Trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng giao tiếp ứng xử rất cần thiết. Kỹ năng này có thể giúp bạn xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người bên cạnh. Công việc cũng vậy, muốn đạt được hiệu quả nhanh chóng thì bạn cần phải có sự giúp đỡ, ủng hộ và thấu hiểu của đồng nghiệp. Để có được mối quan hệ tốt đẹp đó, hãy cùng Edu2Review tìm hiểu về các kỹ năng giao tiếp ứng xử nơi công sở ngay trong bài viết này.
1. Thiết lập nguyên tắc
Kỹ năng này có nghĩa là thiết lập các nguyên tắc cư xử đúng mực trong cuộc sống bên ngoài công việc của bạn. Một lời cảnh báo cho tất cả mọi người, để giữ hoà khí chung thì tốt nhất bạn không nên nói ra những quan điểm, phán xét về tôn giáo, chính trị và đạo đức. Hãy giữ điều đó cho cuộc sống riêng của mình.
Bạn có thể dành một hoặc hai buổi gặp gỡ đồng nghiệp sau giờ làm việc để trao đổi thêm về chuyên môn hoặc cách thức cải thiện các mối quan hệ và môi trường làm việc. Tuy nhiên, nếu hai bạn quá thân mật thì có thể gây ra một số hiểu lầm. Vì vậy, bạn cần ghi nhớ mình là một người chuyên nghiệp và nên ưu tiên công việc hoặc các giải pháp cho các vấn đề lên hàng đầu.
2. Xử lý các khó khăn nhanh chóng
Công việc của bạn không phải lúc nào cũng được diễn ra trôi chảy. Đôi khi sẽ có những mâu thuẫn xảy ra và nếu không được giải quyết tốt có thể trở nên nghiêm trọng. Một cách hiệu quả nhất để xử lý các khó khăn cá nhân này là đối mặt bằng thái độ tích cực.
Hãy tập trung tìm phương pháp giải quyết xung đột. Bạn nên giải thích một cách bình tĩnh và hợp lý cho đồng nghiệp hiểu. Hai bạn không nhất thiết phải thích nhau nhưng hãy đặt vấn đề công việc lên hàng đầu và cố gắng đạt kết quả tốt nhất.
3. Kiểm soát cách cư xử của bạn trong và ngoài nơi làm việc
Bạn nên điều chỉnh bản thân một cách chuyên nghiệp ở nơi làm việc và cả những địa điểm có thể gặp khách hàng và đồng nghiệp. Hãy làm hết khả năng của mình để đối xử với những người khác một cách thân thiện, lịch sự và tôn trọng.
Bạn nên kiểm soát cảm xúc và những cơn phẫn nộ, tức giận bằng cách suy nghĩ trước khi nói cũng như hành động. Đôi khi, một lời nói hoặc bình luận thiếu suy nghĩ của bạn có thể gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng mà không thể dự đoán trước được. Bạn có thể phòng ngừa những trường hợp xấu trong công việc bằng một quy tắc rất đơn giản: “Hãy đối xử với mọi người như cách bạn muốn họ đối xử với mình”.
4. Không làm hết việc cho đồng nghiệp
Không có gì sai khi bạn cởi mở, thân thiện và hay giúp đỡ người khác trong công việc. Tuy nhiên, đừng tạo ấn tượng với mọi người rằng bạn là một đối tượng dễ dàng bị sai khiến hoặc sẵn sàng làm các công việc của người khác trong khi bản thân họ có thể tự sắp xếp thời gian để làm.
Bạn có thể giúp đỡ đồng nghiệp ở một số trường hợp, còn lại họ phải có trách nhiệm trong công việc của mình. Ngược lại, nếu lúc nào bạn cũng không ngại hỗ trợ người khác hoàn thành công việc của họ thì bạn sẽ dần dần nhận ra rằng chất lượng công việc của chính mình sẽ bị giảm sút.
5. Xác định thời gian tán gẫu
Không thể phủ nhận việc tán gẫu với đồng nghiệp là một cách giúp giảm stress và lo lắng, thúc đẩy các mối quan hệ nhằm tăng sự đoàn kết. Tuy nhiên, đừng chuyển thời gian làm việc của mình và đồng nghiệp thành thời gian nghỉ ngơi.
Bạn nên tránh việc gây khó chịu cho mọi người khi làm mất thời gian của họ, ảnh hưởng tới hiệu quả lao động và cả hình ảnh chuyên nghiệp của mình nơi công sở.
6. Dành thời gian tạo mối quan hệ
Bạn đã từng nghe câu: “Làm để sống – Đừng sống để làm” chưa? Không dễ dàng khi phải phân tách giữa công việc riêng tư và chuyên môn. Thế nên nếu bạn chỉ biết làm việc mà "bỏ quên" thời gian quý báu cho gia đình, bạn bè và các mối quan tâm khác thì thật khó để có được thành công trọn vẹn trong cuộc sống đời thường. Bạn cần lưu ý rằng việc dành thời gian và chủ động tạo các mối quan hệ tốt đẹp sẽ đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích.
Với những kiến thức vừa được chia sẻ, Edu2Review hy vọng sẽ giúp bạn trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp ở nơi làm việc. Hãy ghi nhớ những bí kíp này để xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp nhé!
Phương Trinh (Tổng hợp)