Để đạt được mục đích của mình trong các cuộc hội thoại, không phải lúc nào bạn cũng cần phải lên tiếng hoặc là người phát ngôn chính. Nếu biết cách sử dụng kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp đúng thời điểm, bạn có thể sẽ được những người xung quanh đánh giá cao về khả năng tiếp thu. Vì vậy, hãy cùng Edu2Review “bỏ túi” ngay những thông tin hữu ích sau nhé!
Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe
Hành động lắng nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi ở người thực hiện một sự kiên nhẫn rất lớn. Thay vì vội vàng tranh biện, bạn nên để mọi người trình bày hết các ý kiến để thể hiện rằng mình đang tập trung nhằm tiếp thu và suy nghĩ về những gì họ nói. Sau đó, bạn mới nên trình bày quan điểm của mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, lắng nghe tốt sẽ giúp bạn kiểm soát được cảm xúc trong công việc và các mối quan hệ, từ đó dễ dàng học hỏi được thêm nhiều điều mới. Đây là kỹ năng quan trọng mà bạn cần rèn luyện để cải thiện năng suất, gây ấn tượng và thuyết phục người khác thành công.
Các kỹ năng lắng nghe cần có trong giao tiếp
1. Lắng nghe với thái độ kiên nhẫn
Để người nói đánh giá bạn là một người kiên nhẫn trong việc lắng nghe, bạn có thể bắt đầu bằng những câu nói thể hiện sự quan tâm, ví dụ: "Tôi sẵn sàng lắng nghe vấn đề mà bạn đang có khúc mắc...", "Tôi có thể hiểu những việc mà bạn vừa kể...", "Bạn cứ tiếp tục đi, tôi vẫn đang phân tích những gì bạn nói để đưa ra giải pháp..." hoặc đơn giản là những cái gật đầu nhẹ nhàng.
Mặt khác, bạn cần hiểu rằng kiên nhẫn không phải là lặng thinh nghe hết từ đầu đến cuối câu chuyện mà không hiểu gì. Song song, bạn cần có lập trường của riêng mình, biết phân tích đúng sai và lắng nghe một cách có chọn lọc để từ đó đưa ra các lời khuyên thực sự có ích thay vì đồng ý với người chia sẻ một cách mù quáng.
2. Đặt bản thân vào vị trí người nói
Hành động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lắng nghe như đó không phải là việc của mình sẽ khiến bạn rất khó để hiểu đúng bản chất vấn đề và đưa ra các góp ý cho người chia sẻ. Để thấu hiểu được cảm xúc của người nói, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí, tình huống mà họ gặp phải. Lúc này, bạn sẽ có một góc nhìn khác, đa chiều hơn thay vì chủ quan như ban đầu. Vì vậy, các ý kiến của bạn đưa ra có thể sẽ thấu đáo và hợp lý hơn.
3. Cẩn thận lắng nghe và chú ý đến các chi tiết
Lắng nghe ý kiến của người khác cẩn thận là việc làm thể hiện thái độ tôn trọng. Khi người khác cảm nhận được bạn coi trọng họ, bạn có thể sẽ dễ dàng tìm ra cách giải quyết vấn đề nhờ có sự đồng cảm và lòng tin từ đối phương.
Điều này không chỉ đơn giản là gật đầu hay đưa ra những lời góp ý qua loa. Bạn cần có hành động cụ thể hơn, như biết cách đặt các câu hỏi cần thiết nếu chưa hiểu rõ các thông tin hoặc để tìm ra được các "đầu mối" giúp xử lý vấn đề, ghi chép chi tiết lại các nội dung được người nói chia sẻ và thực sự coi đây là việc quan trọng.
4. Tạo tín hiệu cho biết bạn hứng thú
Những cái gật đầu hay phản ứng lại như “ừ, à, vâng…” chứng tỏ rằng bạn đang quan tâm đến câu chuyện. Mặt khác, bạn cũng cần biểu hiện thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ. Khi đối mặt, nói chuyện cùng nhau, bạn nên sử dụng ánh mắt của mình một cách linh động để cho người nói thấy được sự cởi mở và nhiệt tình. Mặc dù, đó chỉ là hành động rất nhỏ nhưng sẽ giúp họ biết bạn có hứng thú với câu chuyện.
Bạn nên tránh làm việc riêng khi đang lắng nghe, như đọc báo, lướt web… hay khoanh tay trước ngực, nhìn ngó xung quanh mà không hướng tới đối phương.
5. Hãy chắc chắn là bạn hiểu được tất cả câu chuyện
Điều vô cùng nguy hiểm là khi câu chuyện kết thúc mà bạn vẫn không biết người khác đã nói gì và truyền đạt vấn đề nào. Việc này khiến người nói hiểu rằng bạn không tôn trọng họ. Vì vậy, trong quá trình nghe, bạn nên hỏi lại ngay khi có thắc mắc hoặc sau khi câu chuyện đã kết thúc, tùy vào tính cách của người nói.
6. Phản hồi lại ý kiến
Phản hồi lại ý kiến của người khác là hành động lịch sự, chứng tỏ bạn đã lắng nghe một cách cẩn thận và thấu hiểu câu chuyện.
Hoạt động hai chiều không những đảm bảo có thông tin chính xác mà còn giúp đối phương tập trung vào những nội dung thực sự cần trao đổi. Bạn cần tránh trường hợp cả hai bên cùng nói, không có người nghe hay bàn luận sang vấn đề khác không liên quan.
7. Không cắt ngang lời đối phương đang nói
Bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu như câu chuyện của bạn bị cắt ngang đúng không? Vì vậy, bạn cũng không nên làm thế với người khác. Nhờ vậy, câu chuyện cũng sẽ không bị đứt mạch và người nói cũng sẽ không khó chịu.
Phản hồi lại ý kiến là điều nên làm nhưng bạn cần thực hiện đúng nơi, đúng lúc để chứng tỏ rằng mình là một người biết lắng nghe và kiên nhẫn.
8. Tôn trọng ý kiến của đối phương
Hãy là người biết lắng nghe và đánh giá ý kiến một cách chân thật nhất. Bạn nên tránh việc đả kích, chê bai người khác. Một lời góp ý cần phải được suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi nói ra. Hãy luôn là một người có thái độ tích cực những lúc đưa ra nhận xét. Bạn cần tôn trọng ý kiến của người khác để nhận lại điều tương tự.
Cách hiệu quả để nâng cao giá trị của bản thân chính là rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe người khác. Từ đó, bạn sẽ có thêm lợi thế trong công việc và tạo thiện cảm với mọi người xung quanh.
Ngọc Trân (Tổng hợp)