết du học sinh Việt đều gặp vấn đề này! Nên ngay từ đầu mình đã vững tâm chịu đựng… cũng mất khoảng 6 tháng để vượt qua và làn da mới trở lại như bình thường. Trước đó, da mình không có mụn mà lúc mới sang nổi tùm lum, nói thực là mình không dám soi gương luôn”, theo Quỳnh Trang, sinh viên Đại học Calgary.

      b) Nhiệt độ

      Trong quá trình tìm kiếm thông tin, bạn có thể thấy không ít báo đưa tin nhiệt độ ở Canada lạnh tới -50 độ C, một trong những vấn đề khiến bạn cảm thấy đáng chú ý và “sợ”. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ con số mà các báo đề cập ở đây thường cộng thêm cả độ gió (windchill).

      Đồng thời, những vùng có nhiệt độ thấp như vậy đa số nằm ở khu vực phía Bắc của Canada, nơi thường xuyên có tuyết phủ quanh năm, và chỉ kéo dài 1-2 ngày mỗi đợt. Chưa kể, do độ ẩm thấp, nên đôi khi -5 độ C ở Canada không lạnh bằng +10 độ C tại Việt Nam.

      Mặt khác, vì khả năng thích nghi của mỗi người là khác nhau nên nếu bạn chưa có kinh nghiệm “tránh lạnh” hoặc chịu lạnh kém, thì bạn vẫn cần lưu ý một số vấn đề sau:

      • Trong quá trình chọn thành phố để sống, trường để học, bạn nên ưu tiên các tỉnh bang phía Nam, nơi có khí hậu rất dễ chịu, phân hóa thành 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa hè ấm áp, mùa đông nhiệt độ trung bình từ -10 đến -20 độ C.
      • Ít ra đường vào những thời điểm nhiệt độ thấp. Chủ yếu là hạn chế đi bộ, bởi nếu bạn đi xe bus thì đã có lò sưởi.
      • Cần nâng cao thể lực, nên có một vài động tác “bỏ túi” để khởi động và làm ấm cơ thể.

      Visa và Study Permit

      Đây là 2 loại giấy tờ khiến cho nhiều bạn gặp khó khăn để phân biệt cách sử dụng khi có dự định du học Canada. Thậm chí, một số bạn vì hiểu sai mà ảnh hưởng đến quá trình học tập hoặc xin giấy phép định cư. Vì vậy, bạn cần nắm rõ các thông tin trong bảng so sánh sau:

      Phân loại Visa Study Permit
      Định nghĩa Đây là giấy thông hành cho phép người được cấp nhập cảnh vào Canada, theo đúng thời hạn có hiệu lực ghi rõ trên visa. Bạn cần lưu ý đây không phải là thời hạn để bạn được ở lại Canada, mà chỉ là thời hạn bạn được vào Canada. Đây là giấy phép du học, cho người được cấp quyền ở lại Canada một cách hợp pháp với mục đích rõ ràng.
      Thời hạn Tùy thuộc vào chương trình học, có thể kéo dài từ 1 đến 4 năm. Căn cứ theo khoảng thời gian trên thư nhập học của trường.
      Nơi cấp Lãnh sự quán (LSQ) Canada tại Việt Nam. Hải quan tại sân bay Canada.
      Điều kiện Chứng minh khả năng tài chính, mục tiêu và lộ trình học tập rõ ràng, hợp lý.

      Khi đến sân bay của Canada, du học sinh phải vào phòng hải quan trả lời các câu hỏi và trình các loại giấy tờ:

      • Visa
      • Thư nhập học
      • Bảng điểm học tập
      • Giấy tờ tùy thân
      • Thư của LSQ
      Gia hạn

      Khu vực: Ngoài lãnh thổ Canada.

      Thời điểm: Khi có ý định ra khỏi Canada, nhưng ngày trở về dự định lại quá hạn so với thời gian hiệu lực trên visa. Tốt nhất nên gia hạn khi Study Permit còn hạn 6 tháng.

      Khu vực: Trong nước Canada.

      Thời điểm: Tối thiểu 4 tháng trước khi hết hạn. Lưu ý: Thời gian trên hộ chiếu ít nhất phải còn hiệu lực so với thời điểm mà bạn muốn gia hạn Study Permit.

      Bạn cần lưu ý thêm:

      • Nếu Study Permit hết hạn, bạn sẽ không thể ở trên lãnh thổ Canada nếu không có visa du lịch. Do đó, cho đến khi Study Permit gia hạn thành công, bạn phải quay trở về nước.
      • Nếu visa hết hạn, bạn sẽ cần xin gia hạn nếu muốn quay trở lại Canada (áp dụng cho các trường hợp như về thăm gia đình, đi du lịch).

      Work Permit (WP)

      Nếu không nằm trong các trường hợp đặc biệt và muốn làm việc hợp pháp tại Canada, bạn cần được sự cho phép của Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada (Immigration, Refugees and Citizenship Canada – IRCC). Tức là, bạn cần phải sở hữu WP – Giấy phép làm việc nếu muốn đi làm thêm tại đây. Có 3 loại WP mà bạn nên quan tâm:

      a) Off-campus Work Permit – Giấy phép làm việc ngoài trường học

      Giấy phép này cho phép các bạn học sinh, sinh viên đi làm tối đa 20 giờ/tuần khi đang đi học một chương trình full-time hoặc đi làm toàn thời gian khi đang nghỉ theo kế hoạch của nhà trường. Vì vậy, nếu bạn sang Canada sớm hơn thời điểm bắt đầu chương trình học của mình, bạn sẽ không được cấp giấy này và không có quyền đi làm thêm.

      Việc đi làm thêm ở Canada có quy định rất nghiêm ngặt (Nguồn: YouTube – Akrami & Associates Immigration Law Firm)

      Các điều kiện tối thiểu mà bạn cần đáp ứng:

      • Study Permit (SP – Giấy phép du học) của bạn phải còn hiệu lực.
      • Đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên SP.
      • Theo học một chương trình toàn thời gian tại một trường có trong danh sách DLI (Designated Learning Institution, danh sách các trường được cấp quyền nhận du học sinh) của IRCC.
      • Theo học chương trình giáo dục chính quy sau trung học (không bao gồm các chương trình tiếng Anh, học dự bị...).
      • Theo học chương trình kéo dài 6 tháng trở lên, có cấp chứng chỉ degree, diploma, certificate.

      Tất nhiên, nếu bạn không thực hiện theo luật và vẫn cố đi làm ngoài trường, hành động này sẽ bị coi là bất hợp pháp. Bạn có thể sẽ phải chịu hậu quả, bao gồm cả việc bị đuổi về nước và cấm quay trở lại Canada.

      b) Giấy phép làm việc phục vụ việc học – Co-op Work Permit

      Không ít bạn nhầm lẫn việc được cấp Co-op Work Permit đồng nghĩa với việc được cấp quyền đi làm thêm bên ngoài trường học. Trong khi, đây chỉ là giấy phép cho phép những bạn theo học các chương trình mà trong đó có các tín chỉ/học phần thực tập chiếm tỉ lệ không quá 50%.

      Mặt khác, không phải 100% bạn chọn học chương trình có co-op là sẽ xin được Co-op Work Permit. Bạn cần phân biệt rõ các tình huống:

      • Học phần thực tập là bắt buộc trong chương trình học. Bạn sẽ được cấp giấy phép này tại cửa khẩu hải quan cùng với SP hoặc sau khi đã đến trường.
      • Việc thực tập không bắt buộc, chỉ những ứng viên được yêu cầu mới có quyền tham gia. Bạn sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu của chương trình và xin được việc, sau đó mới xin được Co-op Work Permit.
      • Việc thực tập không bắt buộc. Bạn có quyền đăng ký, nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu của chương trình hoặc đáp ứng được nhưng không xin được việc thì sẽ không được cấp giấy phép này.

      du học định cư CanadaCác chương trình học có thực tập khiến du học sinh quan tâm (Nguồn: unsplash)

      c) Giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp – Post Graduation Work Permit (PGWP)

      PGWP chính là một “bước đệm” quan trọng nếu bạn có ý định tìm kiếm việc làm, tích lũy số năm kinh nghiệm để nâng cao cơ hội định cư tại Canada. Đáng tiếc, rất nhiều người vì không nắm rõ thông tin nên buộc phải về nước sau nhiều năm học.

      Các điều kiện bạn cần đáp ứng:

      • Có bảng điểm (có thể là bảng điểm chính thức hoặc in từ website của trường).
      • Hoàn thành chương trình học đủ điều kiện nhận PGWP. Điều này có nghĩa là không phải chương trình học nào tại Canada cũng giúp bạn đủ điều kiện nhận PGWP. Bạn nên truy cập trang web chính thức của IRCC, kiểm tra thông tin tại cột “Offers PGWP-eligible programs”, link: http://tinyurl.com/y84ujjta.
      • Theo học liên tục một chương trình toàn thời gian tại một trường sau trung học tại Canada và hoàn tất chương trình học kéo dài tối thiểu 8 tháng. Nếu bạn tự ý ngưng học, dù chỉ 1 học kỳ, bạn sẽ không được cấp PGWP. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể nghỉ theo lịch mà trường của bạn quy định.
      • Đã hoàn thành và thi đỗ toàn bộ các nội dung của chương trình học và nhận được thông báo đủ điều kiện tốt nghiệp từ phía nhà trường, bạn có thể xin PGWP. Đặc biệt, thời gian chờ đợi xét duyệt PGWP bạn vẫn có thể đi làm full-time nếu SP còn hạn.
      • Nộp hồ sơ xin PGWP trong vòng 180 ngày sau khi nhận được thông báo từ trường học rằng bạn đủ điều kiện nhận bằng.
      • Study Permit của bạn nên còn hiệu lực (hiện tại thì xin PGWP không còn bắt buộc SP còn hạn).

      Làm thế nào để xin PGWP tại Canada? (Nguồn: YouTube – uwaterloo)

      Thời hạn của Post Graduation Work Permit:

      Chương trình học chính của bạn sẽ quyết định thời gian bạn được ở lại làm việc tại Canada, thông tin có ghi rõ trên PGWP, được xác định bằng bảng điểm hoặc thư hoàn thành chương trình học của trường.

      • Dưới 8 tháng: Bạn không được cấp.
      • Từ 8 đến 24 tháng: Thời hạn của PGWP bằng với thời gian học.
      • Từ 24 tháng trở lên: Thời hạn của PGWP là 3 năm.

      Một số lưu ý:

      • PGWP chỉ được cấp duy nhất 1 lần. Vì vậy, nếu bạn có ý định xin định cư tại Canada, bạn cần phải lên lộ trình rõ ràng.
      • Thời hạn cấp sẽ phụ thuộc vào số năm của chương trình mà bạn học và số năm còn hiệu lực trên hộ chiếu.
      • Nếu 1 phần chương trình bạn đăng ký học diễn ra ở nước ngoài, PGWP chỉ tính thời gian bạn học tại Canada.

      Trong vài năm qua, Canada đã có nhiều động thái tích cực nhằm tạo điều kiện học tập và định cư lâu dài cho các cư dân quốc tế. Tuy nhiên, vì số lượng du học sinh ngày càng tăng cao, nên bạn cần nắm bắt thật nhanh cơ hội này và chuẩn bị hành trang, kiến thức thật kỹ lưỡng nếu có ý định trải nghiệm môi trường quốc tế tại đây.

      Hy vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết này hữu ích với bạn. Bạn cũng đừng quên cập nhật thêm tin tức tại chuyên mục "Du học Canada" của Edu2Review nhé!

      Hồng Yến (Tổng hợp)

      Nguồn: Hội du học sinh Canada – Vietnamese International Students in Canada


      Có thể bạn quan tâm

      Du học Canada

      Cơ hội ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp cho du học sinh tại Canada với giấy phép PGWP

      06/02/2020

      Được ở lại làm việc và tích lũy kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp là mong muốn của nhiều du học sinh ...

      Du học Canada

      Muôn vàn kiểu làm thêm của du học sinh Canada

      06/02/2020

      Bạn là du học sinh Canada và đang tìm kiếm một công việc vừa học vừa làm. Hãy đọc bài viết này ...

      Du học Canada

      Bạn đã biết về những điều kiện du học Canada chưa?

      06/02/2020

      Bạn đang có mong muốn du học Canada nhưng chưa biết cần chuẩn bị những gì, bài viết dưới đây sẽ ...

      Du học Canada

      Đánh giá 2 cách mới và duy nhất giúp bạn du học Canada thành công

      06/02/2020

      Du học Canada sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn hiểu rõ chương trình làm visa diện Study Direct ...