Lắng nghe là một công đoạn quan trọng trong quá trình giao tiếp. Người giỏi lắng nghe sẽ luôn được người khác yêu quý và tin tưởng. Thật không may, không phải ai cũng có kỹ năng này. Mọi người thường có xu hướng tập trung chuẩn bị câu hỏi tiếp theo hoặc nói ra suy nghĩ/quan điểm của cá nhân thay vì toàn tâm toàn ý lắng nghe. Điều đó có thể gây lãng phí thời gian và hiểu nhầm trong việc truyền tải thông điệp giữa các bên.
Khái niệm kỹ năng lắng nghe
Lắng nghe là sự tiếp nối ngay sau quá trình nghe thấy. Não bộ sẽ tập trung phân tích những dữ liệu sóng âm đã nhận được thành các nội dung hoàn chỉnh.
Trong khi thế giới công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt thì giao tiếp lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tổng thời gian mỗi người dành ra để lắng nghe người khác lại ngày càng ít đi.
Lắng nghe không chỉ là vấn đề của việc sử dụng tai mà còn là cả đôi mắt. Ví dụ, nếu ai đó nói rằng họ hài lòng với cuộc sống, nhưng sau khi quan sát bạn lại thấy họ luôn cằn nhằn về mọi thứ thì bạn nên xem xét các thông điệp của họ liệu có đang mâu thuẫn hay không. Có thể, họ đang nói không đúng sự thật.
Lợi ích của việc lắng nghe
Giúp bạn thông minh hơn
Tích cực lắng nghe, bạn sẽ tạo ra sự phản hồi liên tục và chắc chắn. Điều này sẽ khiến cho đồng nghiệp và cấp trên nghĩ rằng bạn đủ thông minh để hiểu những gì họ nói và có khả năng trả lời ngay lập tức. Từ đó, bạn cũng sẽ dễ dàng đưa ra được các phương án thực sự có tính hữu dụng và đóng góp cho công ty.
Lắng nghe giúp bạn thấu hiểu và trở nên tinh tế hơn (Nguồn: dotchuoinon)Giao tiếp là yếu tố cơ bản của mọi mối quan hệ. Lắng nghe một cách chủ động và hiệu quả giúp bạn giao tiếp tốt, tạo nên mối quan hệ hoặc tình cảm tốt đẹp hơn. Nó còn giúp các cá nhân tạo dựng mối quan hệ tốt trong công việc với sếp, khách hàng cũng như đồng nghiệp. Kỹ năng lắng nghe tốt giúp bạn xây dựng hình ảnh đẹp và nổi bật so với những nhân viên khác.
Phương pháp lắng nghe hiệu quả
Tập trung lắng nghe
Tốc độ nói của một người có thể đạt từ 100 đến 150 từ/phút, nên bạn sẽ phải dành thời gian để rèn sự tập trung khi lắng nghe những gì đối phương nói. Tập trung lắng nghe cũng là biểu hiện tôn trọng người nói, giúp họ có thêm sự tin tưởng để giao tiếp một cách cởi mở hơn. Trong quá trình giao tiếp, sự sao nhãng sẽ gây cảm giác khó chịu cho người nói. Bạn có thể biểu lộ cảm xúc, thái độ, sự thoải mái hay giao tiếp bằng ánh mắt với người đối diện.
Học cách tư duy, hiểu câu chuyện
Có những lúc, thông điệp mà người đối diện thực sự muốn gửi đến bạn không phải là những gì họ nói. Nhiều cuộc giao tiếp diễn ra trong bối cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” vì không hiểu được ý của nhau. Bạn sẽ phải thật sự tinh ý để nắm bắt những ý chính mà người nói muốn truyền tải. Hãy chủ động đặt câu hỏi nếu không chắc về những điều được nghe. Việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi bạn cần phải rèn luyện, trau dồi khả năng tư duy và tìm hiểu ẩn ý trong các câu nói của người khác.
Tôn trọng quan điểm của đối phương
Đây là kỹ năng bạn cần rèn luyện để việc lắng nghe đạt hiệu quả cao nhất. Bạn nên học cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác, bởi trong chúng ta không ai là hoàn hảo. Thay vì đặt cái tôi cá nhân lên trên, bạn nên biết lúc nào cần đồng tình, lúc nào cần phản bác, góp ý hay giữ quan điểm trung lập. Điều này sẽ không có ai dạy bạn, chính bạn cần phải có ý thức để tự rèn luyện và trải nghiệm. Tôn trọng người khác cũng là để nhận lại điều tương tự từ họ.
Phản hồi với người nói
Giao tiếp là một quá trình tương tác hai chiều, giữa người gửi và người nhận. Sau khi nhận thông điệp, bạn sẽ giải mã và có sự hồi đáp với người gửi. Đôi khi, bạn chỉ cần gật đầu và thể hiện sự thấu hiểu thông qua biểu cảm gương mặt phù hợp. Điều này làm cho người nói thấy bạn vẫn đang nghe và theo kịp suy nghĩ của họ chứ không đắm chìm trong thế giới riêng của mình.
Những nguyên tắc trên sẽ giúp bạn cải thiện được kỹ năng lắng nghe. Hãy không ngừng rèn luyện kỹ năng này để sớm hoàn thiện bản thân và trở thành một người thành công hơn nhé!
Cẩm Tú (Tổng hợp)