Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ít cơ hội thăng tiến, xung đột hay bất đồng quan điểm với nhà quản lý, công việc áp lực, không được công nhận thành quả… là những lý do hàng đầu khiến nhân viên nghỉ việc. Có thể thấy, tiền bạc và lợi ích không phải là lý do duy nhất để nhân viên quyết định gắn bó với công ty.
Vậy, nếu đang là đầu tàu của một công ty hay một bộ phận trong công ty, bạn cần trang bị những kỹ năng của nhà quản trị nào để giúp nhân viên yêu mến, gắn bó với công ty lâu dài?
Ghi nhận những nỗ lực của nhân viên
Nhà quản trị đóng vai trò lớn trong việc xây dựng sự tự tin của nhân viên. Nếu nhà quản trị có thể giúp nhân viên cảm thấy công bằng, hợp lý thì sẽ củng cố được tinh thần làm việc của họ. Ngược lại, nếu nhà quản trị hiếm khi thừa nhận thành tích của nhân viên thì sẽ khiến họ mất động lực làm việc. Về lâu dài, điều này có thể khiến nhân viên rời bỏ công ty.
Vậy nhà quản trị cần ghi nhận những nỗ lực của nhân viên như thế nào? Nhiều nhà quản trị cho rằng cách ghi nhận tốt nhất với nhân viên là một khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Vấn đề không phải là bạn đã chi bao nhiêu, một phần thưởng sẽ không có tác dụng tích cực nếu người nhận chưa thấy được giá trị của nó.
Ghi nhận thành tích đúng cách sẽ giúp nhân viên gắn bó với công ty (Nguồn: timviecnhanh)
Nhà quản trị có thể vinh danh các cá nhân có thành tích tốt trong nội bộ công ty bằng cách tuyên dương trong các buổi họp định kỳ. Một số doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của nhân viên bằng cách mở rộng sự công nhận ra khỏi phạm vi công ty. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội như một cách truyền thông để giới thiệu về thành tích cũng như sự nỗ lực của nhân viên.
Bên cạnh đó, bạn có thể thưởng cho nhân viên một kỳ nghỉ hoặc cơ hội để tham gia các khóa học, sự kiện theo sở thích của họ. Khóa học đó có thể để phát triển chuyên môn hoặc rèn luyện kỹ năng mềm... Điều này sẽ khiến nhân viên nhận thấy rằng họ được công ty quan đến sự phát triển cá nhân, sự nghiệp.
Tạo sự hài lòng
Theo nhà Tâm lý học Fredrick Herzberg, trước khi tạo ra sự hài lòng, bạn cần đảm bảo loại bỏ các yếu tố bất mãn. Chính sách công ty không hợp lý, thiếu môi trường để nhân viên phát triển khả năng đều có thể dẫn đến sự khó chịu, bất mãn. Nếu nhà quản trị không giải quyết vấn đề này thì sẽ rất khó trong việc khuyến khích, tạo động lực làm việc cho nhân viên. Hệ quả tất yếu là công việc có thể bị trì trệ hoặc không đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.
Khi sự bất mãn xuất hiện, nhà quản trị cần ngay lập tức khắc phục tình trạng này, đồng thời hình thành tính kỷ luật ở nơi làm việc. Đầu tiên, bạn nên tìm hiểu tất cả thông tin và nguyên nhân của sự khó chịu, bất mãn trong nhân viên để có biện pháp xử lý kịp thời. Có rất nhiều người không giữ được bình tĩnh trước những sự bất mãn, tiêu cực của nhân viên, việc này sẽ khiến sự việc diễn biến tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn cần cư xử chuyên nghiệp, kiềm chế tức giận và đây chính là một kỹ năng cần có của nhà quản trị.
Nhà quản trị cần giải quyết sự bất mãn để tạo động lực làm việc cho nhân viên (Nguồn: twitter)
Bạn nên sắp xếp cuộc trò chuyện riêng tư, trao đổi một cách thẳng thắn, tìm hiểu nhân viên đang gặp vấn đề nào và đề nghị được hỗ trợ. Khi đã loại bỏ được tình trạng bất mãn, tiêu cực, nhà quản trị tiếp tục truyền động lực, tinh thần tích cực cho các nhân viên. Cơ hội được đào tạo và phát triển bản thân, lộ trình thăng tiến rõ ràng để nhân viên thấy được bức tranh tươi sáng của họ về tương lai. Điều này sẽ giúp nhân viên có tinh thần làm việc tích cực, gắn bó lâu dài với công ty.
Chia sẻ tầm nhìn dài hạn
Nhân viên luôn muốn biết mục đích và sứ mệnh của mọi công việc mà mình làm. Một trong những kỹ năng của nhà quản trị là cho nhân viên biết được tầm quan trọng của mình đối với công ty. Hãy cho nhân viên thấy được sự phát triển của họ sẽ gắn liền với tầm nhìn và chiến lược của công ty.
Nhà quản trị sẽ nắm rõ chính sách phát triển của công ty thông qua những cuộc hội nghị, họp chiến lược. Tuy nhiên, nhân viên thì không tham gia những cuộc họp đó, vậy nên bạn phải là người truyền đạt những điều đó đến cho nhân viên. Bạn nên cho nhân viên thấy rằng quyền lợi, đãi ngộ của mỗi người sẽ gắn liền với sự phát triển của công ty. Khi công ty thành công đồng nghĩa là nhân viên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, thăng tiến trong tương lai.
Chia sẻ tầm nhìn của công ty để nhân viên thấy được tầm quan trọng của mình (Nguồn: twitter)
Cần rất nhiều kỹ năng của nhà quản trị để đưa công ty phát triển. Trong đó, trang bị các kỹ năng quản lý nhân sự sẽ giúp nhà quản trị tạo nên đội ngũ nhân viên có động lực làm việc và gắn bó lâu dài với công ty. Nếu mong muốn trở thành một nhà quản trị giỏi, bạn cần quan tâm hơn tới đội ngũ nhân sự và khuyến khích họ phát triển, nỗ lực vì mục tiêu chung.
Thường Lạc (Tổng hợp)