Hướng nghiệp cho học sinh THPT vẫn luôn là vấn đề khiến không chỉ phụ huynh mà còn cả 1 hệ thống giáo dục tại Việt Nam phải đau đầu. Nhận thấy tầm quan trọng và thiết thực trong việc định hướng nghề nghiệp sớm cho các em, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những động thái nghiêm túc trong việc cải cách giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai vào năm 2020 cùng những cải cách hoàn toàn mới về cả chương trình lẫn thời lượng học, hứa hẹn khiến nền giáo dục nước nhà được phen "rúng động mạnh". Liệu những thay đổi này có thật sự tạo ra 1 cuộc cách mạng trong việc hướng nghiệp cho học sinh THPT hay không?
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Những cải cách của chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục khác. Trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thiện, các chương trình đã được thực nghiệm những điểm mới về phương pháp, nội dung và hình thức tổ chức giáo dục.
Được chia làm 2 giai đoạn chính: giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến lớp 12), chương trình giáo dục phổ thông mới đã tạo ra được sự phân hóa cụ thể đối với nhu cầu và mục đích học tập của học sinh hiện nay. Khi thực hiện cải cách, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã rất mong muốn học sinh cả nước có thể hoàn thành các mục tiêu sau đây:
- Làm chủ kiến thức, kỹ năng phổ thông và vận dụng hiệu quả vào đời sống.
- Có thể tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
- Biết cách xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội.
- Sống 1 cuộc đời ý nghĩa và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Đối với chương trình cụ thể áp dụng ở cấp Tiểu học, học sinh sẽ phải học 11 môn và tham gia các hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng với đó là học thêm 1 trong 2 môn tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số hoặc ngoại ngữ 1). Thời lượng giảng dạy được đề xuất là 2 buổi/ngày, mỗi tiết học 35 phút và không quá 7 tiết/ngày. Việc nâng số buổi học và giảm thời gian học lý thuyết sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khác.
Số buổi học tuy nhiều hơn chương trình hiện hành nhưng thời gian lên lớp lại được rút ngắn đáng kể (Nguồn: vietnamnet)
Sang đến cấp THCS, học sinh cần học 12 môn chính thức và 1 trong 2 môn tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số hoặc ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục là 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết học và mỗi tiết học kéo dài 45 phút. Điểm đặc biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp THCS là các bạn học sinh đã được tiếp cận với hoạt động hướng nghiệp từ rất sớm.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đã phải tham gia hoạt động hướng nghiệp ngay từ cấp THCS (Nguồn: vietnamnet)
Nội dung cho giáo dục cấp THPT bao gồm 5 môn học bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, học sinh cũng phải học thêm 1 môn học tự chọn như cấp THCS và chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm ít nhất 1 môn):
- Nhóm Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế & Pháp luật).
- Nhóm Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa Sinh).
- Nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT là nòng cốt của sự thay đổi lần này mà Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng tới (Nguồn: Vietnamnet)
Lợi ích chương trình giáo dục phổ thông mới mang lại
Nếu so sánh với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tải thời gian lên lớp của học sinh, cụ thể như sau:
- Giảm 0,9 giờ/lớp/buổi học đối với cấp Tiểu học.
- Giảm 53,5 tổng giờ học đối với cấp THCS.
- Giảm mạnh từ 262 giờ đến 315 giờ tổng giờ học ở cấp THPT.
Ngoài việc chủ động giảm thời gian học, chương trình giáo dục phổ thông mới còn áp dụng các phương pháp như: dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học thông qua hoạt động, để khơi dậy năng lực và hứng khởi của học sinh 1 cách mạnh mẽ. Tuy chưa được thực hiện rộng rãi, nhưng đây hứa hẹn là những đổi mới tích cực so với nền giáo dục khô khan và nặng lý thuyết như trước đây.
Cập nhật thêm các môn học bắt buộc mới như Tin học, Công nghệ và Nghệ thuật cũng có thể là giải pháp tốt khi mà số lượng học sinh đang không có định hướng nghề nghiệp nhiều như hiện nay. Việc tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc và trải nghiệm thêm những môn học tự chọn sẽ phần nào giúp các bạn định hình được sở thích và năng lực của bản thân, từ đó công tác hướng nghiệp của nhà trường dần trở nên đơn giản hơn.
Tuy mới chỉ thực nghiệm ở 1 số khu vực nhất định nhưng kế hoạch cải cách nền giáo dục năm 2020 nhận được khá nhiều tín hiệu khả quan (Nguồn: daidoanket)
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục, nhưng có lẽ do sức hút từ vấn đề hướng nghiệp cho học sinh THPT đã khiến đợt cải cách này nhận được rất nhiều sự quan tâm. Để cập nhật thêm những diễn biến mới nhất của chương trình, mời bạn đọc đón xem phần 2 tại Edu2Review.com.
Anh Duy (Tổng hợp)